Nông dân Ia Trok thua lỗ vì rau ngót

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên gần 40 ha rau ngót của nông dân xã Ia Trok (huyện Ia Pa) không có nơi tiêu thụ. Hàng chục hộ dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, nợ nần.

Năm 2018, chị Lê Thị Thúy Hồng (thôn Quý Tân) trồng 3 sào rau ngót. Thời điểm đó, giá bán rau ngót ổn định ở mức 4-5 ngàn đồng/kg. Nhận thấy nguồn lợi từ loài rau này, chị Hồng thuê thêm đất mở rộng diện tích canh tác lên 5 ha. Trung bình khoảng 2 tháng, chị thu hoạch khoảng 100 tấn rau ngót. Cũng từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ nông dân ở xã Ia Trok đã quyết định chuyển sang chuyên canh rau ngót. Theo đó, diện tích rau ngót toàn xã lên gần 40 ha, tập trung ở thôn Quý Tân và Quý Đức. Xã đã thành lập Nông hội trồng rau an toàn với 15 thành viên.

 Hàng chục héc ta rau ngót ở xã Ia Trok (huyện Ia Pa) khó khăn trong tìm đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Phương Vi
Hàng chục héc ta rau ngót ở xã Ia Trok (huyện Ia Pa) khó khăn trong tìm đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Phương Vi


Ngoài TP. Pleiku và Kon Tum thì TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn nhất của vùng trồng rau ngót xã Ia Trok. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, cây rau ngót ở Ia Trok gần như “chết đứng” bởi thị trường tiêu thụ chính bị phong tỏa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Không còn nơi thu mua, gần 40 ha rau ngót quá lứa đã cao cả mét, bắt đầu có hiện tượng xoăn lá.

Chị Hồng chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, 5 ha rau của tôi coi như mất trắng 3 vụ do không xuất đi được. Cắt bỏ bờ thì tiếc mà đợi thì không biết đến bao giờ. Mặc dù chúng tôi cũng nhiều lần kêu gọi các nhóm từ thiện đến cắt gần như cho không để ủng hộ vùng dịch và chỉ cần hỗ trợ công cắt khoảng 1.000 đồng/kg nhưng cũng thực hiện được 1-2 đợt, không đáng kể. Hơn nữa, trong khi giữ vườn rau, tôi vẫn phải duy trì nước tưới, phân bón, công chăm sóc. Tính đến nay, tôi phải chi gần 200 triệu đồng mua phân bón, chưa kể tiền thuê đất 2,5 triệu đồng/sào/năm”.

Cùng cảnh ngộ, gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Quý Đức) cũng điêu đứng vì 2 ha rau ngót không tìm được đầu ra. “Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, giá rau trung bình 4-5 ngàn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 15 ngàn đồng/kg. Thế nhưng năm nay, rau không xuất bán được, gia đình đành phát bỏ để chăm sóc lứa mới. Hiện nay, rau chủ yếu tiêu thụ tại một số tỉnh miền Trung nhưng giá chỉ 1 ngàn đồng/kg. Thương lái cắt mỗi nhà một ít, chưa đến 1 tạ/ngày. Như vậy cũng mừng rồi, còn đỡ hơn là không bán được”-bà Cúc thở dài nói.

Bà Nay HChuyn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Trok-cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị các cấp, các ngành liên quan tìm giải pháp hỗ trợ. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đã nới lỏng giãn cách, các tỉnh miền Trung cũng thu mua nên lượng rau bắt đầu xuất đi trở lại với số lượng cầm chừng. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để bà con khôi phục sản xuất”.

 

 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.