Phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin có thể bị truy cứu TNHS

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngân hàng Nhà nước đã thông tin chính thức liên quan đến việc sử dụng tiền ảo bitcoin làm phương tiện thanh toán.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Liên quan đến “cơn sốt” tiền ảo bitcoin tràn vào Việt Nam thời gian qua, mà đỉnh điểm là việc mới đây Trường Đại học FPT thông báo chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, ngày 28-10, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin chính thức liên quan đến việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự. Cụ thể: Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. “Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam”, thông báo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Về chế tài xử lý vi phạm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu - 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hàm Yên-Hạnh Nhung/sggp

Có thể bạn quan tâm