Nóng chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng lại một lần nữa “nóng” lên khi các cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Mức tăng, thời điểm áp dụng cần tính toán để đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Công nhân tại nhà trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh

Công nhân tại nhà trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh

Doanh nghiệp gặp khó, lao động bí bách

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, tăng lương tối thiểu là quy định đã được thực hiện nhiều năm. Dù công đoàn chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu đơn hàng nhưng cuộc sống của người lao động cũng rất bí bách khi việc làm bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ông Hiểu bày tỏ “rất tiếc khi tới thời điểm này, Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố mức sống tối thiểu hàng năm” để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị chính sách tiền lương, theo quy định Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018. Vì thế, các thành viên tổ kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn phải áp dụng phương pháp cũ để xác định mức lương tối thiểu dù không còn thực sự hợp lý.

Cụ thể, nhiều năm qua, mức sống tối thiểu hàng tháng của người lao động gồm chi phí dành cho lương thực, thực phẩm và nhóm phi lương thực gồm quần áo, giải trí, đi lại; nuôi con nhỏ; nhà ở và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tỉ lệ của nhóm chi phí dành cho nhóm lương thực là 48% và phi lương thực là 52%; chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% người lớn.

Khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cuối năm 2022 cho kết quả gần 59% công nhân không có khoản tích lũy và thu nhập giảm còn 5,9 triệu đồng do ảnh hưởng của cắt giảm việc làm. Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu đồng/ tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu. Tuy nhiên, mức sống này được khảo sát vào thời điểm giá điện, xăng, nước chưa tăng.

Tính toán trên nhiều khía cạnh

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhìn nhận, nguyện vọng và mong muốn của người lao động về việc tăng lương là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cũng cần phải cân, đong, đo, đếm tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện tại, doanh nghiệp rất khó khăn, khi vừa phục hồi thì lại tiếp tục gặp khó do tình hình biến động của thị trường trong nước cũng như trên thế giới. Nhiều đơn hàng cũ bị hủy, đơn hàng mới chưa có; việc này xuất hiện nhiều trong các doanh nghiệp thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, thủy sản... Do đó, doanh nghiệp sẽ phải điều tiết lại, thậm chí cắt giảm việc làm, cho lao động nghỉ luân phiên.

Phó Chủ tịch VCCI cũng thông tin, sắp tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp trao đổi chi tiết và có những khuyến nghị cụ thể để có được quyết sách phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. “Trước mắt là duy trì được hoạt động cho doanh nghiệp tức là người lao động sẽ có việc làm. Chúng tôi cũng đang thực hiện khảo sát với doanh nghiệp và người lao động trước khi đưa ra kiến nghị vào tháng 8 tới đây” - ông Hoàng Quang Phòng nói thêm.

Trả lời Lao Động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho rằng, hiện cần đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38 thực hiện từ ngày 1.7.2022 có tác động thế nào đến đời sống người lao động.

Theo ông Huân, điều quan trọng nhất là tăng lương ở doanh nghiệp thì gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thị trường lao động giữa cung và cầu; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tính đến bối cảnh thị trường lao động trong nửa đầu năm 2023 khi có hơn 500.000 người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, các doanh nghiệp cũng đang gặp thách thức lớn.

“Cần tính khía cạnh của thị trường, doanh nghiệp, quan điểm của Nhà nước để từ đó xem xét việc có tăng lương tối thiểu vùng hay không?”-ông Huân lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.