Nông hội: Điểm tựa vững chắc của nông dân Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, các nông hội trên địa bàn huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng cường mối liên kết giữa các hộ dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã giúp bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hiệu quả từ việc liên kết
Trước đây, thu nhập của gia đình anh Nguyễn Hải Dương (thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê) chủ yếu dựa vào cây hồ tiêu. Dịch bệnh khiến cây hồ tiêu chết hàng loạt nên anh chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Không chỉ được tập huấn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, Nông hội còn cho anh trả chậm tiền con giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. “Với 8 sào dâu hiện có, khoảng 17 ngày tôi nuôi một đợt, mỗi đợt 2 hộp tằm, thu được hơn 1 tạ kén. Giá bán hiện tại là 185.000 đồng/kg, từ đầu năm đến giờ, tôi lãi được gần 200 triệu đồng”-anh Dương cho hay.
Theo ông Trần Đình Hóa-Chủ nhiệm Nông hội dâu tằm Chư Sê, ban đầu, Nông hội chỉ có 40 thành viên với diện tích 15 ha dâu. Sau hơn 1 năm hoạt động, Nông hội dâu tằm Chư Sê đã phát triển lên 150 thành viên, diện tích trồng dâu cũng mở rộng trên 90 ha, đảm bảo đủ nguồn thức ăn chăn nuôi mỗi tháng 300 hộp tằm giống. “Để bà con yên tâm phát triển sản xuất, Nông hội đã đứng ra cung ứng đầy đủ thiết bị, vật tư cho các hộ, đồng thời liên kết với Công ty TNHH dâu tằm tơ Minh Tuyết Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, Nông hội cũng đang có chủ trương xây dựng nhà máy sơ chế sợi tơ lụa thô từ sản phẩm kén của bà con. Giá của sản phẩm sợi tơ lụa sau khi được sơ chế cao hơn gấp nhiều lần so với bán kén”-ông Hóa thông tin.
Nông hội dâu tằm Chư Sê không những cung ứng đầy đủ thiết bị, vật tư cho bà con mà còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ảnh: Minh Nguyễn
Nông hội dâu tằm Chư Sê không những cung ứng đầy đủ thiết bị, vật tư cho bà con mà còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ảnh: M.N
Tương tự, cuối năm 2019, Nông hội chăn nuôi dê xã Ia Ko được thành lập với 10 thành viên. Đến nay, Nông hội đã có 21 thành viên với quy mô tổng đàn dê trên 400 con. Ông Phạm Xuân Anh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ko-cho biết: Thông qua các buổi sinh hoạt, hội viên đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc cho đến cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn dê. Ngoài ra, Nông hội còn giúp các thành viên cập nhật tình hình giá cả hàng ngày, liên kết với hợp tác xã tiêu thụ tránh việc bị thương lái ép giá.
Nhân rộng mô hình nông hội kiểu mẫu
Theo ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê, trên cơ sở định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thành lập mô hình nông hội, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Hội Nông dân huyện, Ban Dân vận Huyện ủy và Đảng ủy các xã, thị trấn triển khai thành lập một số nông hội trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 9 nông hội với 266 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong số này, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả như: Nông hội chăn nuôi dê xã Ia Ko liên kết với Hợp tác xã Trịnh Duy Tâm trong tiêu thụ sản phẩm; Nông hội trồng mía xã Hbông liên kết với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai để được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật và thu mua mía cho hội viên; Nông hội trồng dâu nuôi tằm ở thị trấn Chư Sê ký kết hợp tác với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào từ giống dâu, tằm đến kỹ thuật chăm sóc và thu mua sản phẩm cho các thành viên…
Nông hội dâu tằm Chư Sê không những cung ứng đầy đủ thiết bị, vật tư cho bà con mà còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ảnh: Minh Phương
Trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Minh Phương
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê, các nông hội trên địa bàn huyện bước đầu đã giúp nhiều thành viên liên kết với nhau tổ chức sản xuất theo chuỗi ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là cam kết xây dựng thương hiệu, cung ứng cho người tiêu dùng. “Mô hình nông hội có được thành công là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự sâu sát của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở. Cùng với đó, các ban ngành của huyện cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của các nông hội sau khi thành lập, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”-ông Tỵ khẳng định.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Để nông hội trở thành điểm tựa vững chắc cho nông dân, từng bước xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, kém hiệu quả, chúng tôi tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân triển khai xây dựng nông hội trên địa bàn”.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Các cơ sở kinh doanh cây giống vào mùa

Các cơ sở kinh doanh cây giống vào mùa

(GLO)- Gia Lai đang bước vào mùa mưa nên nhu cầu mua cây giống của nông dân trong tỉnh khá lớn. Nắm bắt nhu cầu trên, các cơ sở kinh doanh cây giống cũng chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Krông Pa tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng

Krông Pa tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng

(GLO)- Trong 2 ngày (13 và 14-5), Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Pa phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai tổ chức 2 lớp tập huấn xây dựng mã số vùng trồng cho gần 200 cán bộ, công chức cấp xã, các hộ dân, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Ia Blứ trồng hoa hòe theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông dân Ia Blứ trồng hoa hòe theo tiêu chuẩn VietGAP

(GLO)- Nhận thấy việc trồng cây hoa hòe mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã chủ động hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Krông Pa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2025. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa đánh giá 13 sản phẩm OCOP

(GLO)- Sáng 13-5, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Krông Pa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2025 cho 13 sản phẩm (3 sản phẩm đánh giá lại) của 5 chủ thể.

Mang Yang đầu tư phát triển nông sản đặc trưng

Mang Yang đầu tư phát triển nông sản đặc trưng

(GLO)-Nhờ nguồn vốn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và vốn địa phương, nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nâng tầm một số nông-lâm sản đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Vải ngọt đầu mùa ở Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Vải ngọt đầu mùa ở Kbang

(GLO)- Từ cuối tháng 4 đến nay, một số nhà vườn ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) bắt đầu thu hoạch những chùm vải chín. Vải đầu mùa mọng ngọt dễ tiêu thụ, bán được giá, người trồng vải vui mừng và tin tưởng một vụ vải thắng lợi.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.