"Ớt ngọt" ở vùng Đông Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ tháng 4 đến nay, bà con nông dân khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai rất phấn khởi bởi vì giá ớt tăng gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Mức lợi nhuận lên tới 250-300 triệu đồng/ha.

Giá ớt tăng cao

Nhìn sang ruộng ớt 1,3 sào bên hông nhà, ông Võ Văn Biên (thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cho hay: Thời điểm mới xuống giống, mưa nhiều khiến vườn cây bị một số nấm bệnh gây hại, làm giảm năng suất, chất lượng quả ớt. Đến khi thu hoạch, thương lái thu mua với giá hơn 10 ngàn đồng/kg ớt tươi. Trong khi đó, nông dân đầu tư hơn 20 triệu đồng/sào, rồi thuê công hái 5.000 đồng/kg, tính ra lỗ nặng, ai cũng nghĩ thêm một mùa “ớt đắng”. Tuy nhiên đến tháng 4, dịch Covid-19 được kiểm soát, giá ớt tăng cao, dao động trong khoảng 20-60 ngàn đồng/kg. “Bình thường, nếu điều kiện thuận lợi, chăm sóc đúng kỹ thuật thì đạt năng suất 1,3-1,5 tấn/sào. Mặc dù năng suất giảm chỉ còn 1 tấn/sào nhưng nhờ giá cao nên gia đình vẫn thu về gần 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-ông Biên phấn khởi nói.

Một số rau màu bấp bênh, ớt thì tăng giá nhiều nông dân xã Tân An, huyện Đak Pơ phấn khởi. Ảnh: Ngọc Minh
 Nông dân xã Tân An (huyện Đak Pơ) rất phấn khởi khi ớt tăng giá. Ảnh: Ngọc Minh



Đã quá trưa, chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê) vẫn cần mẫn hái ớt để kịp giao cho đại lý. Vừa đổ số ớt hái được vào bao tải, chị Hiền vui vẻ cho hay: “Đầu tháng 2, tôi trồng hơn 1 sào ớt. Do sâu bệnh nên quả không được nhiều. Tôi định phá bỏ để trồng loại cây khác. Tuy nhiên, thấy giá ớt cao nên tôi để lại thu được ít nào hay ít đó. Ớt cuối vụ quả không to đẹp nhưng tôi vẫn bán với giá 35 ngàn đồng/kg. Những quả xấu hơn thì phơi khô. Hiện ớt khô còn cuống có giá 150 ngàn đồng/kg, không cuống 180 ngàn đồng/kg”.

Giải thích nguyên nhân giá ớt tăng cao, bà Lê Thị Cẩm-chủ đại lý thu mua ở tổ 3 (phường An Bình, thị xã An Khê) cho hay: “Những năm trước, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặt hàng ớt không xuất khẩu được dẫn đến dư thừa, mất giá. Năm nay, nhiều hộ dân sợ thua lỗ không dám trồng hoặc giảm diện tích, cộng thêm ớt bị mất mùa, trong khi nhu cầu thu mua tăng đã đẩy giá ớt tăng cao”.

Mỗi năm, bà Phạm Thị Hương (thôn An Sơn, xã Cư An, huyện Đak Pơ) thu mua để xuất sang Trung Quốc hơn 300 tấn ớt tươi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 2 năm nay, bà chuyển sang cung ứng ớt và các loại rau ăn lá, rau gia vị cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã xuất gần 20 tấn ớt. “Chưa khi nào tôi thấy giá ớt tăng liên tục và kéo dài như năm nay. Hiện giá ớt loại 2 dao động 30-55 ngàn đồng/kg, ớt loại 1 là 55-70 ngàn đồng/kg, tăng gấp 3-4 lần so với năm 2021”-bà Hương cho biết.

Tập trung chăm sóc ớt vụ mùa

Nông dân ở các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê chọn ớt làm cây trồng chủ lực. Thời điểm này, vụ ớt Đông Xuân đã kết thúc, giá cả tăng cao tạo động lực cho người dân tập trung chăm sóc vụ tiếp theo.

Gia đình ông Dương Cư (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) vừa thu đợt đầu hơn 3 tấn quả trên diện tích gần 1 ha, mang lại doanh thu hơn 140 triệu đồng. “Năm nay, hầu hết vật tư, công cáng đều tăng. Nếu giá ớt ở mức 10-15 ngàn đồng/kg thì lỗ vốn. Nhờ bán giá cao mà tôi có tiền đầu tư, chăm nom vườn ớt. Từ nay đến khi kết thúc vụ, gia đình còn hái 3-4 đợt, ước đạt 10 tấn quả. Hy vọng giá ớt ổn định, gia đình có thêm kinh phí tái đầu tư, phát triển kinh tế”-ông Cư chia sẻ.

 Chị Nguyễn Thị Hiền (bìa trái, tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê) thu hoạch ớt cuối vụ. Ảnh: Ngọc Minh
Chị Nguyễn Thị Hiền (bìa trái, tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê) thu hoạch ớt cuối vụ. Ảnh: Ngọc Minh



Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho hay: “Đến nay, toàn huyện gieo trồng hơn 426 ha ớt vụ mùa, trong đó, nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Hiện giá ớt đang dao động khoảng 30-70 ngàn đồng/kg. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tập trung phòng-chống hạn, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho cây ớt. Đồng thời, khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, tránh tình trạng giá xuống thấp gây thiệt hại kinh tế. Cùng với đó, cán bộ chuyên môn đồng hành hướng dẫn bà con bón phân đúng cách, đúng liều lượng, tưới nước, phun thuốc đầy đủ để cây trồng khỏe mạnh, kéo dài thời gian thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập”.

Đến nay, người dân huyện Đak Pơ cũng đã trồng gần 285 ha ớt vụ mùa. Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hơn cho biết: Ớt vụ mùa thường rơi vào mùa mưa khiến vườn cây dễ bị nấm bệnh gây hại. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến cho người dân các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. “Vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã phối hợp với Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình xây dựng 9 mã vùng trồng ớt với 97,1 ha. Đây là cơ hội cho người dân có liên kết bền vững, là nền móng cho thương hiệu ớt Đak Pơ. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt mà cập nhật thông tin định hướng của cơ quan chuyên môn để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa”-ông Hơn thông tin.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.