Nông dân Krông Pa đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO) - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản, nhiều nông dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đây là “đòn bẩy” đưa sản phẩm địa phương ngày càng vươn xa.

Bò một nắng không cần nắng

Đó là sản phẩm của chương trình hỗ trợ, hợp tác giữa 3 đơn vị gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thông qua đề tài khoa học-công nghệ “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”. Đến nay, chương trình đã lắp đặt, duy trì vận hành 2 hệ thống chế biến thịt bò một nắng có tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng cho 2 nhóm hộ/10 người.

 Chế biến đặc sản thịt bò một nắng Krông Pa-sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu OCOP của tỉnh bằng hệ thống năng lượng điện. Ảnh: L.H
Chế biến đặc sản thịt bò một nắng Krông Pa-sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu OCOP của tỉnh bằng hệ thống năng lượng điện. Ảnh: Lê Hòa


Bà Đinh Thị Hậu-chủ cơ sở Bò một nắng Tuấn Hậu (số 122 Hùng Vương, thị trấn Phú Túc) chia sẻ: Gia đình bà “bén duyên” với nghề làm thịt bò một nắng từ năm 1996. Trải qua gần 25 năm gắn bó với nghề, đến nay, cơ sở Tuấn Hậu đã gầy dựng được chỗ đứng trên thị trường.

“Từ đầu năm 2020, khi được chương trình hỗ trợ lắp đặt hệ thống chế biến thịt bò một nắng, cơ sở chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều nhân công. Nếu như trước đây làm thủ công, phơi dưới nắng trời cao lắm mỗi ngày chỉ được khoảng 300 kg thịt bò một nắng thì hiện nay sấy bằng điện, mỗi ngày sản xuất 500-600 kg thịt. Chỉ cần tầm 3 tiếng đồng hồ là đã cho ra một mẻ tầm 60 kg thịt bò một nắng như ý”-bà Hậu nói.

Cũng theo bà Hậu, ưu điểm lớn nhất của việc áp dụng công nghệ chế biến thịt bò một nắng bằng hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng điện chính là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Việc cơ giới hóa, tìm kiếm được công nghệ chế biến thực phẩm phù hợp là tiền đề để chúng tôi mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập”-bà Hậu tâm đắc.

Hơn nữa, việc chế biến từ hệ thống này còn giúp sản phẩm thịt bò một nắng của 2 cơ sở được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo sự minh bạch và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là sản phẩm OCOP của địa phương. Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, thông qua việc vận hành 2 mô hình này sẽ đem đến cơ hội và khả năng mở rộng việc chế biến, sản xuất món ăn đặc sản thịt bò một nắng của địa phương trong tương lai.

Cải tạo giống, đẩy mạnh cơ giới hóa

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Krông Pa nhưng xã Uar là điểm sáng trong việc áp dụng giống cây trồng mới, cơ giới hóa nông nghiệp. Ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Xã có 1.018 hộ với 4.986 khẩu (người Jrai chiếm 65%), sinh sống ở 5 thôn, buôn. Toàn xã có khoảng 2.400 ha mì, 1.130 ha điều, 127 ha lúa nước 2 vụ…

“Trước đây, người dân chủ yếu trồng mì, điều và thường ít đầu tư chăm sóc, được chăng, hay chớ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, bà con đã chủ động đầu tư chăm sóc, bón phân, làm cỏ; chú trọng lựa chọn giống mới có năng suất, chất lượng tốt để canh tác. Hiện nay, năng suất mì đạt khoảng 30-50 tấn/ha, tăng 150-200% so với trước đây”-ông Nguyên cho biết.

Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới hóa hiện đại. Ảnh: Lê Hòa
Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới hiện đại. Ảnh: Lê Hòa


Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh đẩy mạnh tái canh, trồng điều ghép thay thế cho điều sẻ, nhiều hộ còn tiến hành ghép cải tạo giống. Nhờ vậy, năng suất điều tăng khá. Một số hộ như ông Hà Ngọc Sáng, ông Trần Văn Bình (cùng thôn An Bình) có 10-20 ha điều, lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Có hộ đã đầu tư máy tách hạt điều, máy rang sấy để chế biến hạt điều rang thành phẩm bán ra thị trường nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã triển khai 35 mô hình, dự án để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Có thể kể đến như mô hình hỗ trợ giống mì: KM419, KM140, HL-S11 (diện tích 355 ha); mô hình chuyển giao cây điều ghép giống PN1, AB29 và AB05-08 (diện tích 499,5 ha); chương trình hỗ trợ chuyển đổi giống lúa mới: LH12, Đài Thơm 8, Hồng Ngọc-Óc Eo, OM7347 (diện tích 212 ha)… Đến nay, năng suất một số cây trồng có tăng trưởng rõ nét như: lúa đạt 46,5 tạ/ha (tăng 3,3 tạ/ha so với năm 2016), mì đạt 22 tấn/ha (tăng 2,25 tấn/ha so với năm 2016)…

Cùng với đó, người dân đã từng bước cơ giới hóa trong hầu hết các khâu sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có khoảng 7.639 máy móc các loại, gồm các chủng loại chính như: máy cày, máy kéo, máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ, máy xay xát chế biến lương thực…

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng: Mặc dù vậy, so với mặt bằng chung của tỉnh, mức độ cơ giới hóa ở Krông Pa vẫn còn chậm. “Nông dân luôn rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật mới để giảm sức lao động, gia tăng hiệu quả sản xuất. Muốn vậy, cần có những hoạt động kết nối với các cơ quan khoa học và nông dân hoặc những mô hình chuyển giao công nghệ mới, cung cấp thông tin và định hướng thường xuyên, kịp thời cho nông dân”-ông Duyên nói.

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.