Ông Tất Thành Cang liên quan gì đến 4 tuyến đường 12.000tỷ ở Thủ Thiêm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), ông Tất Thành Cang đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng. Việc ký kết này, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương là sai nguyên tắc, khi thẩm quyền của TP chỉ được phê duyệt các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.
Ngày 26/6, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Trong đó, đặc biệt nhắc đến sai phạm tại 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm.
 
Đô thị mới Thủ Thiêm với 4 tuyến đường chính nhìn từ hướng quận 1 sang đến nay vẫn dở dang. Ảnh: TL
Theo kết luận, việc UBND TP ký hợp đồng BT với một doanh nghiệp, trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT là 12.490.687 triệu đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND TP là không đúng quy định của Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013. Điều này đã đẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỷ đồng so với giá trị đã được UBND TP thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách Nhà nước.
"Mặc dù, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính chưa đúng quy định, nhưng UBND TP đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là 4.225.530 triệu đồng, đã nộp 2.376.000 triệu đồng, số còn lại đến nay chưa nộp là 1.800.529 triệu đồng, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách nhà nước theo quy định”, kết luận do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ký, nêu rõ.
Thời gian qua, khi nhắc đến 4 con đường trị giá hơn 12.000 tỷ này với chiều dài chưa tới 12km thì cái tên gắn liền với dự án này là ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM.
Tại thông cáo của kỳ họp thứ 31 từ ngày 12-14/11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố nội dung đáng chú ý là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
 
Ông Tất Thành Cang có liên quan đến sai phạm ở 4 tuyến đường 12.000 tỷ ở Thủ Thiêm. Ảnh: TL
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc… Trong đó, có sai phạm liên quan đến dự án BT xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, ngày 1/12/2014, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường này.
Tuy nhiên, trước đó một năm, tháng 11/2013, doanh nghiệp được chỉ định đã ký tắt hợp đồng BT với TP.HCM và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2017. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang (Giám đốc Sở GTVT, Uỷ viên UBND TP.HCM) đại diện UBND TP ký kết và được đóng dấu "mật".
Hợp đồng này thể hiện, dự án 4 tuyến đường "xương sườn" của Khu đô thị Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4 km); đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3km); đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3km); đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5 km). Ngoài ra còn có 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn.
4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12km, chiều rộng từ 11,6m đến 55m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng - gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km) và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km). Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, suất đầu tư này "đắt khủng khiếp". Đổi lại, công ty ký hợp đồng này được giao 79ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản. Giá giao đất tại thời điểm đó (năm 2013) chỉ được tính bình quân 26,7 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, việc ký kết trên không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 108 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
Theo nội dung nghị định, UBND TP.HCM chỉ được phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc UBND TP.HCM đề nghị để được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án mới vào hợp đồng BT đã ký với các chủ đầu tư khi chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa tính toán, thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất là không đúng quy định.
 
Bên cạnh những sai phạm về quản lý đất đai, dự án... thì quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm cũng gây nên bao nỗi bức xúc cho cư dân ở đây. Ảnh: H.V
“Trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư, chỉ định nhà đầu tư các dự án BT, ký kết hợp đồng và giao đất thanh toán đối ứng các hợp đồng BT, giảm tiền sử dụng đất thiếu căn cứ như nêu trên thuộc lãnh đạo UBND Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành tham mưu như: Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Điều đáng nói, ông Tất Thành Cang (khi đó là Giám đốc Sở GTVT) thừa uỷ quyền của Chủ tịch UBND TP (khi đó là ông Lê Hoàng Quân) ký tắt hợp đồng. Câu hỏi được đặt ra, lãnh đạo UBND TP.HCM thời kỳ đó sẽ chịu trách nhiệm gì cho sai phạm này?
Hồ Văn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.