Nông dân Đak Đoa và Chư Sê thu nhập cao từ trồng khoai tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2020, Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Food Việt Nam triển khai trồng thử nghiệm khoai tây tại huyện Đak Đoa và Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Qua thu hoạch cho kết quả tích cực với năng suất bình quân đạt 26 tấn/ha, có nơi đạt 32 tấn/ha giúp người dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.
Cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Thảo (thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cùng em trai thuê 8 ha đất cao su mới tái canh của Nông trường Bờ Ngoong (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) để liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Food Việt Nam trồng khoai tây.
Ông Thảo cho hay: Đầu tư mỗi héc ta trồng khoai tây khoảng 125 triệu đồng. Trong đó, giống và phân bón được Công ty hỗ trợ đến khi thu hoạch mới trả. Sau thời gian gần 4 tháng vườn khoai tây cho thu hoạch với năng suất đạt 27-30 tấn/ha. Hiện Công ty Pepsico Food thu mua với giá 8.200 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lời được hơn 100 triệu đồng/ha. Vụ tới, anh em tôi tiếp tục liên kết với Công ty để mở rộng thêm diện tích.
Người dân huyện Chư Sê thu hoạch khoai tây. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Chư Sê có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/vụ khoai tây. Ảnh: Lê Nam
Tương tự, gia đình ông Trịnh Ảnh (thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong) cũng đang tất bật thu hoạch khoai tây để cung ứng cho Công ty Pepsico Food. Ông Ảnh cho biết: “Đây là vụ thứ 2 tôi liên kết với Công ty Pepsico Food để trồng khoai tây. Vụ trước mới trồng thử nghiệm 7 ha và năng suất đạt 30 tấn/ha. Vụ này tôi cũng làm 7 ha và năng suất dự kiến được 32-33 tấn/ha. Với giá bao tiêu sản phẩm của Công ty thì sau khi trừ chi phí chúng tôi có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha”.
Sau thành công về phát triển vùng nguyên liệu khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng và Đak Lak, năm 2020 Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Food Việt Nam tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu sang tỉnh Gia Lai. Theo đó, Công ty đã trồng thử nghiệm 36 ha tại huyện Đak Đoa (10 ha) và Chư Sê (26 ha).
Qua một thời gian trồng thử nghiệm đã đạt được những kết quả tích cực. Giống khoai tây FL2215 sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất bình quân đạt 26 tấn/ha, có nơi đạt trên 32 tấn/ha. Hiện nay, Công ty ký hợp đồng với người dân theo giá thỏa thuận, cung cấp giống, phân và hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn và bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Hạng-cán bộ phụ trách nghiên cứu và phát triển nông học (Công ty Thực phẩm Pepsico Food Việt Nam)-cho biết: Năm 2020, Công ty đã đưa vào trồng thử nghiệm khoai tây tại Gia Lai. Bước đầu cho thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, có nhiều tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và ký hợp đồng trực tiếp với người dân về sản xuất.
“Công ty sẽ thỏa thuận với người dân về giá thu mua ngay từ đầu vụ và có bảng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đầu tư giống, phân bón (trừ lại tiền tạm ứng sau khi thu hoạch) và bao tiêu toàn bộ sản phẩm”-ông Hạng cho hay.
Người dân huyện Chư Sê thu hoạch khoai tây. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Chư Sê thu hoạch khoai tây. Ảnh: Lê Nam
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Qua đánh giá sơ bộ trồng khoai tây vừa qua cho thấy, nơi thấp nhất thì năng suất cũng được hơn 20 tấn/ha, còn cao nhất đạt 33-34 tấn/ha. Mô hình này là thành công bước đầu của sự hợp tác giữa ngành Nông nghiệp tỉnh với Công ty Pepsico Food Việt Nam. Thời gian tới, 2 bên sẽ tiếp tục có những chương trình hợp tác trên tinh thần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây.
“Với khí hậu, thổ nhưỡng ở Gia Lai có thể trồng được 3 vụ/năm, đó là điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất cung ứng nguyên liệu cho nhà máy quanh năm. Ngoài 2 địa phương Chư Sê và Đak Đoa, chúng tôi sẽ cùng với Pepsico Food khảo sát thêm một số vùng ở huyện Kbang để mở rộng diện tích trồng khoai tây”-ông Nghĩa cho hay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm: “Đây là mô hình rất thành công và là cơ hội cho người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế. Định hướng mở rộng dự án trồng khoai tây sản lượng cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cũng hoàn toàn phù hợp với Đề án về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh ta đã định hướng quy hoạch hơn 100.000 ha để phát triển rau, hoa, quả trên địa bàn. Qua đó, từng bước biến Gia Lai thành trung tâm rau, hoa, quả lớn của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung”.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.