Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam là một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 8-9, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2021 của Thu tướng Chính phủ về phê duyệt "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng lãnh đạo các sở, ngành và một số hợp tác xã của tỉnh.

Theo đó, mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông-lâm-thủy sản đạt bình quân 2,5-3%/năm; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt 5-6%/năm. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh-sạch-đẹp, tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.  

Tỉnh Gia Lai cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng bình quân 6,2-6,5% năm trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông-lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình tốt hoặc tương đương đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 45%; hình thành và công nhận 30 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập 5-10 khu nông nghiệp và 1 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa Gia Lai trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông-lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2%, trồng rừng 8.000 ha/năm; phát triển dược liệu dưới tán rừng trên 11.300 ha.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, trên 120 xã đạt chuẩn NTM (trên 22 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu), 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM. Đến năm 2030, có từ 150 xã trở lên đạt chuẩn NTM (trên 30 xã NTM nâng cao, 8 xã NTM kiểu mẫu), 12 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM; đồng thời, Gia Lai trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trong cả nước và không còn hộ nghèo với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sâu tại các vùng sản xuất...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Để thực hiện các mục tiêu của nghị quyết, chúng ta cần phải xác định trọng tâm đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; vai trò, vị trí quan trọng của nông dân là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, trong sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy sản xuất đảm bảo "sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn" và xây dựng được những chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả kinh tế; xây dựng "nông nghiệp xanh" là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; người nông dân cần chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, giảm chi phí đầu vào để tăng lợi nhuận.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến đổi lớn đó là “biến đổi khí hậu”, “biến động thị trường” và “biến chuyển xu thế tiêu dùng”. Quy luật cung-cầu được vận hành theo quy luật thị trường, vai trò quản lý có giới hạn, mang tính điều phối, cân đối, hài hòa, bảo đảm cho sự tăng trưởng ổn định, phát triển bền vững; cân đối giữa vừa xuất khẩu nông-lâm-thủy sản và các sản phẩm nông nghiệp vừa nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Tiếp tục cải thiện năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động trong nông nghiệp. “Chiến lược lâu dài đó là xác định mục tiêu tạo dựng một nên nông nghiệp xanh, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, “tích hợp đa tầng giá trị”; tiếp cận xu thế thay đổi không ngừng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những dư địa tăng trưởng mới, những giá trị phát triển mới với điều kiện đặc điểm của Việt Nam; quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy những cốt lõi, độc đáo của làng nghề để nông thôn ngày càng thêm trù phú và đáng sống…”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Công ty 72 khen thưởng 48 tập thể và cá nhân

Công ty 72 khen thưởng 48 tập thể và cá nhân

(GLO)-

Chiều 25-4, Công ty TNHH một thành viên 72 (Công ty 72), Binh đoàn 15 tổng kết công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt năm 2023 và điều chỉnh địa chỉ kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc với các thôn, làng.