Nông dân Phú Thiện canh tác theo hướng hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mục tiêu cải tạo đất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ. Đây là tín hiệu tích cực, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Chế biến phân bón từ xác cá
Gắn bó với nghề trồng rau nhiều năm qua, cũng giống như các gia đình khác, bà Trần Thị Hồng Yến (buôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng) thường sử dụng các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu. Sau khi tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà Yến đã mạnh dạn nghiên cứu, chế biến phân bón hữu cơ làm từ xác cá để bón cho cây trồng nhằm tăng năng suất vườn cây, tăng độ tơi xốp và cải tạo đất.
Bà Yến cho hay: “Làm phân bón từ xác cá không khó và ai cũng có thể làm được. Lượng cá từ chợ không đủ, tôi tìm đến các trang trại nuôi cá, hồ Ayun Hạ để thu mua. Để có được 1 phuy chứa 200 lít phân, tôi dùng 100 kg cá, 10 kg rỉ mật mía, 3-6 quả trứng gà, 2-3 bì sữa tươi, 2 kg men vi sinh, nước và ủ trong 2 tháng. Với 1 lít phân thu được, tôi pha với 60 lít nước, có thể phun qua lá hoặc tưới trực tiếp vào gốc cây”. Theo bà Yến, trứng gà và sữa có tác dụng làm tăng độ keo cho phân. Các loại sâu bệnh hại thường thở bằng da, khi dính phân thì không thở được và sẽ chết. Vì vậy, lượng trứng gà và sữa có thể thay đổi tùy vào mục đích của người sử dụng. Ngoài ra, bà còn dùng một số nguyên liệu như: gừng, sả, ớt, thuốc lá để pha trộn với phân xác cá giúp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Đặc biệt, bà khuyến cáo mọi người không nên sử dụng cá rô phi để ủ phân, bởi loại cá này thường ăn ở tầng đáy, chứa nhiều chì nên không tốt cho cây trồng.
Nhờ sử dụng phân bón từ xác cá, diện tích cây trồng của gia đình bà Trần Thị Hồng Yến (buôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng) cho năng suất cao. Ảnh: Quỳnh Chi
Nhờ sử dụng phân bón từ xác cá, diện tích cây trồng của gia đình bà Trần Thị Hồng Yến (buôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng) cho năng suất cao. Ảnh: Quỳnh Chi
Cũng theo bà Yến, phân bón làm từ xác cá chứa nhiều đạm, không chỉ giúp cây trồng xanh tốt mà các vi sinh vật trong phân còn giúp tăng độ tơi xốp, cải tạo đất. Qua thực tế thử nghiệm trên diện tích cây trồng của gia đình, nếu sử dụng các loại phân hóa học chỉ khoảng 10 ngày sau khi bón thì cây sẽ báo hiệu thiếu chất. Còn sử dụng phân bón xác cá thì sau 15 ngày cây vẫn tươi tốt. Với việc duy trì 1.000 lít phân xác cá, đảm bảo nhu cầu phân bón thường xuyên cho 1 ha cây trồng của gia đình gồm 500 gốc chanh dây, rau ngót và 60 cây ổi, mang lại thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. “Với 2.000 đồng/kg xác cá, chi phí sản xuất phân bón thấp hơn rất nhiều so với phân hóa học mà hiệu quả lâu bền, năng suất cây trồng đạt cao, sản phẩm làm ra hoàn toàn sạch nên được người tiêu dùng ưa chuộng”-bà Yến phấn khởi cho hay.
Phát triển bền vững
Một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng kém là do người canh tác lạm dụng quá nhiều phân hóa học khiến đất bị bào mòn, bạc màu. Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, Hội Nông dân huyện Phú Thiện đã liên kết với các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị khoa học, tập huấn đầu bờ tư vấn kỹ thuật cho nông dân, mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp về truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật. Nhiều loại phân bón hữu cơ được sản xuất theo công nghệ hiện đại đã được giới thiệu, các mô hình thí điểm triển khai đã mang lại hiệu quả cao, tạo niềm tin trong bà con nông dân và được nhiều người tin dùng.
Ông Nguyễn Hữu Cần (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) cho biết: Đất đai ngày càng bạc màu dẫn đến năng suất cây trồng thấp. Sau khi tham dự các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức, nhận thấy các loại phân hữu cơ chất lượng được sản xuất theo công nghệ hiện đại nên ông đã đặt hàng mua sử dụng, thay thế phân bón vô cơ.
Hội Nông dân huyện Phú Thiện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng bằng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Ảnh: Quỳnh Chi
Hội Nông dân huyện Phú Thiện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Ảnh: Quỳnh Chi
Sau 2 năm sử dụng phân gà và đạm cá của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ, ông Cần nhận thấy năng suất cây trồng cải thiện đáng kể. Bình quân mỗi năm, ông rải 4-5 tấn phân gà/ha để cải tạo đất trước khi gieo trồng. Mặc dù tác dụng không tức thì như phân vô cơ nhưng phân hữu cơ giúp cây trồng sinh trưởng phát triển ổn định, lâu dài, duy trì độ phì và có tác dụng cải tạo đất. Ông chia sẻ: “Điển hình như cây ớt, nếu sử dụng phân hóa học, thời gian thu hoạch chỉ kéo dài 3-4 tháng. Còn sử dụng phân gà bón đất và đạm cá phun lá, cây ớt cho thu hoạch gần 1 năm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ hiệu quả ban đầu trên cây ớt, tôi sử dụng phân gà và đạm cá bón cho cả 2,6 ha diện tích đất canh tác của gia đình với các loại cây trồng như lúa, khoai lang. Nhiều hộ tìm đến gia đình tôi để được mục sở thị và đều ngạc nhiên khi thấy hiệu quả mang lại”.
Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện-cho biết: Sau 2 năm liên kết, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức hơn 20 buổi hội thảo đầu bờ tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại phân hữu cơ nhằm không chỉ bảo vệ sức khỏe người sản xuất mà còn đảm bảo nguồn nông sản sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cải tạo đất. Hội đang tham mưu giúp UBND huyện triển khai mô hình sản xuất lúa ST24 sử dụng phân hữu cơ với diện tích 27 ha. Đây sẽ là cơ hội nâng cao chất lượng gạo Phú Thiện và góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
QUỲNH CHI

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.