Phòng tránh đuối nước: Không chỉ dịp hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù công tác phòng-chống tai nạn thương tích nói chung, tai nạn đuối nước (TNĐN) cho trẻ em nói riêng luôn được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai thường xuyên nhưng TNĐN vẫn đứng đầu cả về số vụ và số ca tử vong trong bảng thống kê tai nạn thương tích hàng năm.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, trong số 81 trẻ tử vong do tai nạn thương tích thì số ca tử vong do đuối nước là 66 trẻ (tăng 15 trẻ so với năm 2016). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh lại xảy ra 17 vụ TNĐN khiến 26 trẻ tử vong, tăng 10 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều nhất là huyện Krông Pa với 7 trường hợp, tiếp đến là các huyện Chư Pah và Chư Prông mỗi huyện 5 trường hợp; TP. Pleiku với 3 trường hợp… Điểm sáng duy nhất là huyện Ia Grai-địa phương đứng đầu toàn tỉnh với 12 trẻ tử vong do TNĐN trong năm 2017-nhưng đến nay không để xảy ra vụ đuối nước nào.

 

Một lớp tập huấn phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ. Ảnh: N.N
Một lớp tập huấn phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ. Ảnh: N.N

Xác định nguy cơ xảy ra TNĐN luôn tiềm ẩn trong cộng đồng nên năm nào công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng được chú trọng, đẩy mạnh. Đặc biệt, do đa số trường hợp tử vong do TNĐN trên địa bàn tỉnh là học sinh nên công tác tuyên truyền luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, đẩy mạnh thường xuyên. Ngày 2-5-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 661/SGDĐT-CTTT về việc tăng cường phòng tránh TNĐN và công tác đảm bảo an ninh an toàn trường học.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường THPT, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo giáo viên dành 3-5 phút cuối mỗi buổi học để nhắc nhở, khuyến cáo các em học sinh tuyệt đối không được đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước... khi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ hè; không tự ý rủ nhau đi tắm, bơi nếu không có người lớn đi cùng… Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng tránh TNĐN trong thời gian nghỉ hè.

Tuy vậy, có một thực tế là công tác phòng tránh TNĐN trong nhà trường trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua chủ yếu tuyên truyền kêu gọi là chính, bởi nhiều trường học không có điều kiện trang bị, đưa môn bơi vào trong trường học. Một số trường có đầu tư cơ sở vật chất tốt, có triển khai dạy bơi nhưng hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng. Có em biết bơi nhưng thiếu bình tĩnh để xử lý khi xảy ra tình huống đuối nước. Nhiều người dân trên địa bàn TP. Pleiku chưa hết xót xa khi nhắc đến trường hợp 2 học sinh lớp 8 Trường THCS Trưng Vương tử vong do đuối nước vào ngày 10-2-2018.

Thầy Bùi Văn Nghĩa-Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Sự việc xảy ra sau giờ tan trường (ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán). Gia đình cho biết 2 em học sinh trên đều biết bơi, nhưng khi xảy ra tình huống bất ngờ trượt chân ngã xuống hồ chứa nước nên hoảng hốt, thiếu bình tĩnh. Đây là trường hợp đáng tiếc, hết sức đau lòng… Vì vậy, trường đã tăng cường tuyên truyền phòng tránh đuối nước trong các buổi chào cờ hàng tuần và lồng ghép trong các buổi học. Vừa qua, nhà trường phối hợp với Công ty TNHH Sao Việt Gia Lai tuyên truyền phụ huynh đăng ký cho con em học bơi. Tuy nhiên, chỉ có khoảng trên 10 em trong tổng số 1.108 học sinh toàn trường tham gia. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em tham gia các khóa học bơi, trang bị kỹ năng phòng tránh TNĐN.

Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku), cô Đỗ Thị Quỳnh Trang-Tổng phụ trách Đội cho biết: Năm 2017, trường phối hợp với Bảo hiểm Bưu điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ năng phòng tránh TNĐN và giải bơi lần thứ nhất. Năm học này, công tác tuyên truyền lồng ghép trong các buổi học, chào cờ được thực hiện thường xuyên. Đầu tháng 4-2018 vừa qua, nhà trường cũng đã đăng cai lớp tập huấn phòng tránh TNĐN, mời 10 trường trên địa bàn TP. Pleiku tham dự với khoảng 350 học sinh tham gia và tổ chức giải bơi lần thứ 2. Sắp tới, nhà trường sẽ vận động nguồn tài trợ mở lớp dạy bơi miễn phí cho các học sinh nghèo…

Để phòng tránh TNĐN hiệu quả rất cần sự chung tay phối hợp của các cấp ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bà Đặng Thị Bình-Phó Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) kiến nghị: UBND cấp huyện cần tăng cường công tác chỉ đạo các xã, phường, thị trấn về phòng tránh TNĐN cho trẻ; chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình có công trình thủy lợi, hồ chứa nước… phải làm rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra đuối nước. Các trường tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục học sinh; phía gia đình cần quan tâm nhắc nhở, giám sát chặt chẽ tránh TNĐN cho trẻ.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.