Nông dân Ia Pa loay hoay với bệnh trắng lá mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình bệnh trắng lá mía bùng phát và lây lan nhanh trên đồng ruộng, chính quyền huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo ngành chuyên môn vào cuộc nỗ lực phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tìm biện pháp hạn chế bệnh hại này.

Bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh

Mấy năm gần đây, vùng nguyên liệu mía phía Đông Nam tỉnh phát triển ổn định với diện tích khoảng 12.000 ha. Trong đó, Ia Pa có diện tích mía lớn nhất với gần 7.000 ha, gồm 3.300 ha mía trồng mới và hơn 3.700 ha mía lưu gốc. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, hiện nay, gần như ruộng mía nào cũng tồn tại mầm bệnh trắng lá và tất cả giống mía đang sử dụng trên đồng ruộng đều nhiễm bệnh.

 

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa hướng dẫn nông dân xử lý bệnh trắng lá mía. Ảnh: Đ.P
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa hướng dẫn nông dân xử lý bệnh trắng lá mía. Ảnh: Đ.P

Thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Ia Pa cho thấy, bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ đầu tiên trên địa bàn trong niên vụ 2013-2014 với 131,7 ha. Bước sang niên vụ 2014-2015, bệnh bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm 1.079,7 ha (chiếm gần 17% diện tích mía toàn huyện). Các niên vụ tiếp theo, bệnh trắng lá mía tiếp tục bùng phát; trong đó, niên vụ 2015-2016 có 981,7 ha, niên vụ 2016-2017 có 712,4 ha và niên vụ 2017-2018 có 710,4 ha.

Riêng trong niên vụ mía 2018-2019, đến thời điểm hiện tại đã có 607 ha mía trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh trắng lá, tập trung ở các xã: Pờ Tó 160,1 ha, Chư Răng 231,8 ha, Kim Tân 130 ha, Ia Ma Rơn 54 ha, Ia Kdăm 22,1 ha và Ia Broăi 9 ha. Huyện Ia Pa đang là địa phương chiếm phần lớn diện tích mía bị bệnh trắng lá của tỉnh.

Lâu nay, cây mía đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân ở Ia Pa. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều hộ dân ở đây bị thiệt hại nặng nề vì bệnh trắng lá mía, buộc phải cuốc bỏ một phần diện tích để tiêu hủy, xử lý, thậm chí là cày bỏ toàn bộ ruộng mía của gia đình. Tại xã Chư Răng, nơi có diện tích mía bị bệnh trắng lá lớn nhất huyện, nhiều hộ trồng mía đang lâm vào cảnh khốn đốn, chán nản khi bỏ ra số tiền đầu tư lớn nhưng chưa thu hồi được vốn, nay lại tốn thêm tiền thuê máy cày, thuê nhân công cuốc bỏ…

Ông Chu Đức Quy (xã Chư Răng) đã phải rớt nước mắt khi cày bỏ toàn bộ 7,8 ha mía của gia đình trên cánh đồng Bình Trung 2A. “Ruộng mía của tôi trồng theo kỹ thuật hàng đôi và đang ở chu kỳ năm thứ nhất và thứ hai. Vào thời điểm đạt năng suất cao nhất thì bị nhiễm bệnh trắng lá. Bệnh bùng phát quá nhanh, trong vòng 1 tháng chưa kịp xử lý cuốc bỏ gốc nhiễm theo khuyến cáo của ngành chuyên môn vì diện tích quá lớn thì bệnh đã lan ra cả 7,8 ha. Tôi buộc phải cày bỏ toàn bộ ruộng mía, thiệt hại hơn 700 triệu đồng”-ông Quy xót xa nói.

Tương tự, anh Lâm Thanh Tình (thôn Bình Trung, xã Chư Răng) có hơn 6,2 ha mía ở cánh đồng Bình Trung 2A cũng bị nhiễm bệnh trắng lá hơn 80%, buộc phải cày bỏ  hoàn toàn. “Lúc đầu, ruộng mía của gia đình tôi chỉ bị nhiễm ít thôi, tỷ lệ rất thấp, tôi thuê nhân công cuốc bỏ mất gần chục ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan. Nhưng chỉ sau 1-2 cơn mưa đầu mùa thì thấy ruộng mía trắng xóa. Tốc độ nhiễm bệnh rất nhanh khiến tôi không kịp trở tay”-anh Tình cho biết.

Bệnh trắng lá cũng đang bùng phát mạnh ở cánh đồng mía lớn của nông dân xã Ia Kdăm đe dọa đến sự bền vững của mô hình liên kết sản xuất mía mới được hình thành giữa nông dân với chính quyền và Nhà máy Đường Ayun Pa.

Chưa có giải pháp chữa trị

Trước tốc độ bùng phát của bệnh trắng lá mía, UBND tỉnh đã ráo riết chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai biện pháp phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp đối phó  với tình hình này. Huyện Ia Pa và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp đối phó bệnh trắng lá mía.

Từ đầu niên vụ 2018-2019 đến nay, huyện Ia Pa có 233,8 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá với tỷ lệ hại trên 30%. Diện tích này đã được cày phá bỏ hoàn toàn. Hiện huyện đang tập trung xử lý 373,2 ha mía bị nhiễm bệnh còn lại trên đồng ruộng (trong đó, diện tích nhiễm nhẹ, tỷ lệ hại từ 1% đến 14% là 262,8 ha; nhiễm trung bình, tỷ lệ hại từ 15% đến 30% là 78,1 ha và nhiễm nặng trên 30% là 32,3 ha).

Bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho hay: Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những năm gần đây, nhất là thời điểm có cơn mưa đầu mùa tạo khí hậu nóng ẩm là điều kiện để vi rút Phytoplasma gây bệnh trắng lá mía bùng phát, kết hợp lúc này cây mía đang thời kỳ đẻ nhánh rất mẫn cảm với mầm bệnh. Hiện nay, bệnh trắng lá mía chưa có thuốc đặc trị. Chính vì thế, theo bà Hường, biện pháp khả dĩ là cuốc bỏ những gốc mía bị bệnh để đưa ra khỏi ruộng và tiêu hủy đối với diện tích có tỷ lệ gốc bị nhiễm dưới 30%; cày bỏ, tiêu hủy hoàn toàn ruộng mía với diện tích bị nhiễm trên 30%, sau đó trồng luân canh cây họ đậu 1 năm rồi mới trồng mía trở lại. Khi làm đất phải thực hiện cày trục, cày sâu, áp dụng quy trình trồng mía có tưới nước và sử dụng nguồn mía giống sạch bệnh. Đối với diện tích đất cát pha sét, đất cằn kém dinh dưỡng thì nên chuyển đổi cây trồng khác chứ không nên trồng mía.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn bệnh trắng lá mía đã tồn tại trong tàn dư thực vật, hom giống ở hầu hết các xã trồng mía. Đồng thời, các giống mía đang trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm bệnh trắng lá tạo môi trường cho bệnh lây lan khó kiểm soát. Ngay cả trang trại mía giống của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cũng bị bệnh trắng lá hoành hành.

Vì chưa có thuốc đặc trị nên huyện Ia Pa nói chung và cả vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh  vẫn đang phải loay hoay “sống chung” với bệnh trắng lá mía.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Định vị thương hiệu cà phê Gia Lai bằng chế biến sâu

Định vị thương hiệu cà phê Gia Lai bằng chế biến sâu

(GLO)- Tỉnh Gia Lai có diện tích cà phê lớn, song phần lớn sản lượng xuất khẩu dưới dạng nhân thô, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, doanh nghiệp của tỉnh đang từng bước đầu tư, đẩy mạnh chế biến cà phê rang xay, hòa tan và đặc sản để đưa thương hiệu cà phê Gia Lai vươn xa.

Cảng Quy Nhơn xưa, nay & mai này

Cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng

(GLO)- Với việc hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai (cũ) với Bình Định thành tỉnh Gia Lai, kinh tế biển sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và là ngành mũi nhọn của địa phương. Và, cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng trong khu vực.

Đồng chí Lâm Hải Giang đã tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho UBND và các đơn vị của xã Ia Hrung. Ảnh: Hà Duy

Xã Ia Hrung tiếp tục khai thác dư địa để thu hút đầu tư

(GLO)- Tiếp tục khai thác dư địa để thu hút đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang triển khai trên địa bàn xã là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Lâm Hải Giang tại buổi làm việc với Đảng uỷ, chính quyền xã Ia Hrung vào chiều 11-7.

Sâm khỏe Kbang cần được bảo tồn và khai thác có hiệu quả

Sâm khỏe Kbang

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

Chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi

(GLO)- Dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại phường An Nhơn Đông (tỉnh Gia Lai) buộc chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy hơn 200 con heo nhiễm bệnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh đang hiện hữu khi thời tiết diễn biến thất thường, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn.

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

(GLO)- Sau nhiều năm tìm kế mưu sinh khắp nơi, anh Dương Văn Thiết (SN 1976, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai) đã chọn vùng biên viễn làm bến đỗ cho gia đình nhỏ. Không chỉ phát triển chăn nuôi, anh đã mạnh dạn khởi nghiệp với cây dừa xiêm-giống cây mới hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định.

Cú hích cho nông sản Gia Lai

Cú hích cho nông sản Gia Lai

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, 5 sản phẩm đến từ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đều đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây có thể coi là thành tích chưa từng có tiền lệ.

null