(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở thị xã An Khê, Gia Lai có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Mô hình nuôi cá chình bông sạch trong bể xi măng của gia đình ông Đặng Phùng Minh (tổ 6, phường Ngô Mây) là một điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của thị xã An Khê. Qua thời gian nghiên cứu quy trình nuôi cá và tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, ông Minh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 hồ nuôi cá chình bông, 5 hồ nuôi cá lóc và 1 ao nuôi cá lóc, cá rô với tổng diện tích trên 2.300 m2.
Nhiều nông dân An Khê đang thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: T.H |
Để khép kín quy trình nuôi và tiêu thụ sản phẩm, ông Minh đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thái Bảo Gia Lai chuyên bán sản phẩm cá sạch tại thị xã An Khê. Mỗi ngày, cơ sở của ông xuất ra thị trường trên 60 kg cá các loại, thu trên 10 triệu đồng. Ông Minh cho biết: “Nhờ anh em, bạn bè góp ý nên tôi đã thành công với mô hình nuôi cá chình bông và cá lóc. Ngày nay, thực phẩm sạch là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Vì vậy, tôi tự chế biến thức ăn cho cá cũng như các chế phẩm sinh học để có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường”.
Song song với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi theo mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân thị xã An Khê đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, thành lập các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nhằm hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm tạo điều kiện cho nông dân nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình là Câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Song An” được thành lập đầu năm 2011 với nhiệm vụ chính là đầu tư vật tư nông nghiệp cũng như giống cây trồng, vật nuôi cho các thành viên theo hình thức đầu tư trả chậm kết hợp hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Câu lạc bộ đã trở thành điểm đến quen thuộc để các hội viên nông dân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong cuộc sống, sinh hoạt.
Hội Nông dân thị xã An Khê hiện có 89 chi hội và 168 tổ hội với hơn 6.200 hội viên. Trong đó, có gần 3.300 hộ gia đình hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mới như: trồng cây quýt đường; nuôi cá chình, cá lóc sạch; chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học; trang trại VACR… cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Hội Nông dân thị xã đã tín chấp với các ngân hàng giải ngân vốn vay trên 100 tỷ đồng tạo điều kiện cho hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; cho 146 hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ “Quỹ Hỗ trợ nông dân” với số tiền trên 500 triệu đồng. Trong năm 2018, thị xã An Khê phấn đấu có 3.800 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả.
Ông Mang Viên Tý-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê, cho biết: “Trong năm 2018, Hội Nông dân thị xã An Khê tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện 12 tiêu chí của Trung ương Hội Nông dân, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ”.
Thế Huynh