Phú Thiện quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng những năm qua, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) vẫn triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người lao động nông thôn. 
Huyện Phú Thiện có trên 75.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 86,06% dân số. Bà Huỳnh Thị Tư-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: Năm 2022, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60% và giải quyết việc làm cho 2.850 người. Để đạt mục tiêu đề ra, Phòng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động. Đồng thời, rà soát, nắm bắt tình hình lao động khó khăn trở về địa phương từ các tỉnh phía Nam và số lao động có nhu cầu quay trở lại tìm việc để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, để người lao động tiếp cận trực tiếp với thông tin về nhu cầu việc làm, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội chợ việc làm năm 2022. Tại đây, 4 doanh nghiệp đã trực tiếp tư vấn, tuyển dụng lao động. Kết quả có 200 lao động được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp.
Sau 2 năm làm công nhân ở Đồng Nai, năm 2022, chị Rơ Lan Phang (xã Ia Yeng) trở về tìm việc ở gần nhà để thuận lợi trong chăm sóc con nhỏ. Chị cho biết: “Sau phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại huyện, mình xin vào làm công nhân tại Nhà máy gạch Thái Hoàng ở xã Chư A Thai. Mức thu nhập bình quân 6-9 triệu đồng/tháng. Tuy thu nhập có thấp hơn so với khi làm công nhân ở Đồng Nai nhưng được gần nhà”.
Công nhân làm việc tại Nhà máy gạch Thái Hoàng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: Đinh Yến
Công nhân làm việc tại Nhà máy gạch Thái Hoàng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: Đinh Yến
Để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, huyện Phú Thiện còn quan tâm tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu-cụm công nghiệp giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Huyện cũng mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động kết nối làm việc tại các doanh nghiệp. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng huyện đã mở được 2 lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp và xây dựng cho 40 lao động nông thôn trong 2 năm qua. Cùng với đó, các xã, thị trấn cũng kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng lao động và tổ chức đào tạo nghề phù hợp với vị trí việc làm. 
Anh Đinh Suyn (Plei Bông, xã Chư A Thai) cho hay: “Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sửa chữa máy nông nghiệp do xã phối hợp với cơ sở đào tạo nghề tổ chức, tôi đã tự mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp tại nhà. Những kiến thức được trang bị trong quá trình học nghề đã giúp tôi có được công việc phù hợp, nâng cao thu nhập”.
Huyện Phú Thiện có nhiều Nhà máy gạch tạo việc làm thường xuyên cho lao động phổ thông. Ảnh: Đinh Yến
Huyện Phú Thiện có nhiều nhà máy gạch tạo việc làm thường xuyên cho lao động phổ thông. Ảnh: Đinh Yến
Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Phú Thiện có 2.600 lao động được giải quyết việc làm mới, trong đó, 1.585 lao động làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam.
Tại xã Chư A Thai, 5 nhà máy gạch có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động phổ thông. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Thị Đức, địa phương thường xuyên phối hợp với các nhà máy tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Qua đó, nhiều lao động đã tìm được việc làm với mức thu nhập 5-9 triệu đồng/người/tháng, còn nhà máy thì đảm bảo nhân lực hoạt động. “Từ đầu năm đến nay, xã có trên 200 lao động được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp”-bà Đức nói.
Trao đổi với P.V, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết thêm: “Thời gian tới, Phòng tiếp tục tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp uy tín có chức năng xuất khẩu lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động”. 
ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.