Nông dân An Thành thu nhập khá từ nhãn trái vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong vòng 5-6 năm trở lại đây, một số nông dân xã An Thành (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng mía sang cây ăn quả, đặc biệt là trồng nhãn trái vụ để tăng thu nhập. Bước vào 2 tháng cuối năm 2020, một số diện tích nhãn đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến mùa nhãn trái vụ kéo dài từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3 năm sau.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Minh (thôn 5) tận dụng 2,5 sào đất gần ao để trồng 60 cây nhãn Hương Chi. Trong thời gian chờ cây lớn, ông Minh tận dụng nền đất trồng xen cây sả chanh vừa để khai thác tinh dầu, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đến năm 2019, vườn nhãn cho thu hoạch với sản lượng 1,5-1,8 tấn/60 cây, giá bán tại vườn đạt 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu về khoảng 40 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Minh bộc bạch: “Nhãn thuộc dòng cây lâu năm. Khi trồng được 5-6 năm mới bắt đầu khai thác, lúc này sản lượng và chất lượng quả mới ổn định. Bình quân mỗi cây thu hoạch 30-40 kg quả. Với giá cả thị trường hiện nay thì trồng nhãn có lợi nhuận tốt hơn trồng mía”.

Năm 2020, vì điều kiện thời tiết không thuận lợi nên 1/2 diện tích nhãn Hương Chi của ông Minh khai thác chính vụ vào tháng 7, tháng 8. Diện tích còn lại được ông áp dụng kỹ thuật dưỡng cây, đậu quả để có thể khai thác trái vụ vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Nếu thời tiết thuận lợi thì trồng nhãn trái vụ đạt lợi nhuận cao hơn hẳn nhãn chính vụ. Thời điểm cận Tết, giá thu mua có thể đạt 40 ngàn đồng/kg nếu quả to đạt chuẩn. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư trồng thêm nhãn vì còn dư khoảng 5-6 sào đất”-ông Minh chia sẻ thêm.  

 Anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) bên vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Sơn Ca
Anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) bên vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Sơn Ca


Năm 2015, anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5) cũng đã chuyển đổi một phần đất trồng mía sang trồng nhãn. Lựa chọn vùng đất có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, anh Nghị trồng thử vài chục cây trong năm đầu tiên, các năm sau tiếp tục trồng và nhân rộng thành 300 cây trên diện tích 7 sào. Đối với cây giống, anh Nghị lựa chọn giống Hương Chi và T6 bởi cho quả đẹp, hạt nhỏ, cơm dày và khô ráo, mùi vị thơm ngọt đặc trưng. Tương tự các loại cây trồng lâu năm khác, chi phí đầu tư ban đầu cho cây nhãn ước tính khoảng 600 ngàn đồng/cây/năm. Do đó, anh Nghị trồng xen và khai thác nguồn thu từ chuối tiêu hồng, dừa xiêm để có nguồn vốn tái đầu tư cho vườn nhãn trong 4-5 năm đầu.

“Năm 2019, tôi thu hoạch được khoảng 1,8 tấn nhãn trái vụ đợt đầu tiên với giá bán tại vườn xấp xỉ 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Nếu tính toán cụ thể thì 77 cây nhãn trên 1,3 sào đất mà lợi nhuận như này là cao hơn mấy lần so với trồng mía”-anh Nghị khẳng định.

Từ kinh nghiệm thực tế mùa nhãn trái vụ đầu tiên, anh Nghị đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm 600 cây trên diện tích 1,6 ha đất đồi. Đối với vườn cây đã bước vào thời kỳ kinh doanh, trong 2 tháng còn lại của năm 2020, anh Nghị áp dụng khoa học kỹ thuật để nhãn cho thu hoạch trái vụ vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch.      

Xã An Thành hiện có khoảng 15 ha nhãn thuộc 13 hộ, trong đó có 5 ha đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Từ thực tế năm 2019 cho thấy, người trồng nhãn không phải lo lắng về đầu ra và giá cả. Bước vào chính vụ, thương lái đến tại vườn thỏa thuận giá và đặt lịch thu hoạch. Tùy theo thời điểm trong năm, giá nhãn Hương Chi có thể đạt tới 35 ngàn đồng/kg, giá nhãn T6 lên tới 45 ngàn đồng/kg. Hầu hết nhãn An Thành được thu mua và xuất đi các tỉnh, thành lân cận.

Ông Trương Công Hạnh-Chủ tịch UBND xã An Thành-đánh giá: “Trong các loại cây ăn quả hiện nay, cây nhãn rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương nên sản lượng đạt 30-40 kg/cây. Đối với nhãn trái vụ, một số hộ đang bước vào khai thác và kéo dài qua Tết Nguyên đán. Một số vườn khác do ảnh hưởng mưa bão nên khả năng khai thác muộn hơn”.

Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xã An Thành đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 40 ha. Trong năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt 35 ha. Với mong muốn đa dạng hóa nguồn thu cho nông dân, xã đang định hướng phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tư vấn, hỗ trợ bà con giải quyết khó khăn về nguồn nước bằng cách lựa chọn vùng đất có điều kiện về nước tưới để trồng nhãn hoặc chủ động múc ao hồ, áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm đối với vùng không thuận lợi về nguồn nước.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.