Phần mềm phản ánh và tương tác trực tuyến: Nâng cao hiệu quả quản lý đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đầu tháng 7-2020, UBND TP. Pleiku phối hợp với VNPT Gia Lai công bố ứng dụng phần mềm phản ánh và tương tác trực tuyến (Orim-X) nhằm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự đô thị. Qua gần 1 năm vận hành thí điểm, phần mềm này bước đầu cho thấy hiệu quả quản lý đô thị, gắn kết người dân với chính quyền.

Tăng tính kết nối giữa người dân và chính quyền

Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, năm 2020, tổng số lượt phản ánh qua phần mềm Orim-X là 62 trường hợp, cơ quan chức năng đã hoàn tất xử lý 28 trường hợp, phê duyệt xử lý 34 trường hợp. Các vấn đề được tập trung phản ánh nhiều gồm: xả rác (21,34%), lấn chiếm lòng lề đường (11,18%), nước thải (8,13%), xây dựng không phép (4,6%), vi phạm quảng cáo (3,5%), tụ tập buôn bán (2,3%)… Các phường: Phù Đổng, Tây Sơn, Hội Thương có số lượt phản ánh nhiều nhất thông qua phần mềm Orim-X.

 Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua phần mềm Orim-X, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo phát quang cây xanh che khuất cột đèn giao thông trước nhà số 03 Bà Triệu (phường Phù Đổng). Ảnh: Lam Nguyên
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua phần mềm Orim-X, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo phát quang cây xanh che khuất cột đèn giao thông trước nhà số 03 Bà Triệu (phường Phù Đổng). Ảnh: Lam Nguyên


Riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, có 15/28 trường hợp phản ánh đã được hoàn tất xử lý; số còn lại đang phê duyệt và phân công xử lý. Tất cả phản ánh của người dân về các lĩnh vực được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng bằng một thao tác đơn giản thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính. Hiện Orim-X đang được người dân thành phố sử dụng như “đường dây nóng điện tử”, không chỉ giúp cán bộ tiếp nhận ý kiến phản ánh nhanh chóng mà người dân cảm thấy hài lòng về một chính quyền không giấy.

Đơn cử, ngày 19-3, nhận được tin báo tại nhà số 03 Bà Triệu (phường Phù Đổng) có cột đèn giao thông bị cây xanh che khuất, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND phường phát quang ngay sau đó. Ngày 28-3, người dân phản ánh tại khu vực tổ chức hội chợ ở đường Hoàng Đạo Thúy (phường Tây Sơn) khoảng 19-21 giờ có đông người tham gia, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình để nhận giữ xe với mức giá cao hơn quy định. Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo Công an và các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, hoàn tất xử lý ngay ngày hôm sau.

Chị Tô Thị Kim Hoàng (số 03 Bà Triệu) cho hay: “Cột đèn giao thông bị cây xanh che khuất khiến nhiều người tham gia giao thông không nhìn rõ tín hiệu, có người chạy lố qua đèn đỏ, đèn vàng. Một thời gian sau thì thấy chính quyền cho người xuống phát quang, dọn dẹp gọn gàng. Chúng tôi đánh giá cao việc thành phố tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân”.

Trao đổi với P.V, bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương-đánh giá: “Orim-X là phần mềm hay và tiện lợi. Người dân không cần phải lên gặp chính quyền hay làm đơn mà chỉ cần phản ánh các bức xúc về môi trường, trật tự đô thị, trên cơ sở đó phường tiếp nhận và xử lý nhanh chóng. Nếu được tuyên truyền, triển khai rộng rãi, có sự hướng dẫn cụ thể để người dân cài đặt nhiều hơn thì phần mềm này sẽ ngày càng phát huy hiệu quả”.

Cần triển khai rộng rãi

Tại lễ công bố ứng dụng phần mềm Orim-X, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế mong muốn mọi người dân tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng với chính quyền địa phương sử dụng tốt phần mềm này để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sáng-xanh-sạch-đẹp.

Ủy ban nhân dân TP. Pleiku kỳ vọng người dân sẽ tích cực sử dụng phần mềm Orim-X để chung tay cùng chính quyền xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp
Ủy ban nhân dân TP. Pleiku kỳ vọng người dân sẽ tích cực sử dụng phần mềm Orim-X để chung tay cùng chính quyền xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Lam Nguyên


Tuy vậy, theo ghi nhận của Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, số lượng phản ánh trong thời gian qua là chưa nhiều so với các vấn đề còn tồn tại của một đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng-nêu một số khó khăn, vướng mắc: Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua phần mềm Orim-X của một số địa phương chưa được thuần thục, đôi khi còn lúng túng và thụ động (chỉ xử lý và phê duyệt công việc, không phản hồi thông tin đã xử lý để người dân được biết), chưa nắm rõ quy trình kết thúc xử lý thông tin. Vì thế, chính quyền chưa đánh giá được mức độ hài lòng của người dân đối với việc xử lý thông tin. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến người dân cài đặt, sử dụng phần mềm Orim-X để phản ánh các thông tin của đô thị chưa được sâu rộng và phổ biến.

Để triển khai có hiệu quả phần mềm này trong thời gian đến, ông Phạm Thế Tâm cho biết: Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện nghiêm Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 21-7-2020 của UBND TP. Pleiku về việc ban hành quy chế vận hành thí điểm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực trật tự đô thị trên địa bàn thành phố qua phần mềm Orim-X; nếu đơn vị nào tiếp nhận mà không xử lý hoặc xử lý không kịp thời thì phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Đồng thời, Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cần chủ động phối hợp với VNPT Gia Lai tăng cường tuyên truyền, phổ biến người dân cài đặt, sử dụng phần mềm Orim-X; Thành Đoàn cũng cần tổ chức các chương trình để các đoàn viên phổ biến rộng rãi đến người dân cài đặt, sử dụng phần mềm trên.

Cách đây hơn 1 tháng, TP. Pleiku cũng đã ra mắt Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) do Tập đoàn Viettel thiết kế, xây dựng, tích hợp. Cùng với đó, phần mềm ứng dụng Pleiku Smart cũng được đưa vào vận hành thí điểm. Tương tự Orim-X, với phần mềm này, người dân cũng có thể gửi kiến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường, mỹ quan, trật tự đô thị kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Kết quả xử lý sẽ được đăng tải công khai để người phản ánh có thể giám sát, đánh giá.

Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết: “Thành phố đang triển khai vận hành thí điểm cùng lúc cả 2 phần mềm để đánh giá xem phần mềm nào tiện ích và hiệu quả hơn, được người dân sử dụng nhiều hơn. Trên cơ sở đó, sau khi hết thời gian thử nghiệm, thành phố sẽ có phương án lựa chọn phần mềm tối ưu nhất để đưa vào vận hành chính thức, đảm bảo yêu cầu tăng cường sự tương tác giữa Nhà nước với Nhân dân”.
 

 LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Khai thác giá trị di tích thắng cảnh Biển Hồ gắn với phát triển du lịch

Khai thác giá trị di tích thắng cảnh Biển Hồ gắn với phát triển du lịch

(GLO)- Được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16-11-1988 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), di tích thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) hàng năm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Gắn kết nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

Kết nghĩa với các buôn làng: Thắt chặt nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với phương châm “phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đoàn thể, đơn vị”, chương trình kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn TP. Pleiku đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.