Phố nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xin “rào đón” trước rằng, nếu so sánh với “Hà Nội 36 phố phường” thì quá khập khiễng cả về bề dày văn hóa lẫn sự nhộn nhịp đô hội, nét thanh lịch hào hoa, song nói như vậy để độc giả dễ hình dung về Pleiku (Gia Lai) hôm nay: Trong sự vươn mình mạnh mẽ vài mươi năm trở lại đây, thành phố này cũng đã tạo nên những phố phường đặc trưng mua-  bán, vẽ nên bộ mặt đô thị thật phong phú.

Phố điện thoại di động. Ảnh: Lam Nguyên
Phố điện thoại di động. Ảnh: Lam Nguyên

Trước hết, xin kể về những con phố mà hoạt động của nó gắn liền với những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Con đường Nguyễn Văn Trỗi nhìn ngắn ngủn vậy, chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng lại là “phố ăn sáng” có tiếng của Pleiku. Khách phương xa đến đây có thể tìm thấy nhiều món, nhiều khẩu vị khác nhau: Từ nem Ninh Hòa cho đến phở khô Gia Lai, bún bò Huế, bánh cuốn Bắc…, tha hồ lựa chọn. Thêm một vài quán cà phê chen vào giữa khiến con đường này sáng sáng lại trở nên tấp nập khác thường, tuy giá cả khá đắt đỏ: Cái thời trung bình mỗi người dân Pleiku chi khoảng 10.000 đồng cho một bữa ăn sáng thì bún và phở ở đây đã có giá ngấp nghé… 20.000 đồng/tô! Nói theo thuật ngữ kinh tế thị trường, người tiêu dùng không chỉ trả tiền cho giá trị tô bún, mà còn trả thêm tiền cho cái gọi là “thương hiệu”.

Ăn ở Nguyễn Văn Trỗi, còn uống ở đâu? “Phố cà phê” ở đường Wừu sẽ là nơi dành cho bạn nhiều sự lựa chọn nhất. Chỉ trên một đoạn đường rất ngắn nhưng không quá tấp nập, phải đếm đến… mỏi tay, mỏi mắt mới hết số lượng quán cà phê tại đây. Quán san sát quán, quán đối mặt với quán. Nơi nào cũng chú trọng “Nói theo cách của bạn” để tạo những điểm nhấn riêng biệt: Có nơi theo phong cách sân vườn, có nơi theo phong cách cà phê hộp, nơi khác lại chú trọng đến nhạc (chỉ mở nhạc của một nhạc sĩ duy nhất), nơi thì wifi miễn phí. Có thể kể đến các quán như Hoàng Lan, Trâm, Cao Nguyên, Nhạc Trịnh, Souvenir cho đến Hương Lài, Dáng Xưa, Đùng Đình… và nhiều quán khác đang cấp tập xây dựng để kịp ra mắt trong mùa Tết này. Đặc biệt, có quán còn mang một cái tên rất cắc cớ: Chưa Đặt Tên! Chắc vì chủ quán quá bối rối trước “bát trận đồ” cà phê tại đây nên đặt luôn cái tên này cho… khỏe, lại ấn tượng, dễ cạnh tranh! Đáng ngạc nhiên là quán nào cũng có đối tượng riêng, và từ sáng đến tối hiếm khi nào vắng khách.

Và như xưa nay ông bà ta thường nói, cụm từ “ăn ngon” luôn đi kèm với “mặc đẹp”. Shopping đã trở thành nhu cầu, hơn thế là thú vui của rất nhiều người khi đời sống kinh tế có phần dễ thở hơn. Trong phạm vi đoạn đường dốc võng Hùng Vương từ ngã ba Diệp Kính đến ngã ba Phù Đổng, hàng loạt các cửa hàng thời trang lớn nhỏ mọc lên như nấm, vì thế nhiều người vui miệng gọi đây là “phố thời trang”. Hàng hiệu, hàng nhập, hàng đại hạ giá, tất tần tật đều có mặt tại đây, đáp ứng nhu cầu mọi giới, mọi đối tượng, từ thời trang tuổi teen cho đến thanh niên, trung niên, từ dân làm ngoài cho đến dân công sở đều có thể tìm thấy ở đây những bộ cánh hợp thời trang và hợp túi tiền. Kể cả khi một dải phân cách… đùng đùng xuất hiện và xẻ con đường này thành hai dòng xe thì vẫn không làm cho các cửa hàng này kém đi vẻ nhộn nhịp, nhất là vào những ngày cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng vọt. Và một ngẫu nhiên kỳ lạ là cũng trên tuyến đường này, từ ngã ba Diệp Kính chạy về hướng ngược lại cho đến vòng xoay gần Bưu điện tỉnh, hầu hết các cửa hiệu kinh doanh xe máy lớn nhất nhì thành phố cũng tập trung tại đây, biến con đường này thành một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất thành phố.

Dạo quanh TP. Pleiku trong những ngày giáp Tết, dễ dàng nhận thấy không khí tại các cửa hiệu bán điện thoại di động cũng không kém phần sôi động, phục vụ nhu cầu nâng cấp “dế” của những người sành điệu. Không hiểu vì lý do gì mà các cửa hiệu điện thoại di động cũng lại rủ nhau tập trung như… sao trên dải ngân hà trên đường Trần Phú nối dài(?), đến nỗi hễ có nhu cầu mua bán điện thoại là người ta lập tức nghĩ đến “phố điện thoại di động” này; nhiều hộ kinh doanh sẵn sàng bỏ ra từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/tháng để có được mấy mét mặt tiền lý tưởng để mua bán.

Quán cà phê trên đường Wừu. Ảnh: Lam Nguyên
Quán cà phê trên đường Wừu. Ảnh: Lam Nguyên

Và chắc chắn rằng, nhiều độc giả nữ sẽ bức xúc thốt lên: “Sao bất công thế!” khi đọc những dòng dưới đây, về các con phố dành cho các… quý ông. Đầu tiên là “con đường bia bọt” Nguyễn Đình Chiểu. Lẽ ra, với chiều dài khá khiêm tốn, con đường này sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu không có sự lần lượt xuất hiện của một dãy các quán nhậu bình dân. Cần nói qua một chút: Cái sự nhậu ngày nay là một nhu cầu có thật với thiên hình vạn trạng, nào là nhậu như một cách kiếm tiền (bàn bạc chuyện làm ăn), nhậu là cách giải trí (với bạn bè), là một môn… thể thao (vì có… thi thố); quán nhậu là nơi các quý ông thỏa sức khua môi múa mép khi đã lâng lâng bia bọt, là nơi giải tỏa nỗi ẩn ức, là nơi “chắp cánh” cho những niềm vui, là chốn không cùng, không trời đất khi đã bí tỉ… Vì thế mà các quán nhậu từ sang trọng đến bình dân với các loại đặc sản trên rừng dưới biển thi nhau mọc lên nhan nhản, chào đón tất cả các loại thượng khách.

Không khí trên “con đường bia bọt” nói trên cũng vậy, khách bước vào đăm chiêu hoặc hớn hở nhưng đều bước ra với vẻ mặt… ngà ngà, dáng đi liêu xiêu ngất ngưởng. Cả một đoạn đường tưng tưng từ chiều đến tối. Và thường sau mỗi chầu nhậu, nhiều quý ông sẽ thử tài làm cơ thủ tại “phố bi-da” nổi tiếng trên đường Phan Đình Phùng. Cũng không biết nguyên nhân nào khiến các quán bi-da đều tập trung tại đây (có lẽ là vì cạnh tranh?). Hàng chục quán tại đây đêm nào cũng đầy khách với những đường cơ có lúc xuất chúng, có khi…  trật lất (vì đã liêu xiêu ngất ngưởng như đã nói ở trên). Và trong những cơn lôi đình được hơi men đẩy lên đỉnh điểm, nhiều cơ thủ đã dùng cả gậy đánh bi-da choảng nhau chí tử!

Điểm lại các con phố đặc thù như vậy để thấy rằng đa số người dân Pleiku đang được hưởng thụ những dịch vụ không thua kém mấy so với các thành phố lớn, và mức sống cũng đã được nâng lên rõ rệt so với trước đây. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng không ít sự lãng phí cũng đang diễn ra trên những con phố này, từ lãng phí thời gian, tiền bạc cho đến sức khỏe. Nói chi chuyện hô hào to tát, xa xôi, “trừu tượng”, nếu chính bản thân mỗi người biết tự tiết chế để tiết kiệm bớt cho “túi tiền nhà”, tranh thủ từng giờ đồng hồ đúng người- đúng việc, giữ gìn sức khỏe thì đảm bảo Tết nào gia chủ cũng… vui như Tết!

Lam Nguyên


Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.