Trang bị, sử dụng thiết bị dạy học ở Gia Lai: Còn bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai, thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu và quá trình sử dụng còn bộc lộ những bất cập. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề ra giải pháp nhằm phát huy hiệu quả, nhất là trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đầu tư, nâng cấp trang-thiết bị dạy học
Từ năm 2018 đến nay, ngành GD-ĐT cùng chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư bổ sung, nâng cấp phòng học bộ môn và trang-thiết bị cho các cơ sở giáo dục. Qua đó, thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghiệp 4.0 và phù hợp với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các bậc học.
Cụ thể, nhiều trường đã được mua sắm, trang bị phần mềm, thiết bị giáo dục quốc phòng, giáo dục thông minh; phần mềm soạn giảng E-Learning, tuyển sinh đầu cấp lớp 10, ngân hàng đề thi trực tuyến (Master Test), quản lý thư viện Master Lib; thiết bị phòng học đa chức năng, phòng học ngoại ngữ; thiết bị thí nghiệm, thực hành Lý-Hóa-Sinh, dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phần mềm nghiệp vụ quản lý tiền lương cho kế toán các trường THPT; tủ hút độc cho các phòng thí nghiệm, thực hành; bổ sung máy vi tính cho các phòng Tin học; thiết bị nhà ăn, nhà bếp, nhà ở nội trú cho các trường phổ thông dân tộc bán trú... Riêng năm 2022, Sở GD-ĐT ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Cụ thể, mua sắm 621 bộ thiết bị dạy học tối thiểu; 30 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời cho bậc mầm non; 175 bộ thiết bị phòng học bộ môn; 7.760 bộ sách giáo khoa, 8.497 bộ bàn ghế học sinh; 2.340 bộ máy vi tính, 6 phòng học đa chức năng, 228 ti vi thông minh; 15 phòng bộ môn Lý-Hóa-Sinh, 14 phòng học ngoại ngữ…
Học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) làm bài kiểm tra trên phần mềm Master Test. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) làm bài kiểm tra trên phần mềm Master Test. Ảnh: Mộc Trà
Những năm qua, Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) được Sở GD-ĐT trang bị các phòng học bộ môn Tin học và Lý-Hóa-Sinh, phòng STEM, phòng học đa chức năng (với 1 máy vi tính và 45 máy tính bảng), 8 thiết bị âm thanh di động và các phần mềm: Master Test, E-Learning, Spakuver (mô phỏng thí nghiệm ảo). Nhà trường cũng tự trang bị thêm phần mềm Office 365 và 20 ti vi thông minh, 4 camera ghi hình cùng hệ thống internet cho 20 phòng học. Các trang-thiết bị, phần mềm đã khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh, bồi dưỡng năng lực tự học, phát triển năng lực thực hành. Đặc biệt, nhà trường đã ứng dụng và phát huy hiệu quả phần mềm Master Test trong kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Vĩnh Thái cho biết: “Nhà trường đã nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh đối với chương trình kiểm tra qua phần mềm Master Test. Khi ứng dụng phần mềm này, năng lực của học sinh được thể hiện rõ nét, tránh được một số biểu hiện tiêu cực trong việc kiểm tra đánh giá. Năm học 2022-2023, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng ngân hàng câu hỏi trên cơ sở các đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT từ năm 2017 trở lại đây, mỗi môn tối thiểu 500 câu/học kỳ; đồng thời, ứng dụng phần mềm Master Test vào kiểm tra, đánh giá học sinh ở tất cả bộ môn có hình thức thi trắc nghiệm của khối 12”.
Tương tự, từ năm 2019 đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cũng được trang bị phòng học đa chức năng với màn hình ti vi 65 inch tích hợp phần mềm biên soạn bài giảng đa phương tiện Smartclass+, phần mềm MAD hỗ trợ cho giáo viên trong việc soạn thảo giáo án, các phần mềm mô phỏng thí nghiệm ảo cho các môn học, phần mềm thư viện mô phỏng tương tác 2D/3D Sensavis...; 3 phòng học tiên tiến với 3 bảng tương tác thông minh; 13 ti vi thông minh kết nối internet tại 13 phòng học.
“Để khai thác hiệu quả phòng học đa chức năng và bảng tương tác thông minh, ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch sử dụng, trong đó, quy định rõ số tiết dạy mỗi môn học và cho từng giáo viên trong 1 tuần hoặc 1 học kỳ, sao cho tất cả giáo viên và học sinh có thể tiếp cận với phòng học và trang-thiết bị hiện đại. Ngoài ra, trường còn phân công nhân viên thiết bị, giáo viên phụ trách quản lý các phòng học đa chức năng, lập sổ theo dõi tài sản, thiết bị và sổ đăng ký sử dụng phòng học; vệ sinh, kiểm tra thiết bị phòng học và kịp thời báo cáo với hiệu trưởng để có biện pháp bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị nếu hư hỏng”-Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên cho hay.
Cần cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra, quá trình sử dụng còn nhiều bất cập. Năm 2021, qua đợt giám sát về “Việc phân bổ và sử dụng kinh phí để sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm trang-thiết bị thuộc nhiệm vụ chi sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020”, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy cơ sở vật chất, trang-thiết bị nhiều trường còn thiếu, xuống cấp, lạc hậu, nhất là các trang-thiết bị trực tiếp phục vụ cho việc học tập của học sinh. Nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học đã được đầu tư, trang bị nhưng hiệu suất sử dụng chưa cao; thậm chí, một số trường chưa sử dụng, gây lãng phí. Đa số hệ thống bảng tương tác đầu tư giai đoạn năm 2014-2015 đã hư hỏng, nhiều trường không còn sử dụng. Một số phần mềm đã cài đặt nhưng chưa được các trường triển khai sử dụng hoặc chưa khai thác hết công năng…
Đơn cử như Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) được đầu tư 2 bảng tương tác thông minh cùng các phụ kiện và 1 phòng máy vi tính trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm giám sát, phòng máy vi tính “đắp chiếu” vì không có giáo viên dạy Tin học; bảng tương tác bám bụi do lâu ngày không sử dụng; thiết bị học tiếng Anh thì chưa có dấu hiệu sử dụng. Hiệu trưởng Lê Thị Kim Quy phân trần: “Ngay sau khi đoàn giám sát có ý kiến, nhà trường đã hợp đồng giáo viên giảng dạy Tin học từ lớp 3 đến lớp 5 để khai thác, sử dụng phòng máy vi tính. Riêng năm học 2022-2023, vì theo quy định không được hợp đồng giáo viên trình độ cao đẳng nên trường phải mời 1 giáo viên Tin học của Trường THCS Hà Ra đến thỉnh giảng cho khối lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các thiết bị môn Anh văn cũng đã đưa vào giảng dạy và học tập. Riêng bảng tương tác thông minh bị mất remote, nhà trường đã đặt mua khắp nơi nhưng chưa có; do vậy, đến nay vẫn chưa thể sử dụng”.
Bảng tương tác thông minh của Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) hiện vẫn chưa thể sử dụng do bị mất remote. Ảnh: Mộc Trà
Bảng tương tác thông minh của Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) hiện vẫn chưa thể sử dụng do bị mất remote. Ảnh: Mộc Trà
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cũng nêu vướng mắc: “Phần mềm Master Test dẫu hiệu quả, song khó khăn của trường là ngân hàng đề thi chưa đủ độ lớn, cần nhiều thời gian để xây dựng, bổ sung. Thêm vào đó, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được việc kiểm tra, đánh giá bằng máy tính. Trường được Sở GD-ĐT trang bị 2 phòng thực hành Tin học từ trước năm 2016, mỗi phòng 45 máy tính nhưng hiện đã cũ, xuống cấp. Hiện nhà trường đã cho sửa chữa, tạm sử dụng được 41 máy và đang đề xuất Sở GD-ĐT trang bị 90 máy mới để đáp ứng yêu cầu dạy học cho hơn 1.300 học sinh”.
Còn Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh thì cho hay: Một số giáo viên lớn tuổi, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên có tâm lý e ngại khi sử dụng phòng học đa chức năng. Trong khi đó, đơn vị cung cấp thiết bị tổ chức tập huấn sử dụng còn ít nên một bộ phận giáo viên chưa thật sự thành thạo, chưa khai thác hết các chức năng của thiết bị cũng như phần mềm được trang bị kèm theo. Do đó, vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức tập huấn lại cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên nhằm đảm bảo việc khai thác, sử dụng đạt hiệu quả trong suốt năm học. 
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Sau đợt giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, Sở đã tăng cường chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như sử dụng hiệu quả các trang-thiết bị vào dạy học kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo quản trang-thiết bị dạy học; khuyến khích giáo viên tự làm thêm đồ dùng dạy học gắn với việc thường xuyên tổ chức các tiết hội giảng, thao giảng ở trường; triển khai tập huấn kỹ năng sử dụng các trang-thiết bị dạy học đã được trang bị.
“Để việc quản lý và sử dụng trang-thiết bị dạy học hiệu quả, ngày 9-9 vừa qua, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng các phòng học bộ môn, thiết bị và phần mềm ứng dụng trong dạy học đã được trang bị. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục đều thực hiện nghiêm túc và linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với các trang-thiết bị, góp phần mang lại hiệu quả trong dạy và học”-Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
MỘC TRÀ
 
 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.