Phú Thiện: Dư luận trái chiều về công tác xã hội hóa trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày qua, dư luận tại thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) có nhiều ý kiến khác nhau về công tác xã hội hóa mua sắm ti vi phục vụ dạy và học tại Trường Tiểu học Chu Văn An. Điều này đặt ra câu hỏi: Xã hội hóa giáo dục như thế nào để thực sự hiệu quả, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh?

Ý kiến người trong cuộc

Đầu năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Chu Văn An triển khai vận động xã hội hóa từ nguồn đóng góp tự nguyện của phụ huynh để lắp đặt ti vi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch được thông báo tại cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm thì có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Một số phụ huynh cho rằng họ không tiếc số tiền ủng hộ nhưng thấy không thoải mái vì phải đóng trong tâm thế bắt buộc. Đầu năm học, phụ huynh có nhiều mối lo, tiền mua sắm đồ dùng học tập, quần áo cho con, cộng thêm khoản đóng góp tự nguyện nên càng thêm gánh nặng tài chính. Vì vậy, bên cạnh số phụ huynh hưởng ứng đóng góp thì cũng có người phản ứng, người “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, người chọn cách im lặng đóng tiền theo số đông.

Giáo viên và học sinh lớp 5.3 (Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Phú Thiện) tương tác trên màn hình ti vi trong một giờ học. Ảnh: V.C

Giáo viên và học sinh lớp 5.3 (Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Phú Thiện) tương tác trên màn hình ti vi trong một giờ học. Ảnh: V.C

Theo Hiệu trưởng Mã Thị Mai, do nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho trường hàng năm có hạn nên những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư cơ sở vật chất như làm nhà để xe, đổ bê tông sân trường, sơn sửa lớp học… Nhờ vậy, diện mạo ngôi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Từ năm 2019 đến nay, nhà trường luôn được tỉnh, huyện đánh giá xanh-sạch-đẹp.

Với mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho các em học sinh có môi trường học tập tốt nhất, đầu năm học 2023-2024, nhà trường vận động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh để lắp đặt ti vi tại các lớp. Kế hoạch này được nhà trường trình Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện phê duyệt đầu năm học theo đúng Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Hướng dẫn số 2395/SGDĐT-KHTC của Sở GD-ĐT về hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2023-2024.

Cũng theo cô Mai, nhà trường đã nêu rõ quan điểm trong cuộc họp với phụ huynh là việc vận động tài trợ hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, không ép buộc và không quy định mức bình quân, mức tối thiểu đóng góp. Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra quyên góp, thu tiền và trực tiếp hợp đồng với đơn vị lắp đặt. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn đóng góp. Thực tế, sau khi triển khai, một số phụ huynh tự nguyện ủng hộ 1-2 triệu đồng. Tiêu biểu có chị Nguyễn Thị Thu Phương (tổ 8, phụ huynh lớp 2.3) ủng hộ 1,85 triệu đồng; 3 phụ huynh lớp 1.6 (phụ huynh em Nguyễn Đức Minh An, Trịnh Hoàng Anh, Trần Lê Minh Hy) ủng hộ 1 triệu đồng… Và lớp nào phụ huynh đồng tình ủng hộ thì triển khai lắp đặt, lớp nào phụ huynh không đồng ý thì không triển khai, một số lớp đóng góp được ít thì mua chung, ưu tiên cho lớp cuối cấp học trước. Theo kế hoạch trình Phòng GD-ĐT huyện phê duyệt, nhà trường dự kiến lắp đặt 20 ti vi, đến thời điểm hiện tại đã có 17/29 lớp triển khai và đưa vào sử dụng. Học sinh và giáo viên đều hứng thú khi được triển khai dạy và học theo phương pháp mới.

Cô Nguyễn Thị Thúy-giáo viên chủ nhiệm lớp 4.1-cho hay: Lớp có 43 học sinh. Trong cuộc họp đầu năm, khi triển khai kế hoạch xã hội hóa mua sắm ti vi, nhiều phụ huynh không đồng ý nên lớp ngưng kế hoạch vận động. Tuy nhiên, sau khi thấy một số lớp triển khai, các em học sinh thích thú, về kể lại cho cha mẹ nghe thì phụ huynh bàn bạc lại trên nhóm Zalo lớp và thống nhất đóng góp trên tinh thần tự nguyện. “Nhận thấy nguyện vọng tha thiết của phụ huynh, sau khi lớp triển khai đóng góp được 1/2 số lượng học sinh, tôi ứng trước tiền lương bù vào phần còn thiếu và nhờ người lắp đặt ti vi phục vụ việc dạy và học. Đây là phương pháp dạy học rất hiệu quả, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới lấy học sinh làm trung tâm”-cô Thúy bộc bạch.

Em Nguyễn Gia Bảo (học sinh lớp 4.1) chia sẻ: “Từ khi được học với ti vi thông minh, con thấy rất vui. Con được xem nhiều hình ảnh đẹp liên quan nội dung bài học, các danh lam thắng cảnh của đất nước, được nghe nhiều câu chuyện thú vị giúp con làm văn tốt hơn”.

Cần sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh

Cô Mai cho rằng, việc mua sắm ti vi được nhà trường thực hiện đúng quy định với mong muốn học sinh tiếp cận phương pháp giáo dục tốt nhất. Thực tế, khi triển khai lắp đặt ti vi, giáo viên vất vả hơn khi soạn bài, phải đầu tư máy tính, nhà trường tốn thêm kinh phí đóng hộp bảo vệ ti vi, tốn thêm tiền điện. Tuy nhiên, vì sự phát triển của sự nghiệp giáo dục, nhà trường mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh. Mặc dù không phải đóng góp nhưng học sinh đang được hưởng lợi từ các công trình xã hội hóa trước đây như nhà để xe, sân bê tông… Khi các em ra trường, ti vi phục vụ lại cho các thế hệ học sinh tiếp theo.

Niềm vui của các em học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (điểm trường thôn Mơ Nai Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) bên dãy phòng học mới được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Vũ Chi

Niềm vui của các em học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (điểm trường thôn Mơ Nai Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) bên dãy phòng học mới được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Vũ Chi

Chia sẻ về vấn đề xã hội hóa mua sắm thiết bị dạy-học, thầy Nguyễn Quốc Đồng-Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (thị trấn Phú Thiện) cho hay: Công tác xã hội hóa mua sắm ti vi được nhà trường triển khai từ năm 2018 đến nay. Với mức kêu gọi tài trợ 2 chiếc ti vi/năm, đến nay, nhà trường đã lắp đặt được 12 chiếc ti vi/22 lớp học. Công tác vận động được triển khai đối với phụ huynh có con em học lớp 6. Với 4 năm học, bình quân phụ huynh chỉ đóng góp 50 ngàn đồng/năm, còn các em vừa có ti vi để học, vừa như món quà tặng lại cho học sinh khóa tiếp theo.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Tỉnh-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện-nêu quan điểm: Sau khi nhận được đơn kiến nghị của phụ huynh về công tác xã hội hóa mua sắm ti vi tại Trường Tiểu học Chu Văn An, Chủ tịch UBND huyện giao Phòng GD-ĐT, Phòng Nội vụ huyện làm rõ, báo cáo UBND huyện. Phòng có trách nhiệm xuống làm việc trực tiếp với trường để nắm tình hình và có báo cáo trong thời gian sớm nhất. Cũng theo ông Tỉnh, dù Nhà nước quan tâm đầu tư cho giáo dục song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do đó rất cần sự chung tay của phụ huynh, xã hội. Tuy nhiên, do chưa có sự thấu hiểu giữa nhà trường và phụ huynh nên có những dư luận trái chiều. Nhà trường làm đúng nhưng khi Ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai lại chia bình quân đầu người là chưa phù hợp, chỉ cần 1 người không đồng thuận sẽ gây dư luận thiếu tích cực.

“Việc vận động tài trợ cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không cào bằng, cách làm phải khéo léo, vận động từng năm, tránh ồ ạt tạo gánh nặng cho phụ huynh. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng vận động tài trợ, có thể là doanh nghiệp, nhà hảo tâm chứ không chỉ tập trung vào phụ huynh. Năm học 2022-2023, các trường học trong huyện đã huy động xã hội hóa hàng tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang-thiết bị dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, nhà trường nếu làm tốt công tác triển khai, vận động trên tinh thần tôn trọng phụ huynh, tôi nghĩ rằng sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng tình”-ông Tỉnh phân tích.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.