Chú trọng truyền thông
Hàng năm, từ nguồn ngân sách địa phương, UBND phường An Phú chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát, thống kê hệ thống loa truyền thanh tại 11 tổ dân phố để có kế hoạch sửa chữa và trang bị mới, góp phần nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền. Bà Trương Thị Thanh Thúy-công chức Văn hóa-Xã hội phường-cho biết: Năm 2022, phường xuất ngân sách hơn 24 triệu đồng đầu tư lắp đặt hệ thống loa tại các tổ dân phố. Cùng với đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về truyền thông do thị xã phân bổ với số tiền gần 20 triệu đồng, UBND phường phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình về công tác giảm nghèo. Đầu năm 2023, phường được thị xã đầu tư hơn 478,8 triệu đồng để lắp đặt bộ truyền thanh kỹ thuật số (hệ thống loa thông minh).
Ông Cao Thanh Cường-Phó Chủ tịch UBND phường An Phú kiểm tra thông tin trước khi phát trên hệ thống loa truyền thanh. Ảnh: N.M |
“Từ đầu năm đến nay, hệ thống loa thông minh của thị xã đã phát sóng trực tiếp từ kênh radio của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh vào các khung giờ: 6 giờ 30 phút đến 7 giờ, 11 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 17 giờ 30 phút với tổng thời lượng hơn 2.700 phút. Bên cạnh đó, phường vận hành hệ thống loa phát thanh trực tiếp 45 giờ và phát thanh khẩn cấp 15 giờ. Nội dung tập trung vào việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về hoạt động của Đảng bộ, chính quyền địa phương, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất của người dân; chế độ chính sách, kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt”-bà Thúy chia sẻ.
Mặc dù tại địa bàn các tổ dân phố đã có hệ thống loa của thị xã, của phường thường xuyên phát sóng, song các tổ vẫn chủ động vận hành hệ thống loa của tổ và truyền thông theo cách riêng. Ông Trình Bình Chinh-Tổ trưởng tổ 7-cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, những năm qua, tổ dân phố 7 đã chú trọng đến nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để kịp thời đưa thông tin đến với người dân. “Mỗi khi phường có thông tin về chế độ chính sách, lao động việc làm, bảo hiểm y tế, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tôi đều lấy nội dung về phát trên hệ thống loa của tổ dân phố; một số văn bản quan trọng tôi in ra và dán ở bảng thông tin tại nhà văn hóa. Nhờ đó, người dân trong tổ kịp thời nắm bắt thông tin và hiểu hơn về phương hướng, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là công tác giảm nghèo của địa phương”-ông Chinh nói.
Còn ông Phạm Khương Thái-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 3 thì cho hay: Song song với vận hành hệ thống loa của tổ với 3 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 1 giờ, chúng tôi phân công trưởng các ban, chi hội đến từng gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. “Nhờ đó, người dân tích cực tăng gia sản xuất; diện tích gieo trồng cây lúa, cây rau, hoa màu đạt gần 50 ha/năm; duy trì đàn trâu, bò, heo 350 con; đàn gia cầm khoảng 500 con. Thu nhập của người dân đạt 90-120 triệu đồng/năm. Đến nay, tổ chỉ còn 6 hộ cận nghèo. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, tổ không còn hộ cận nghèo”-ông Thái nhấn mạnh.
Các hội, đoàn thể cũng tích cực truyền đạt thông tin đến hội viên của mình. Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Bùi Quốc Khánh: Hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền miệng theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu; tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận cao trong hội viên nông dân. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện các phong trào, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm; tổ chức và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
“Việc đẩy mạnh thông tin đến các chi hội, hội viên nông dân đã giúp Hội triển khai nhiệm vụ đạt kết quả. Từ đầu năm đến nay, Hội triệu tập 30 cán bộ, hội viên nông dân tham gia lớp tập huấn về sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; cử 10 cán bộ, hội viên nông dân tham gia lớp tập huấn xây dựng mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân tỉnh tổ chức; phối hợp với Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội tổ chức hội thảo phân bón với 40 hội viên; ra quyết định thành lập 5 tổ hội trồng rau với 50 thành viên và 1 chi hội nghề nghiệp với 20 thành viên”-ông Khánh nói.
Quyết tâm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững
Những năm qua, công tác thông tin, truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân; đồng thời lan tỏa, phát huy kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn hoa cúc chậu, chị Phạm Thị Mỹ Kiều (tổ 3) kể: Năm 2019, qua các kênh thông tin, vợ chồng chị nhận thấy mô hình trồng hoa cúc chậu cung ứng thị trường Tết Nguyên đán đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, tổ dân phố đã phối hợp với Hội Nông dân phường kết nối, giới thiệu một số hộ trồng hoa cúc trên địa bàn thị xã để các hộ có nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Từ đó đến nay, chị duy trì mô hình trồng cúc chậu, đem lại thu nhập 60-90 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Cán bộ tổ dân phố 3, phường An Phú, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa cúc chậu với chị Phạm Thị Mỹ Kiều. Ảnh: Ngọc Minh |
“Gia đình tôi có 8 sào đất sản xuất. Hàng năm, dựa trên những thông tin của tổ, của phường và hướng dẫn của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, vợ chồng tôi áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, cây trồng đạt năng suất cao, vật nuôi phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập, cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, trong 2 năm (2021-2022), gia đình liên tiếp gặp sự cố, đặc biệt là chồng tôi phát hiện bị bệnh ung thư phổi di căn não giai đoạn cuối. Tôi đã bán hết gia súc, dồn tiền của tích góp bao năm để chữa trị nhưng anh ấy không qua khỏi. Trong lúc gia đình rơi vào cảnh bế tắc, bà con hàng xóm, tổ dân phố, chính quyền địa phương đã quan tâm, động viên, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Tháng 10 vừa qua, phường hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Đây là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo”-chị Kiều tâm sự.
Nhờ tiếp cận các thông tin đa chiều, bà Cao Thị Thanh Lan (tổ 7) đã hiểu hơn về chính sách giảm nghèo, nhất là nâng cao ý thức chung tay giảm số hộ nghèo của địa phương. “Vợ chồng tôi có 4 người con, tất cả đều lập gia đình ra ở riêng. Do chồng tôi mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm nay nên gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Vì vậy, gia đình được hưởng một số chính sách dành cho hộ nghèo. Cuối năm 2022, chồng tôi qua đời. Sau đó, tôi chủ động viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường lại những ưu đãi mà gia đình được hưởng cho hộ khác, tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn hơn vươn lên thoát nghèo”-bà Lan tâm sự.
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND phường Cao Thanh Cường cho biết: Thời gian qua, công tác thông tin, truyền thông được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thường xuyên nhằm giúp người dân tiếp cận kịp thời chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Phường cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến và quán triệt những nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, cơ quan Trung ương và văn bản của tỉnh, thị xã. Từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về vai trò của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo điều hành của chính quyền, UBND phường thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các tổ chức chính trị-xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trên các cụm loa, hệ thống pa nô, trong các buổi sinh hoạt ở tổ dân phố, các chi hội, đoàn thể, trên các trang thông tin điện tử của phường, trang mạng xã hội Zalo, Facebook của Mặt trận, các hội, đoàn thể. “Với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy hiệu quả công tác thông tin về giảm nghèo, đến nay, phường chỉ còn 14 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo. Năm 2024, phường phấn đấu giảm 2 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo”-ông Cường thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, UBND phường tiếp tục phối hợp với Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội rà soát nhu cầu hộ nghèo, cận nghèo về tiếp cận vốn từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia để giúp phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông giảm nghèo.
“Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với hộ nghèo, cận nghèo; chủ động phân tích, làm rõ từng nguyên nhân nghèo và có biện pháp quyết liệt, kiên quyết đối với các hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không chịu khó lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông để tuyên truyền cho người dân vận dụng, thực hiện”-Phó Chủ tịch UBND phường An Phú nhấn mạnh.