(GLO)- Những năm qua, với việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, cuộc sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Phú Thiện đã từng bước được nâng lên; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững; lòng tin của bà con với Đảng, Nhà nước được tăng cường, tạo đà để kinh tế-xã hội của huyện phát triển.
Phú Thiện có 62,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng nông thôn, đời sống còn không ít khó khăn. Giai đoạn 2015-2020, theo tiêu chí đánh giá mới, toàn huyện có 2 xã thuộc khu vực III, 8 xã khu vực II; 27 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi gắn với giảm nghèo.
Bà Ngô Thị Thanh Diệp-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho biết: Trong 5 năm, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, toàn huyện có gần 100 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục... được xây dựng, bảo dưỡng, tổng vốn đầu tư trên 36 tỷ đồng thuộc chương trình 135. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 755, Quyết định 168, Quyết định 1776 của Chính phủ được bố trí hơn 15 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, học tập cho học sinh con hộ nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ tiền mặt để người dân mua phân bón, giống và các vật tư khác phục vụ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi...
Nhờ kiên trì tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ kịp thời nên đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và có tinh thần vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2020, toàn huyện còn 1.313 hộ nghèo, chiếm 6,68%, giảm 1,72%; trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 83,32%, giảm 1,18% so với năm 2019.
|
Nhờ có các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đặc biệt, các công trình điện, đường, trường, trạm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. |
|
Gia đình chị Rmah H’Bet (làng Ơi, xã Ayun Hạ) trước đây kinh tế rất khó khăn. Năm 2010, được nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống, nhờ chăm sóc tốt đến nay đàn bò của gia đình đã lên 10 con. Cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định. |
|
Cầu bê tông bắc qua suối Ia Piar (xã Ia Piar) được đầu tư gần 1 tỷ đồng thuộc nguồn vốn chương trình 135 đã giúp bà con đi lại thuận lợi. |
|
Năm 2019, Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang, xã Ia Piar được đầu tư xây dựng mới với kinh phí gần 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh trong xã. |
|
Bà con làng Mơ Nai Trang, xã Ia Piar chung tay giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
|
Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Ke cũng đã có những đổi thay rõ rệt. Bà Phạm Thị Soa-Bí thư xã Ia Ke cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng các ban ngành đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, làm mới 20 căn nhà cho hộ nghèo. Từ đó giúp họ phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”. |
ĐỨC THỤY (thực hiện)