Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên: Cần bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 21-1, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên-Trưởng ban Chỉ đạo chương trình chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có 478.810 ha rừng tự nhiên; 152.471 ha rừng trồng; 14.089 ha rừng trồng chưa thành rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu chi đạo tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Năm 2021, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ 437 vụ vi phạm, giảm 94 vụ so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 17,7%); tang vật, phương tiện vi phạm gồm: 766,6 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; 383 ster củi; 7.570 kg cành, nhánh, gốc rễ; 129 kg động vật rừng và một số lâm sản khác; 81 xe ô tô, 77 xe công nông, 160 xe độ chế, 54 máy cưa; đã xử lý 350 vụ hành chính; 34 vụ hình sự; tổng số tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3,9 tỷ đồng. Trồng rừng được 8.013 ha (đạt 100,17% kế hoạch). Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hơn 145,6 tỷ đồng (đạt 152,3 kế hoạch); giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng được hơn 108,1 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã công bố và bàn giao kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho 17 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, UBND tỉnh đã có Quyết định số 295/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 77/QĐ-UBND về thành lập tổ xây dựng nghị quyết và Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Đến nay, Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.  

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tổ chức 350 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với hơn 24.000 lượt người tham gia; phát hơn 17,6 triệu tờ rơi, tranh tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và PCCCR, ký 50.434 cam kết an toàn lửa rừng với các hộ dân sống gần rừng, thực hiện đốt trước có điều khiển 22.079 ha, làm 174 km đường ranh cản lửa, làm mới và sử dụng 1.500 bảng biển các loại. Tuy nhiên, năm 2021, trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra 10 vụ cháy rừng với diện tích hơn 177,7 ha (21,4 ha cháy lướt thực bì không ảnh hưởng cây rừng, cháy thiệt hại 142 ha rừng trồng keo lai, cháy 2.176 cây thông trong diện tích 14,3 ha rừng trồng năm 2015).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2021, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng cần bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có, bảo vệ rừng tại gốc; tiếp tục vận động người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp; triển khai tốt các hạng mục công trình thuộc dự án bảo vệ phát triển rừng năm 2022; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật; tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư, cùng với việc nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng; tiếp tục vận động cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức tham gia nhận khoán, thuê rừng để xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn hợp lý.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.