Nông dân lo lắng vì giá lúa giảm sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bà con nông dân khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa vụ mùa. Năm nay, giá lúa giảm sâu, thương lái hạn chế thu mua khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Trên cánh đồng xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), bà con nông dân đang thu hoạch lúa vụ mùa. Khác với vụ Đông Xuân 2020-2021, trong vụ mùa này, nhiều nông dân buồn thiu vì giá lúa giảm sâu. Nếu bán lúa thì không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nhưng không bán thì lấy tiền đâu trả nợ vật tư, phân bón rồi tiếp tục đầu tư sản xuất.

Nông dân Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Đức Thụy
Nông dân Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Đức Thụy



Chị Nay H'Lina (làng Bah Leng, xã Ia Ma Rơn) cho hay: Nhà chị có hơn 1 ha lúa. Vụ Đông Xuân, chị thu hoạch gần 10 tấn. Với giá bán 6.000 đồng/kg lúa tươi, sau khi trừ chi phí, chị lãi trên 30 triệu đồng. Vụ mùa này, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 7 tấn/ha, nhưng giá lúa chỉ ở mức 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư, chăm sóc lại tăng. “Thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào 1 ha lúa mà giá cả lại quá thấp. Các cháu lại đang bắt đầu năm học mới, vất vả quá”-chị H'Lina buồn rầu.

Anh Siu Kem (buôn Bir, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) cho biết: “Nhà mình mới thu hoạch 2 sào lúa được 24 bao. Vì giá lúa thấp quá nên mình chở lúa về phơi chứ không bán lúa tươi như trước. Với giá bán 5.500 đồng/kg lúa khô, nhà mình chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng/sào”.

 

Vụ mùa 2021, khu vực phía Đông Nam tỉnh gieo trồng hơn 15.000 ha lúa, trong đó, huyện Phú Thiện có 6.500 ha, Ia Pa có 5.800 ha, Krông Pa hơn 2.000 ha và thị xã Ayun Pa hơn 1.400 ha. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa sẽ bước vào cao điểm vụ thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 7 tấn/ha. Riêng huyện Krông Pa năng suất chỉ khoảng 4,5 tấn/ha do nắng hạn kéo dài.

Huyện Phú Thiện có diện tích lúa nếp lớn nhất tỉnh. Những năm trước, lúa nếp thường được giá hơn lúa tẻ, thương lái đặt mua tại ruộng. Năm nay, do không tìm được đầu ra nên sức mua giảm hẳn. Ông Dương Văn Viễn (thôn Thống Nhất, xã Ia Yeng) chia sẻ: Vụ mùa này, ông gieo sạ hơn 10 ha, trong đó có 4 ha lúa tẻ, còn lại là nếp. Gần chục năm trở lại đây, chưa bao giờ lúa nếp lại ế ẩm như năm nay. Giá nếp tươi hiện ngang lúa tẻ, khoảng 4.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân. “Nhìn ruộng lúa chỉ còn mấy ngày nữa là thu hoạch mà ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Sang năm chắc tôi bỏ nếp trồng khoai lang thôi”-ông Viễn băn khoăn.

Không chỉ nông dân khó khăn vì giá lúa giảm sâu mà các đại lý thu mua cũng “khóc dở mếu dở” vì không xuất hàng đi được. Bà Lê Thị Định chia sẻ: “Bình quân mỗi vụ thu hoạch, tôi nhập khoảng 200-300 tấn lúa. Nhưng vụ này chỉ dám nhập cầm chừng vì lượng tiêu thụ giảm hẳn, chỉ bán nhỏ lẻ trong tỉnh. Tại các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, xe không lưu thông được do dịch Covid-19 đang bùng phát”.

Hiện tại, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cũng đang thu mua lúa cho bà con theo hợp đồng liên kết nhưng chủ yếu là các giống lúa đạt thương hiệu gạo Phú Thiện. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX-thông tin: Để gỡ khó cho việc tiêu thụ, HTX đẩy mạnh bán lẻ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP. Pleiku. Hiện tại, HTX đã mở điểm bán lẻ lúa gạo tại 126 Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) để đưa thương hiệu gạo Phú Thiện đến gần hơn với người tiêu dùng. Chỉ tính riêng tháng 8-2021, HTX đã cung ứng gần 30 tấn gạo cho thị trường Pleiku. Dự tính, vụ mùa này, HTX thu mua khoảng 300-400 tấn lúa cho bà con.

Nhiều hộ dân chọn giải pháp phơi lúa khô tích trữ chờ giá lên. Ảnh: Vũ Chi
Nhiều hộ dân chọn giải pháp phơi lúa khô tích trữ chờ giá lên. Ảnh: Vũ Chi



Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã thành lập tổ sản xuất, lưu thông hàng hóa; thành lập 2 sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản cho người dân. Phòng cũng đã tiến hành rà soát tình hình thu hoạch nông sản, kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT có biện pháp hỗ trợ. Riêng 98,4 ha lúa liên kết với Tập đoàn Lộc Trời tại 3 xã Ia Yeng, Ia Sol và Chư A Thai, khoảng 1 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Tập đoàn cam kết bao tiêu cho người dân theo đúng hợp đồng, không để bà con bị thiệt thòi.

Với huyện Ia Pa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Trần Đình Đức cho hay: Đến nay, huyện đã thu hoạch được 50% diện tích lúa vụ mùa. So với vụ Đông Xuân, giá lúa giảm 1.600-2.000 đồng/kg. Nếu vụ Đông Xuân, người dân lãi 30-40 triệu đồng/ha thì vụ mùa này hầu như không có lãi. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay. Các xã đặt mục tiêu về đích nông thôn mới năm nay cũng rất khó đạt được tiêu chí về thu nhập.

 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.