Phú Thiện đi đầu xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Phú Thiện được coi là điểm sáng trong thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, toàn huyện có 16 làng đạt chuẩn NTM trong đồng bào DTTS.

Xã Ia Ake có 8 thôn, làng với 1.853 hộ/8.008 khẩu. Đến nay, xã có 3 làng đạt chuẩn NTM gồm: Plei Glung B, Plei Tăng A, Plei Tăng B. Ông Trương Chí Hiếu-Bí thư Chi bộ làng Plei Glung B-cho biết: Làng có 186 hộ với 755 khẩu, trong đó, người DTTS chiếm trên 65%. Khi có chủ trương của tỉnh về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS, bà con rất phấn khởi. Người dân đã tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ hàng rào và đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, địa phương còn phát động phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà vệ sinh và đặc biệt không chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn.

“Năm 2019, làng được UBND huyện công nhận đạt chuẩn NTM. Bộ mặt của làng có nhiều khởi sắc, đường giao thông được bê tông hóa khoảng 90%, nhà cửa được xây dựng kiên cố. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,3%, hộ cận nghèo còn 8,6%”-ông Hiếu phấn khởi thông tin.

Hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa giúp người dân làng Plei Rbai (xã Ia Piar) đi lại thuận tiện. Ảnh: L.N

Hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa giúp người dân làng Plei Rbai (xã Ia Piar) đi lại thuận tiện. Ảnh: L.N

Theo bà Phạm Thị Soa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ake: Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai kịp thời đến các thôn, làng đăng ký xây dựng làng NTM. Đồng thời, xã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và thành lập tổ giúp thôn, làng xây dựng NTM; thường xuyên làm việc với hệ thống chính trị của các thôn, làng nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí chưa đạt.

“Sau 5 năm triển khai xây dựng làng NTM, nhận thức của hệ thống chính trị và người dân được nâng lên. Người dân đã xác định rõ hơn vai trò chủ thể của mình, từ đó đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Bên cạnh đó, được sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, bộ mặt các làng ngày càng thay đổi, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Năm 2023, xã phấn đấu có thêm làng Plei Lok và làng Plei Glung Mơ Lan đạt chuẩn NTM. Xã phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao”-bà Soa thông tin thêm.

Năm 2019, Plei Rbai (xã Ia Piar) cũng được công nhận đạt chuẩn làng NTM trong đồng bào DTTS. Ông Nay Truit vui vẻ nói: “Khi địa phương triển khai làm đường giao thông nông thôn, tôi đã đóng góp tiền và tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến 125 m2 đất để mở rộng đường. Con đường bê tông mới rộng rãi, không còn lầy lội vào mùa mưa giúp cho bà con trong làng đi lại thuận lợi nên ai cũng phấn khởi”.

Nói về sự đổi thay của làng, ông Nay Kêng-Trưởng thôn Plei Rbai-cho biết: Làng có 439 hộ với 2.110 khẩu, hơn 70% là người DTTS. Thực hiện chủ trương xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS, bộ mặt của làng đã có nhiều thay đổi. Nhà văn hóa được xây dựng rộng rãi, khang trang; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện, vệ sinh môi trường được đảm bảo…

Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,1%, hộ cận nghèo còn 11,3%.

Huyện Phú Thiện có 68 làng đồng bào DTTS, trong đó có 14 làng đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS. Đến nay, tổng nguồn lực huy động hơn 84 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 52 tỷ đồng, vốn các doanh nghiệp hơn 10 tỷ đồng, huy động từ cộng đồng dân cư gần 22 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện vận động người dân hiến trên 11.000 m2 đất để mở đường giao thông nông thôn, đóng góp 79.580 ngày công lao động để sửa chữa, di dời nhà cửa, làm mới đường giao thông nông thôn; xây dựng và duy trì 104 mô hình giảm nghèo bền vững; vận động 612 hộ di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn; xây dựng 385 nhà vệ sinh, nhà tắm...

Đến nay, huyện có 16 làng đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,52%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,6 triệu đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2018 (18,6 triệu đồng).

Nhà văn hóa Plei Rbai (xã Ia Piar) được xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Nam

Nhà văn hóa Plei Rbai (xã Ia Piar) được xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy-cho biết: Trước đây, vùng đồng bào DTTS có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cảnh quan, môi trường, quy hoạch thôn, làng chưa đồng bộ, đại đa số nhà dân không có cổng, rào, sinh hoạt thiếu ngăn nắp, vệ sinh. Cuối năm 2017, huyện còn 2.644 hộ nghèo người DTTS, chiếm 84,52% số hộ nghèo toàn huyện. Nhiều tập quán sinh hoạt lạc hậu vẫn duy trì, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào đời sống.

Từ khi triển khai xây dựng làng NTM theo Chỉ thị số 12-CT/TU, hệ thống hạ tầng vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Tập quán của người dân cũng từng bước được thay đổi theo hướng văn minh, đặc biệt là tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà đã không còn. An ninh trật tự được giữ ổn định; các thiết chế văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy.

“Để chương trình xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS tiếp tục phát huy hiệu quả, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần quan tâm bố trí ngân sách phù hợp để các địa phương thực hiện theo đúng lộ trình, hoàn thành các tiêu chí vào năm 2023 và những năm tiếp theo trong giai đoạn 2023-2025; hỗ trợ kinh phí cho những làng đã đạt chuẩn để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; hỗ trợ kinh phí để huyện hoàn thành Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn (xã Chư A Thai) giai đoạn 2 (2021-2023). Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, từng bước ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.