Nông dân tất bật chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang tất bật chăm sóc hoa, rau xanh và cây ăn quả để cung cấp cho thị trường dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Sẵn sàng cho vụ hoa Tết

Những ngày này, gia đình bà Hà Thị Tuyết Mai (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) đang tất bật chăm sóc 2 sào hoa ly để đảm bảo ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Để tiết kiệm chi phí, bà không thuê nhân công mà hàng ngày dậy từ 3 giờ sáng để chăm sóc vườn hoa.

Bà Mai cho biết: “Đây là năm đầu tiên gia đình tôi trồng hoa ly để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tôi được các hộ trồng hoa lâu năm trên địa bàn xã hướng dẫn về kỹ thuật. Hiện vườn hoa sinh trưởng và phát triển tốt, hy vọng hoa nở đúng dịp Tết và bán được giá”.

Trong khi đó, chị Lê Thị Dung (thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã có kinh nghiệm trồng hoa ly hơn 10 năm nay. Khi chúng tôi đến, chị đang tập trung trị bệnh bạc lá cho vườn hoa ly của gia đình.

Chị Dung cho biết: Gia đình chị chỉ có hơn nửa sào đất. Vào thời điểm đầu và giữa năm, chị trồng rau. Đến cuối tháng 9 âm lịch thì chuyển sang trồng hoa ly để bán Tết. Với diện tích này, gia đình chị tốn khoảng 15 triệu đồng mua giống và phân bón.

“Các năm trước, hoa bán được giá cao nên lợi nhuận khá. Năm ngoái, giá hoa ly thấp nhưng tôi cũng thu nhập hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hy vọng năm nay, hoa ly bán được giá cao để gia đình đón Tết được đủ đầy hơn”-chị Dung chia sẻ.

1-9883.jpg
Bà Tô Thị Hương (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chăm sóc hoa cúc để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: H.T

Còn tại tổ dân phố 3 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), bà Tô Thị Hương cũng đang tất bật chăm sóc 900 chậu cúc đại đóa và pha lê. Thời điểm này, hoa cúc đã đạt độ cao phù hợp nên bà ngưng thắp đèn vào ban đêm để hoa tập trung làm nụ.

Cùng với đó, bà làm giàn cho hoa để tránh bị ngã đổ. Bà Hương cho biết: Hoa cúc pha lê từ khi trồng đến khi ra hoa là khoảng 7 tháng, còn hoa cúc đại đóa là 6 tháng. Từ giữa tháng 7 âm lịch, bà đã xuống giống 2 loại hoa này.

“Mỗi năm, gia đình tôi trồng khoảng 900-1.000 chậu cúc. Tuy công chăm sóc khá nhiều nhưng đầu ra ổn định. Khoảng 10 năm nay, hoa cúc của gia đình chủ yếu bán sỉ. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ hoa Tết, gia đình tôi lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”-bà Hương nói.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 282,5 ha trồng hoa các loại. Bà con nông dân trồng phổ biến một số loại như: phong lan, hoa cúc, hoa ly, hoa hồng, lay ơn, hoa huệ, hoa đồng tiền, cẩm chướng… Các loại hoa này thích nghi tốt với điều kiện đất đai và khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Đa dạng các loại rau quả

Thành phố Pleiku hiện có 57,7 ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP; trên 25,82 ha nhà lồng, nhà lưới; 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh nấm dược liệu, nấm ăn… tập trung chủ yếu tại các xã: An Phú, Chư Á, Trà Đa.

Bà Hà Thị Tuyết Mai (thôn 2, xã An Phú) có gần 20 năm kinh nghiệm trồng rau cung cấp cho thị trường Tết. Bà cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha đất, chủ yếu là trồng khổ qua và đậu cô ve. Năm nay, tôi xuống giống muộn hơn so với các hộ khác vài ngày với hy vọng sẽ bán được giá”.

hien-nay-nguoi-dan-o-xa-ia-nhin-huyen-chu-pah-dang-cham-soc-that-tot-de-dua-luoi-kip-cho-thu-hoach-dip-tet-nguyen-dan.jpg
Người dân xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) tập trung chăm sóc vườn dưa lưới để kịp thu hoạch dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: H.T

Huyện Đak Pơ có diện tích rau lớn nhất tỉnh. Thời gian này, bà con nông dân đã xuống giống các loại rau để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Năm 2024, diện tích rau của huyện trên 7,3 ngàn ha, sản lượng trên 146,4 ngàn tấn.

“Để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, huyện đã khuyến cáo người dân trồng đa dạng các loại rau, tuân thủ quy định về thời gian cách ly, sử dụng các loại phân thuốc an toàn để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”-bà Lý nhấn mạnh.

Thời gian này, bà con nông dân cũng đang tích cực chăm sóc các loại cây ăn quả để cung cấp cho thị trường dịp Tết. Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: Toàn huyện có trên 1 ngàn ha cây ăn quả, chủ yếu là sầu riêng, dưa lưới, chuối tiêu hồng, quýt, bưởi. Hiện các nhà vườn cũng đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thu hoạch sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Đưa chúng tôi tham quan một số hộ trồng dưa lưới trên địa bàn, ông Hoàng Việt Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) chia sẻ: Toàn xã có 120 hộ trồng dưa lưới với diện tích 11 ha. Hầu hết các hộ trồng dưa lưới đều đầu tư nhà màng để đảm bảo nhiệt độ phù hợp với cây trồng và hạn chế sâu bệnh. Dưa lưới bán rất có giá trong dịp Tết nên bà con đầu tư chăm sóc để kịp thu hái trong dịp này.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho hay: Năm 2024, diện tích rau các loại ước đạt 34.950 ha, sản lượng khoảng 522.375 tấn; diện tích cây ăn quả ước đạt 33,25 ngàn ha, sản lượng trên 569,5 ngàn tấn.

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng những sản phẩm trồng trọt có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó là siết chặt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Căn cứ văn bản đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng.