Phú Thiện đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc chú trọng chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản đã giúp nhiều nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. 
Ông Nguyễn Văn Cường (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) cho biết: Cách đây 5 năm, gia đình ông đã đưa các loại cây ăn quả như: na dai, mít Thái, bưởi da xanh, quýt đường vào trồng thay lúa rẫy, bắp và hoa màu trên diện tích 2 ha. Đồng thời, ông đào ao nuôi cá và chăn nuôi gia cầm. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng, vật nuôi phát triển tốt. Tuy giá cả thị trường biến động nhưng nhờ đa canh kết hợp với chăn nuôi nên ông duy trì nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Không chỉ gia đình ông Cường, nhiều hộ nông dân ở xã Ia Peng đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển mô hình vườn-ao-chuồng. Bà Đàm Kim Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Theo chủ trương của xã, những diện tích lúa nước có lợi thế vẫn duy trì, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo. Còn việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá giống và cá thương phẩm là để nâng cao đời sống người dân địa phương. Hiện tại, xã tích cực xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sản xuất để cùng nhau phát triển nông nghiệp bền vững”.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường bên vườn mít Thái chuyển đổi từ diện tích trồng lúa. Ảnh: Đinh Yến
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường bên vườn mít Thái chuyển đổi từ diện tích trồng lúa. Ảnh: Đinh Yến
Tại xã Chrôh Pơnan, nhiều hộ dân cũng chuyển diện tích lúa năng suất thấp sang trồng khoai lang, bắp, đậu, mía, mì. Đặc biệt, nhiều hộ luân canh, xen canh cây trồng trên cùng một diện tích, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm nấm rơm, làm phân hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Bà Rmah H’Luih-Chủ tịch Hội Nông dân xã-thông tin: Hiện có 60-70% hộ nông dân tiến hành luân canh, xen canh cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm… cho thu nhập cao. Số hộ giàu và khá chiếm tỷ lệ trên 30%, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Trước đây, gia đình ông Trịnh Văn Năm (thôn Yên Phú 2, xã Chrôh Pơnan) canh tác 5 ha lúa. Thời gian gần đây, ông luân canh giữa lúa với khoai lang và cây thuốc lá. Ông chuyển những diện tích không chủ động nguồn nước sang trồng mì. Hiện gia đình ông thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Còn hộ bà Trịnh Thị Hương (cùng thôn) thu nhập cao từ nghề trồng nấm rơm. Bà Hương cho hay: Tận dụng đất trống xung quanh nhà, bà đầu tư trồng 1 sào nấm rơm. Trồng nấm chỉ khoảng 12-14 ngày là thu hoạch và có thể trồng quanh năm. “Nhờ có kinh nghiệm nên nấm rơm của gia đình đảm bảo chất lượng. Thương lái đến tận nhà thu mua sản phẩm. Với giá nấm rơm khoảng 100.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi đợt thu hoạch nấm, tôi lãi hơn 40 triệu đồng”-bà Hương thông tin.
Vợ chồng bà Trịnh Thị Hương đang xử lý rơm bằng vôi bột để chuẩn bị cho vụ trồng nấm rơm. Ảnh. Đinh Yến
Vợ chồng bà Trịnh Thị Hương đang xử lý rơm bằng vôi bột để chuẩn bị cho vụ trồng nấm rơm. Ảnh: Đinh Yến
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 300 ha cây trồng, giúp nông dân từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập. “Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Huyện cũng bố trí nguồn ngân sách phù hợp để triển khai một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường”-ông Tuấn nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.