Năng suất mía vượt trội
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Trọng Dương (buôn Dù, xã Ia Mlah) độc canh cây mì trên diện tích 5 ha. Do cây mì bị bệnh khảm lá nên năng suất không cao, thu nhập bấp bênh. Khoảng 4 năm trở lại đây, gia đình ông quyết định chuyển sang trồng mía. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 450 triệu đồng từ cây mía.
Ông Dương cho biết: “Trước đây, việc chăm sóc mía mất rất nhiều thời gian, nhất là khâu bón phân, làm cỏ. Từ khi gia đình đưa máy móc vào sản xuất, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thì việc chăm sóc ruộng mía dễ dàng và năng suất cao hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, năng suất mía chỉ đạt 60 tấn/ha thì hiện tại đạt khoảng 120 tấn. Cùng với đó, doanh nghiệp thu mua với giá trên 1,2 triệu đồng/tấn giúp người trồng mía có thu nhập khá”.
Tương tự, 4 ha mía của gia đình ông Giang Thanh Thác (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah) cũng đang phát triển tốt nhờ áp dụng cơ giới vào sản xuất. Ông Thác tin tưởng năng suất mía sẽ đạt khoảng 130 tấn/ha. “Nếu nhà máy vẫn giữ nguyên giá thu mua 1.300 đồng/kg thì gia đình tôi sẽ lãi hàng trăm triệu đồng. So với cây mì thì cây mía dễ chăm sóc hơn mà lợi nhuận lại cao hơn rất nhiều”-ông Thác cho hay.
Chị Rơ Mah H’Len (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) bên ruộng mía của gia đình. Ảnh: Ngọc Sang |
Tại xã Đất Bằng, cánh đồng mía cũng phát triển tốt nhờ nguồn nước dồi dào từ công trình thủy lợi Ia Mlah. Vụ trước, gia đình chị Rơ Mah H’Len (buôn Ia Rnho) trồng 1 ha mía, thu được gần 100 tấn, lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy cây mía cho lợi nhuận cao, năm nay, gia đình chị quyết định trồng thêm 2,5 ha.
Chị cho biết: “Đối với diện tích trồng mới, doanh nghiệp đến khảo sát để đầu tư. Trung bình 1 ha, doanh nghiệp đầu tư cây giống, phân bón, công cày… quy đổi thành tiền khoảng 30 triệu đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên gia đình rất thuận lợi khi đầu tư trồng mía”.
Theo ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi Ia Mlah được đầu tư mở rộng đến khu vực sản xuất của 6 xã, thị trấn đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp. Tại xã Ia Mlah và Đất Bằng, nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah, người dân đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất mía đạt 100-120 tấn/ha, có nơi đạt 130-140 tấn/ha giúp người dân có thêm nguồn thu nhập khá.
Hình thành cánh đồng mía lớn
Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, huyện Krông Pa tập trung xây dựng cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng, trong đó có cây mía. Năm 2017, một số hộ dân ở xã Ia Mlah đưa vào thí điểm mô hình cánh đồng mía lớn. Nhờ công trình thủy lợi Ia Mlah nên nguồn nước cung cấp cho cây trồng luôn đảm bảo. Cùng với đó, việc cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch rất thuận lợi nên năng suất cây mía vượt trội so với trước đây.
Ông Ksor Luân-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah-cho hay: Hiện có 2 doanh nghiệp mía đường đến đầu tư liên kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu. Từ khi chuyển sang trồng mía, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều. Cây mía mang lại thu nhập cao hơn so với trồng mì, giúp đời sống người dân được cải thiện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những cánh đồng mía ở xã Ia Mlah trải dài tít tắp. Ảnh: Ngọc Sang |
Còn ông Ksor Rơ-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng thì chia sẻ: Nhận thấy cây mía đem lại thu nhập cao, những năm qua, một số hộ dân đã chuyển đổi diện tích mì kém năng suất sang trồng mía. Nếu như vụ mía năm trước, toàn xã trồng được 15 ha thì năm nay tăng lên 80 ha. Tận dụng nguồn nước từ kênh mương thủy lợi, nhiều gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây mía. Nhờ đó, năng suất mía bình quân đạt 100 tấn/ha. Ngoài ra, người dân đã liên kết với doanh nghiệp để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho biết: Thời gian qua, cây mía được các doanh nghiệp mía đường hỗ trợ trồng theo phương pháp khoa học, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nên cho năng suất, chất lượng vượt trội. Toàn huyện có trên 2.000 ha mía. Dự kiến hàng năm, diện tích mía tiếp tục tăng 500-1.000 ha.
“Để phát triển cây mía bền vững trong thời gian tới rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp trong hỗ trợ đầu tư, định hướng thị trường, phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng như hệ thống kênh mương thủy lợi để tạo thuận lợi cho người dân trong chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển mía”-ông Thảo thông tin.