Phấn khởi vì mắc ca được giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nông dân các xã có diện tích trồng cây mắc ca lớn ở huyện Kbang như: Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong, Krong, Đak Smar và thị trấn Kbang đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy năng suất mắc ca không cao nhưng hạt tươi được bán với giá 80-85 ngàn đồng/kg khiến người dân phấn khởi.

Ông Ma Văn Phú (thôn 1, xã Sơ Pai) có 80 cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê từ năm 2012. Ông cho hay: “Năm nay, cây mắc ca đậu quả không nhiều do khi ra hoa gặp trời mưa. Năm ngoái, tôi thu 1,2 tấn, bán với giá 50 ngàn đồng/kg. Trong khi năm nay chỉ thu được 1 tấn nhưng giá bán tăng lên 85 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, mỗi cây mắc ca, tôi thu khoảng 1 triệu đồng”.

Còn ông Phạm Văn Thức (thôn 5, xã Sơ Pai) thì cho biết: Giai đoạn 2015-2020, gia đình trồng gần 300 cây mắc ca xen với cà phê. Trong đó, 120 cây đã cho thu hoạch. Vụ này, tôi thu được 1,5 tấn hạt tươi, bán với giá 85 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, những cây trồng từ năm 2015 cho quả to, thương lái thu mua hạt tươi với giá 90 ngàn đồng/kg. “So với cây cà phê thì mắc ca rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, mỗi héc ta chỉ cần 2-3 nhân công thu hái trong vòng 15 ngày là xong. Với giá thu mua hạt tươi như hiện nay, thu nhập của gia đình cao hơn năm ngoái khoảng 50 triệu đồng dù không được mùa. Tùy theo từng vườn, mỗi cây mắc ca kinh doanh có thể cho 8-20 kg hạt. Đây là loại cây trồng đem lại lợi nhuận cao”-ông Thức chia sẻ.

 Người dân xã Sơ Pai thu hoạch quả mắc ca. Ảnh: Nguyễn Sang
Người dân xã Sơ Pai thu hoạch quả mắc ca. Ảnh: N.S


Ông Nguyễn Thế Cường-Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai-cho hay: Toàn xã có hơn 200 ha mắc ca, hầu hết trồng xen với cà phê. Trong số này, khoảng 130 ha đã cho thu hoạch. Năm ngoái, giá hạt mắc ca tươi khoảng 45-50 ngàn đồng/kg ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân. Năm nay, mắc ca tuy không được mùa nhưng giá lại cao, trung bình mỗi héc ta thu nhập 80-90 triệu đồng khiến người dân phấn khởi. “Những năm gần đây, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc Bahnar trong xã được huyện hỗ trợ tiền mua cây giống mắc ca để trồng. Ủy ban nhân dân xã khuyến cáo người dân nếu mở rộng thêm diện tích mắc ca thì nên trồng xen với các loại cây khác để tránh “được mùa, mất giá”-ông Cường thông tin.

Huyện Kbang hiện có hơn 1.681 ha mắc ca, trồng chủ yếu tại các xã: Sơn Lang, Đak Rong, Sơ Pai, Krong, Lơ Ku, Kon Pne, Đak Smar, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An và thị trấn Kbang. Trong đó, khoảng 75% diện tích mắc ca được trồng xen. Đến nay, trên 500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 5 tạ/ha đối với diện tích trồng xen và 1-1,5 tấn/ha đối với diện tích trồng thuần. Nông dân trồng mắc ca có thu nhập 50-90 triệu đồng/ha/năm. Giai đoạn 2018-2020, UBND huyện đã hỗ trợ gần 260 triệu đồng cho 269 lượt hộ dân tham gia trồng 129,2 ha cây mắc ca. Năm 2021, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân trồng 114,28 ha. Mới đây, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 377 triệu đồng cho người dân mua cây giống mắc ca về trồng 124 ha. Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ 70% tiền mua cây giống, hộ cận nghèo và hộ dân tộc Bahnar được hỗ trợ 50%.

Cùng với việc mở rộng diện tích trồng mắc ca, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 20 cơ sở chế biến với các sản phẩm như: hạt mắc ca sấy nứt, nhân mắc ca ngào mật ong, sữa mắc ca, tinh dầu mắc ca... Trong đó, có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Những năm gần đây, người dân thường trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê tái canh. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca không quá phức tạp, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thể thực hiện được. Đặc biệt, mô hình trồng xen với cây ngắn ngày rất phù hợp với điều kiện canh tác của các hộ dân tộc Bahnar, giúp họ “lấy ngắn nuôi dài”.

“Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, huyện sẽ phát triển thêm 1.000 ha mắc ca, trong đó có 850 ha trồng xen và 150 ha trồng thuần. Đến năm 2050, huyện phát triển thêm 650 ha, nâng tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn lên 3.241 ha. Đồng thời, huyện cũng tập trung đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm cho các hộ dân. Huyện đang đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ để bình tuyển vườn cây mắc ca đầu dòng nhằm chủ động nguồn cây giống chất lượng cung ứng cho người dân. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hạt mắc ca trên địa bàn; tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca theo Chương trình OCOP”-ông Tình thông tin.

 

 NGỌC SANG

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.