Phá đường dây làm văn bằng giả, thu trên 5 tấn phôi và gần 4.000 con dấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ quy mô lớn, thu trên 5 tấn phôi và gần 4.000 con dấu.
Hai đối tượng bị bắt giữ trong vụ án.
Hai đối tượng bị bắt giữ trong vụ án.
Sáng 6.2, Cổng thông tin Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, các đơn vị chức năng vừa triệt phá một đường dây chuyên sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả với quy mô lớn, bắt giữ hai đối tượng, thu trên 5 tấn phôi và gần 4.000 con dấu.
Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân và thông qua các tài liệu trinh sát, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh phát hiện một đường dây chuyên sản xuất và bán các loại giấy tờ giả cho các đối tượng “cò” và khách hàng có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sau một thời gian nắm tình hình, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ hai đối tượng trong vụ việc.
Các đối tượng lần lượt là Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1980, trú tại thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) và Hoàng Văn Đức (sinh năm 1993, trú tại thôn Bản Muỗng, xã Mông Ân, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).
Khám xét tại ngôi nhà số 856/4 Quang Trung, phường 8, Quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh - nơi các đối tượng thuê để sản xuất các loại văn bằng, chứng chỉ - lực lượng Công an thu giữ gần 4.000 con dấu, hơn 5 tấn phôi các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ như Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Bằng Thạc sĩ, Bằng tốt nghiệp Đại học, tốt nghiệp Trung học phổ thông, Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học...
Ngoài ra còn thu giữ nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ.
Vật chứng vụ án.
Vật chứng vụ án.
Tại Cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, thông qua Internet và mạng xã hội, các đối tượng lập các tài khoản zalo, facebook và các trang web như lambangdaihoc.com.vn, lambangphoithat.com, lambangdaihocgiare... để rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ với những lời quảng cáo hấp dẫn như cam kết phôi thật, giá rẻ...
Khi khách có nhu cầu đặt mua, các đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân của khách hàng để in vào các loại văn bằng rồi giả mạo chữ ký hiệu trưởng các trường, sử dụng các loại dấu giả để in. Mỗi loại chứng chỉ, các đối tượng bán từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng, các loại bằng có giá từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Các đối tượng thường gửi văn bằng, chứng chỉ qua bưu điện và các công ty chuyển phát nhanh cho các khách hàng ở xa hoặc thuê xe ôm để chuyển cho khách hàng ở gần.
Đối tượng Hoàng Văn Đức khai nhận: “Ban đầu tôi nhận vận chuyển thuê văn bằng, chứng chỉ giả; sau đó thấy lợi nhuận cao, nhu cầu của khách hàng lớn nên tôi đã tham gia bán văn bằng chứng chỉ, tôi lên mạng tìm kiếm khách hàng rồi rao bán các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ. Vì lợi nhuận cao, nên dù biết là vi phạm pháp luật nhưng tôi vẫn làm”.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hùng và Đức về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng để xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.
PHẠM ĐÔNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.