(GLO)- Ngày 15-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị về công tác y tế trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các ban, ngành, đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Cuộc họp tập trung thảo luận một số vấn đề như: thực trạng công tác bảo đảm thuốc, vật tư, trang-thiết bị y tế phục vụ khám-chữa bệnh của các bệnh viện, trung tâm y tế; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; kiến nghị, đề xuất tự chủ của các bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế; việc xây dựng Đề án phát triển y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030.
Thiếu thuốc, vật tư y tế
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Tổng giá trị trúng thầu thuốc tập trung của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2022 (sử dụng trong 2 năm) đã được Sở Y tế phân bổ trong thỏa thuận khung của 23 cơ sở y tế công lập gần 647 tỷ đồng với 758 danh mục thuốc. Kết quả trúng thầu tập trung cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị tại các cơ sở khám-chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, 14/23 cơ sở khám-chữa bệnh đã xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng thần hoặc thuốc chuyên khoa đặc trị. Cá biệt, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro thiếu 46/173 danh mục và Bệnh viện Đa khoa tỉnh thiếu 27/384 danh mục.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Theo ông Thái, nguyên nhân thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị là do một số cơ sở khám-chữa bệnh chưa thanh toán công nợ cho các nhà thầu; một số mặt hàng thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng thần, thuốc chuyên khoa đặc trị nhà thầu không nhập khẩu được thuốc và nguyên liệu làm thuốc hoặc số đăng ký chưa được gia hạn, bệnh nhân tăng đột biến (Trung tâm Y tế TP. Pleiku và huyện Ia Grai).
Về vật tư y tế, theo báo cáo của 23 cơ sở khám-chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế thì có 4 đơn vị thiếu cục bộ; một số cơ sở nhà làm việc xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời; trang-thiết bị y tế còn thiếu đồng bộ, nhất là trang-thiết bị công nghệ cao, hiện đại chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân.
Từ thực tế đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái kiến nghị Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với các mặt hàng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, vì đây là mặt hàng ít nhà thầu tham gia khi đấu thầu tại tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kê khai đầy đủ vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm cung cấp. Có cơ chế mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm theo hình thức mua sắm tập trung trên toàn tỉnh để thống nhất giá trúng thầu giữa các đơn vị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các đơn vị linh hoạt áp dụng các loại hợp đồng cho phù hợp. Hội đồng nhân dân tỉnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị tuyến tỉnh tự thực hiện, đảm bảo kịp thời việc mua sắm và công tác khám-chữa bệnh.
Về công tác tự chủ, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh xem xét giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở năm 2022. Cụ thể: tổng số đơn vị đề nghị giao tự chủ là 27 đơn vị. Trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 20 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
Cũng theo ông Thái, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã hoàn chỉnh “Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030”, đồng thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đề án xác định rõ quy hoạch mạng lưới y tế; trong đó có quy hoạch các chuyên khoa: Tim mạch, Ngoại sản, Ung bướu, Truyền máu và Huyết học; xác định lộ trình thực hiện năm 2023, 2024, 2025 và giai đoạn 2025-2030; các chính sách cần tập trung cho hệ y tế dự phòng và khuyến khích phát triển một số chuyên ngành; tham khảo dự thảo của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có phương án quy hoạch, lĩnh vực quy hoạch rõ nét.
Tháo gỡ ngay các vướng mắc
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế; trong đó, hầu hết đều nêu vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay là vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, cơ sở vật chất... Bà Phan Thị Hoa-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro-cho biết: Trung tâm Y tế huyện hiện đang thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế nên đội ngũ y-bác sĩ rất áp lực trong khám-chữa bệnh. Việc nợ tiền thuốc bảo hiểm y tế kéo dài dẫn đến các công ty thường xuyên đòi nợ, không cung ứng thuốc. Hiện nay, nguồn thu tại Trung tâm Y tế không đủ bù chi và đã mất khả năng thanh toán tiền thuốc cho các công ty.
Còn ông Nguyễn Tấn Dũng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ thì thông tin: Tại Trung tâm, thuốc sử dụng đủ nhưng thiếu vật tư y tế như: bông gạc, găng tay, bơm tiêm, dây thở oxy, phim X-quang và hóa chất xét nghiệm sinh hóa, huyết học...
Ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin về công tác y tế trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện |
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Mạnh Cường, vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra nhiều tháng qua. Nguyên nhân do Bệnh viện nợ các đơn vị nên không được cung ứng. Bệnh viện đã tự thu tự chi nhưng thu không đủ chi, thiếu hụt kinh phí hoạt động. “Bên cạnh đó, Bệnh viện còn hàng chục tỷ đồng chi phí khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh quyết toán từ năm 2018 đến năm 2021. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động. Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần nhanh chóng giải quyết để Bệnh viện có kinh phí hoạt động”-ông Cường nói.
Vấn đề tự chủ được các bệnh viện, trung tâm y tế quan tâm và đề nghị UBND tỉnh đánh giá, xác định lộ trình thích hợp và có hướng chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Hiện nay, vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế cần phải tháo gỡ ngay, nhất là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì đây là bệnh viện tuyến cuối. Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần rà soát, khẩn trương trả lời dứt điểm về việc nợ bảo hiểm y tế, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị đề xuất Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết. Cần thiết thì triển khai phương án cấp ứng trước để các đơn vị giải quyết khó khăn trước mắt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế xây dựng phương án tự chủ cụ thể; trong đó, xây dựng phương án tự chủ năm 2022 và giai đoạn đến 2025. Việc xây dựng đề án phát triển y tế gồm có các mục tiêu đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành Bệnh viện hạng I với quy mô 1.000 giường vào năm 2025 và 1.200 giường vào năm 2030. Đối với việc xây dựng Trung tâm Huyết học và Truyền máu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thực hiện cung cấp máu, các sản phẩm từ máu và điều trị các bệnh liên quan đến máu cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, hoàn thành muộn nhất vào năm 2030.
NHƯ NGUYỆN