(GLO)- Song song với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhiều năm qua, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) luôn đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội, đáp ứng nhu cầu nuôi quân khỏe.
Với các yếu tố như: khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm… những tưởng việc phát triển các vườn rau xanh tốt là điều không thể thực hiện trên miền biên viễn Đức Cơ. Ấy thế mà bằng sức trẻ, bằng sự kiên trì, những người lính của Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đã khẳng định “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm” thông qua mô hình “5 vườn, 3 giàn” luôn xanh tốt quanh năm. Đó là vườn rau thông thường, vườn rau cao cấp, vườn rau gia vị, vườn cây ăn trái, vườn thuốc Nam và giàn bầu, giàn bí, giàn mướp.
Chiến sĩ Đỗ Anh Sơn chăm sóc đàn gia cầm. Ảnh: P.D |
Để chúng tôi hiểu rõ hơn về những nỗ lực của người lính khi biến vùng đất cằn cỗi, lởm chởm đá sỏi thành vườn rau xanh tốt, Đại úy Phạm Quang Cường-Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, chia sẻ: Để có thể trồng nên những luống rau xanh, đơn vị đã mất rất nhiều thời gian cải tạo lại đất cho tơi xốp. Riêng nguồn nước thì mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải tiết kiệm tối đa để phục vụ cho công tác tăng gia sản xuất. Bởi từ nước ăn uống cho đến nước sinh hoạt hàng ngày, đơn vị đều phải dẫn từ giếng nước cách đó hơn 1 km về dùng… Khó khăn là thế nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn xác định, tăng gia sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì thế, mỗi người đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm. Chẳng ai bảo ai, cứ đến giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ đều tập trung tại khu vực tăng gia để trồng trọt, chăn nuôi. Những cán bộ, chiến sĩ có kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi chịu trách nhiệm hướng dẫn cho những người chưa biết. Cứ thế, mùa nào thức ấy, rau xanh đầy vườn, vật nuôi đầy chuồng và cá đầy ao. Đến nay, đơn vị đã đảm bảo 100% rau xanh và thịt cung cấp bữa ăn hàng ngày của bộ đội.
Ngừng vun luống cho vườn rau xanh, chiến sĩ Bùi Văn Tâm (Tiểu đội 2, Trung đội 1) vui vẻ cho biết, trước khi nhập ngũ, bản thân cũng thường xuyên giúp cha mẹ trồng trọt, chăm sóc vườn cây nên việc tăng gia sản xuất của đơn vị cũng không mấy khó khăn. Chỉ có điều, đất đai ở đơn vị quá khô cằn, khí hậu lại khắc nghiệt, nguồn nước thì khan hiếm nên việc trồng trọt, chăm sóc các loại rau xanh đòi hỏi phải cầu kỳ hơn. “Nhìn những bó rau xanh được nhập vào bếp ăn, phục vụ bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, mình thấy rất vui và tự hào”-Tâm bộc bạch. Cách vườn rau tăng gia không xa là khu vực chăn nuôi của đơn vị với các loại ngan, gà, dê, heo... Đang cho đàn vịt ăn, chiến sĩ Đỗ Anh Sơn (Tiểu đội 2, Trung đội 1) phấn khởi: “Đây là công việc khá mới mẻ và cũng khá thú vị, nhờ đó mình có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích”.
Theo Đại úy Phạm Quang Cường, hiện đơn vị có vườn rau xanh rộng hơn 2.000 m2 với đủ chủng loại: bồ ngót, mùng tơi, rau cải, rau muống,... Riêng năm 2017, đơn vị đã tập trung mở rộng gần 1 ha để trồng cây ăn trái với các giống: bơ, mít Thái, sầu riêng, xoài, thanh long. “Vườn cây ăn trái này trước mắt là phục vụ đời sống của cán bộ, chiến sĩ và sau nữa là tăng thêm nguồn thu cho đơn vị”-Đại úy Cường cho hay. Cùng với đó, đơn vị còn duy trì đàn heo 20-30 con, đàn bò 39 con, đàn ngan 150 con, đàn gà trên 100 con và 30 con dê; chăm sóc hơn 6 ha cà phê và 10 ha cao su, điều… Mặt khác, đơn vị còn tận dụng diện tích mặt nước khoảng 1.000 m2 để thả các loại cá: trắm, trê, rô phi… đảm bảo 20-30% lượng cá nhập vào bếp ăn đơn vị.
Không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, công tác tăng gia sản xuất còn chủ động đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội 2.000-3.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, hàng năm, trừ các khoản chi phí, đơn vị còn thu 150-250 triệu đồng từ tăng gia sản xuất.
Phương Dung