Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung biểu giá điện cho hợp lý, bảo vệ người thu nhập thấp nhưng cũng phù hợp nhu cầu hộ dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. |
Giải trình về giá điện trước Quốc hội chiều nay (30/5), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ vẫn kiên trì với mục tiêu kiềm chế lạm phát, tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của điều chỉnh giá điện cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp với thế giới thông qua công cụ bình ổn giá là quỹ bình ổn.
"Tôi cũng đồng tình với các vị đại biểu là cần phải công khai, minh bạch chi phí đầu vào, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân, xử lý nghiêm sai phạm trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Chính phủ và kiểm soát lạm phát kỳ vọng", ông Huệ nói.
Về giá điện, Phó Thủ tướng báo cáo thêm: "Điện là vật tư chiến lược an ninh lượng thực, an ninh điện là cân đối lớn của nền kinh tế. Để tăng 1% GDP thì phải tăng ít nhất 1,5% sản lượng điện. Trong 3 năm qua, sản lượng điện tăng bình quân 10,15%, riêng năm 2019 kịch bản GDP tăng 6,8% thì điện phải tăng ít nhất 11,23%. Điều hành giá điện phải đạt 2 mục tiêu là kiểm soát lạm phát và phải có giá hợp lý để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cho ngành điện".
Phó Thủ tướng cho biết, theo quy định Luật Điện lực và Luật Giá, điện là mặt hàng điều hành theo thị trường và có điều tiết của Nhà nước, khung giá và biểu giá do Thủ tướng quyết định.
Cơ sở điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh giá điện vừa qua, Phó Thủ tướng khẳng định được dựa trên cơ sở rà soát các nguồn điện (dầu, khí, than, sinh khối, gió mặt trời…). Theo rà soát, tổng chi phí đầu vào tăng khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó có điều chỉnh giá than cho điện 2 đợt (5/1/2019 và 15/3/2019) tổng là hơn 5.412 tỷ đồng, điều chỉnh giá than nhập khẩu trộn 1.920 tỷ đồng và tăng giá khí bao tiêu thị trường 5.852 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá hơn 5.042 tỷ đồng...
"Để đảm bảo bù đắp chi phí tăng thêm và lợi nhuận tối thiểu cho EVN là 3%, doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án tăng giá là 7,31%; 8,36% và 9,26%. Trên cơ sở họp và thảo luận, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh 8,36%, thời gian từ khoảng 15-30/3", ông Huệ nói và cho biết, lý do chọn tháng 3 để điều chỉnh vì sau Tết, CPI thường giảm vào thời điểm này.
"Thực tế 10 lần điều chỉnh thì có 4 lần chúng ta điều chỉnh giá điện trong tháng 3, nếu sau thời điểm đó thì tỷ lệ phải cao hơn để bù đắp chi phí", ông nhấn mạnh.
Về biểu giá điện, theo Phó Thủ tướng, thế giới cũng như Việt Nam thường tính theo bậc thang. Còn nguyên nhân tăng giá điện đột ngột trong tháng 4 vừa qua được lý giải là do 3 nguyên nhân: giá điện tăng; số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng trước 3 ngày; và nhu cầu tăng cao do nắng nóng bất thường.
"Kết quả kiểm tra sơ bộ cách tính tiền điện của EVN chưa có sai phạm gì", ông thông tin.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, sắp tới Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành liên quan tiết giảm chi phí, minh bạch chi phí đầu vào, hoàn thiện văn bản pháp luật, rà soát nghiên cứu thị trường bán lẻ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
"Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung biểu giá điện cho hợp lý, bảo vệ người thu nhập thấp nhưng cũng phù hợp nhu cầu hộ dân khi số sử dụng trên 200 kWh ngày càng tăng, đảm bảo hài hòa lợi ích người dùng", ông nói.
Đồng thời cho biết, Chính phủ cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận kiểm tra giá điện và xử lý nghiêm sai phạm nếu có. "Chúng tôi đã đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào năm 2019 kế hoạch kiểm toán tài chính và chuyên đề về giá điện, EVN trong năm 2019", Phó Thủ tướng nói thêm.
Phương Dung (Dantri)