Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ: Nhiều sai phạm trong mua sắm vật tư, trang-thiết bị dạy học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện công tác đấu thầu sai quy định, nhiều trang-thiết bị được mua sắm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và có giá trị cao hơn so với giá thị trường hàng trăm triệu đồng. Đó là những sai phạm xảy ra tại Phòng Giáo dục và Đạo tạo (GD-ĐT) huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) trong việc thực hiện dự án mua sắm vật tư, thiết bị dụng cụ giáo dục thể chất và hệ thống nước sạch.

Thanh tra huyện Đức Cơ vừa có Kết luận số 02/KL-TTr về những sai phạm xảy ra trong việc mua sắm vật tư, trang-thiết bị dạy học của Phòng GD-ĐT huyện. Theo đó, trong năm 2020, Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ được phân bổ nguồn vốn hơn 5,3 tỷ đồng để làm chủ đầu tư dự án mua sắm vật tư, thiết bị dụng cụ giáo dục thể chất và hệ thống nước sạch cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. Sau khi có kinh phí, Phòng GD-ĐT đã có công văn gửi cho các trường trực thuộc để đăng ký nhu cầu và triển khai đấu thầu để thực hiện dự án.

D:\8-5\1SAIPHAM\1 trụ sở Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ (ảnh nguồn Internet).jpg
Trụ sở Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ. Ảnh nguồn Internet


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Phòng GD-ĐT huyện đã xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, chủ đầu tư hợp đồng thuê tư vấn cùng một công ty để thực hiện từ 2 đến 3 nội dung trong cùng một dự án, gói thầu dẫn đến không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định. Ngoài ra, theo hợp đồng mua sắm một số hàng hóa thiết bị giáo dục thể chất như vợt cầu lông, đồng hồ bấm giây, thước dây được quy định rõ phải có xuất xứ từ Việt Nam nhưng trong quá trình mua sắm đã không đúng theo hợp đồng, các mặt hàng này nhãn mác không rõ ràng dẫn đến chênh lệch với số tiền hơn 127 triệu đồng.

Tương tự, qua kiểm tra hồ sơ và đối chiếu với kết quả xác minh tại các trường, Thanh tra huyện Đức Cơ phát hiện việc mua sắm 106 bộ cột đa năng được chủ đầu tư lập hồ sơ thanh quyết toán cao hơn giá thị trường với số tiền chênh lệch gần 149 triệu đồng. Đối với máy lọc nước uống, theo hợp đồng thì máy có công suất lọc là 50 lít/giờ/máy, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế công suất chỉ đạt 39 lít/giờ/máy (thiếu 11 lít/giờ so với hợp đồng tương đương 22% công suất); tính trừ giá trị khấu hao thời gian sử dụng 12% giá trị chênh lệch còn lại tương ứng với số tiền gần 110 triệu đồng. Cùng với đó, kiểm tra thực tế tại một số trường học còn một số thiết bị chưa đưa vào sử dụng, số lượng thiết bị hàng hóa được cấp nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực tế gây lãng phí. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ còn áp dụng giá chi hợp đồng thuê tư vấn giám sát lắp đặt vật tư, thiết bị dụng cụ giáo dục thể chất và hệ thống nước sạch sai quy định của Luật Xây dựng với số tiền gần 45 triệu đồng. Với những sai phạm trên, Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ đã thanh toán sai quy định với tổng cộng hơn 431 triệu đồng.

Theo kết luận của Thanh tra huyện Đức Cơ, để xảy ra những thiếu sót, sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về ông Võ Công Dương-nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện (nay đã nghỉ hưu); bà Nguyễn Thị Châu-phụ trách kế toán và ông Nguyễn Tấn Cường-phụ trách tham mưu, đề xuất thực hiện dự án mua sắm vật tư, thiết bị giáo dục thể chất và hệ thống nước sạch năm 2020. Vì vậy, Thanh tra huyện đã kiến nghị Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan về những sai phạm trong thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị Trưởng Phòng GD-ĐT huyện chịu trách nhiệm thu hồi số tiền chi sai hơn 431 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.  

 

LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.