(GLO)- Việc đầu tư phát triển cây dược liệu ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp nông dân nâng cao thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, để cây dược liệu phát triển ổn định thì rất cần sự liên kết, phối hợp hiệu quả giữa người dân, chính quyền và các doanh nghiệp.
Liên kết để tạo nguồn tiêu thụ bền vững
Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh là doanh nghiệp đi đầu trong việc trồng và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Theo bà Võ Thị Thúy Hà-Phó Tổng Giám đốc Công ty, Gia Lai là nơi có điều kiện tự nhiên rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu. Mong muốn của Công ty trong việc phát triển cây dược liệu là tạo việc làm, hỗ trợ nông dân chuyển cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống… Theo đó, Ban lãnh đạo Công ty quyết định hợp tác với nông dân cùng trồng, xây dựng, phát triển vùng dược liệu tại Gia Lai. Năm 2017, Công ty đầu tư cụm nhà máy sản xuất dược liệu, thực phẩm Trường Sinh. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 15-20 tấn dược liệu/năm. Với công suất ngày càng cao, bài toán đặt ra là phải có giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.
Cây đương quy bắt đầu bén rễ trên đất Kbang. Ảnh: N.S |
Cũng theo bà Hà, để hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dược liệu cung ứng cho nhà máy, Công ty cam kết hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc; bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cả cạnh tranh nhất; hỗ trợ công nợ 50% cây giống và 50% phân bón Trường Sinh, ngoài ra khấu trừ công nợ sau khi thu hoạch. Đồng thời, Công ty phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn cho nông dân quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây thảo dược, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số.
Là đơn vị tiên phong trồng cây đương quy với diện tích lớn, Hợp tác xã Nông nghiệp-Xây dựng và Thương mại Sơ Pai (huyện Kbang) ký hợp đồng với Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh từ năm 2018. Sau khi ký kết hợp đồng, gia đình anh Phạm Văn Hậu-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã-đã được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây dược liệu này. Anh Hậu cho biết: “Năm 2018, được Công ty Trường Sinh khuyến khích, tạo điều kiện nên tôi đã mạnh dạn trồng gần 2 ha cây đương quy tại thôn 1, xã Sơ Pai. Cây hợp thời tiết, đất đai nên phát triển tốt. Mỗi héc ta cho thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay, Hợp tác xã đã liên kết với 15 hộ dân tiến hành trồng thêm 15 ha trên địa bàn xã Krong và Sơ Pai. Mỗi héc ta, bà con được Công ty hỗ trợ 40 triệu đồng cây giống và 7 tấn phân bón. Với giá thu mua như hiện nay, không chỉ người dân có thu nhập ổn định mà Hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương”-anh Hậu nói.
Tiếp tục mở rộng vùng trồng dược liệu
Thời gian qua, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị dược liệu nông sản nhằm phát triển và bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu của người dân. Hiện Công ty có nhà máy đặt tại phường An Phú (thị xã An Khê) sản xuất hơn 30 sản phẩm là thuốc đông dược, tân dược và thực phẩm chức năng từ dược liệu. Không chỉ đầu tư vào trồng trọt, mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty còn chú trọng yếu tố đầu ra, mở rộng thị trường để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Trung-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai-cho biết: Năm nay, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy ở Khu Công nghiệp Nam Pleiku trên diện tích 2 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Với việc xây dựng thêm nhà máy, Công ty phải có giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Vì vậy, Công ty cũng đã xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trên địa bàn các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Kbang, Đak Pơ và thị xã An Khê với diện tích khoảng 100 ha. Vùng nguyên liệu này sẽ trồng một số cây như: mật nhân, đinh lăng, ba kích, cà gai leo... “Thời gian đến, Công ty sẽ đẩy mạnh liên kết với các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến để tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình tham gia trồng dược liệu. Ngoài ra, Công ty sẽ phối hợp với các địa phương có vùng nguyên liệu mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu cho người dân nhằm đưa cây dược liệu trở thành cây xóa đói giảm nghèo”-ông Trung cho hay.
Lãnh đạo Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh kiểm tra vườn cây đương quy. Ảnh: N.S |
|
Về phía Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh, theo bà Võ Thị Thúy Hà, với những chính sách hỗ trợ và cam kết bao tiêu đầu ra rất tốt, ngay khi triển khai, dự án đã thu hút một số lượng lớn người dân tham gia. Tổng diện tích quy hoạch trồng dược liệu của Công ty là hơn 100 ha; đến nay đã trồng 20 ha đinh lăng, 15 ha đương quy. Hiện tại, Công ty đang triển khai kế hoạch năm 2019-2020 sẽ trồng thêm 50-70 ha, trong đó tập trung một số loại cây dược liệu như: đương quy, đinh lăng, hồng ngọc, ba kích, nhân trần, diệp hạ châu... ở huyện Kbang và một số khu vực lân cận TP. Pleiku. Ngoài ra, Công ty thu mua rất nhiều loại thảo dược khác như: lá vối, nhãn lồng, tơ hồng, atiso, mật nhân, vàng đắng, xuyên tâm liên... của các hộ dân trên địa bàn tỉnh để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của nhà máy. “Ngoài việc tập trung nghiên cứu sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư hợp tác với nông dân để phát triển trồng thêm một số loại dược liệu quý hiếm cung ứng cho nhà máy, đồng thời cung ứng trực tiếp ra thị trường bên ngoài. Như vậy mới có thể nâng cao giá trị cạnh tranh của dược liệu Gia Lai và bảo đảm cho phát triển bền vững cây dược liệu của tỉnh nhà”-bà Hà cho biết thêm.
Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết: Thường trực Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết; sau đó sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành để xin ý kiến cuối cùng trước khi ban hành. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ, Hội Đông y tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đóng góp những ý kiến tâm huyết để xây dựng, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết. “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Gia Lai là kinh tế, là xóa đói giảm nghèo, là sức khỏe và môi trường của con người, là xây dựng nông thôn mới. Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân, cho doanh nghiệp”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
NGỌC SANG - CHÍ HÀO