Phú Thiện: Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nên hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Thiện, Gia Lai dần đi vào nền nếp.

Theo kết quả điều tra của ngành chuyên môn, trên địa bàn huyện Phú Thiện có một số loại đá và khoáng vật như: thiếc (xã Chư A Thai), uran thori dị thường xạ (xã Chư A Thai, Ia Sol), saphia, kaolan, granite xây dựng, granite ốp lát, gỗ silic, đất sét-gạch ngói (xã Chư A Thai) và cát sỏi, đá xây dựng ở khu vực ven sông Ayun. Tất cả các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Thiện đã được quy hoạch, lập bản đồ, tổ chức thăm dò trữ lượng và đưa vào quản lý. Việc khai thác vật liệu xây dựng chủ yếu tập trung vào cát, đá, đất sét đã được UBND tỉnh tổ chức đấu thầu, cấp phép. Hiện tại, có 9 khu vực mỏ đã được cấp phép hoạt động khai thác.

 

Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát hoạt động khai thác cát tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P
Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát hoạt động khai thác cát tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn nhìn chung chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc khai thác khoáng sản trái phép, nhỏ lẻ, dù được kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Gần đây nhất, ngày 18-5-2018, tại khu vực sông Ayun (xã Ia Peng), lực lượng chức năng đã phát hiện có 2 máy hút cát trong tình trạng không hoạt động, 2 ống bơm dài khoảng 20 m và 1 bãi tập kết cát cách bờ sông khoảng 30 m có khoảng 100 m3 cát xây dựng, 1 lán trại với diện tích 20 m2 để trông coi bãi cát. Lực lượng chức năng đã lập biên bản khai thác cát xây dựng trái phép và bàn giao cho xã Ia Peng tạm giữ các phương tiện, máy móc vi phạm; đồng thời UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng cùng UBND xã Ia Peng xác minh chủ các phương tiện trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xã Ia Piar có 2 mỏ cát xây dựng ở dọc sông Ayun đoạn thượng nguồn và hạ nguồn cầu Xi Phông. Đây là 2 mỏ cát đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH một thành viên Đại Lợi và Công ty TNHH một thành viên Trang Đức. Ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar-cho biết: Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã và các ban ngành của xã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trên địa bàn  nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, không để hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân địa phương. “Những năm trước đây, thi thoảng xảy ra khai thác trái phép, gây ảnh hưởng đến đường sá và đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên gần đây, hoạt động này đã được quản lý chặt chẽ và đi vào nền  nếp. Các doanh nghiệp được phép khai thác cát cũng đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương”-ông Phương cho hay.

Tương tự, xã Chư A Thai có 2 mỏ đất sét được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Thái Hoàng và Công ty cổ phần Phú Bổn được khai thác để phục vụ sản xuất gạch xây dựng. Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho rằng: Các doanh nghiệp khai thác đất sét phục vụ sản xuất gạch  tuynel tại địa phương đã thực hiện đúng các quy định về khai thác khoáng sản. “Họ khai thác đất sét sau đó san lấp trả lại mặt bằng theo quy định, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn cho người dân khu vực khai thác và sản xuất”-ông Toàn nói.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, những năm gần đây, công tác phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã được các cấp, các ngành quan tâm. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật như: khai thác đúng thiết kế, ký quỹ phục hồi môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; gắn kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương. “Việc UBND tỉnh tổ chức đấu thầu cấp phép khai thác khoáng sản đã đưa hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát xây dựng vào nền nếp. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện được củng cố, tăng cường góp phần ngăn chặn, hạn chế các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh một số tồn tại đang được lãnh đạo huyện và các ngành chức năng tập trung tháo gỡ như: Công ty Trang Đức vận chuyển cát trên đường bê tông tải trọng thấp (đường vào xã Ia Yeng chỉ có tải trọng 10 tấn); Công ty Hiệp Lợi và 2 doanh nghiệp khác khai thác mỏ đá thuộc huyện Chư Pưh vận chuyển đi qua tổ 19 (thị trấn Phú Thiện) gây hư hỏng nền đường, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và sản xuất của người dân”-ông Đăng cho hay.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.