Hoài niệm làng nghề
Trong hành trình hình thành đô thị Phú Bổn cũ (nay là thị xã Ayun Pa), xóm Hảo Đức (hiện thuộc tổ 5, phường Sông Bờ) là một trong những khu dân cư lâu đời nhất. Và từ hàng chục năm về trước, nơi đây đã được biết đến như một làng nghề trứ danh với truyền thống làm bánh tráng.
Xóm Hảo Đức đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của nghề làm bánh tráng qua nhiều thế hệ. Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Lan (56 tuổi) là một trong những hộ có thâm niên lâu đời nhất trong nghề làm bánh tráng ở Hảo Đức. Từ thuở bà còn bé, ông bà của bà Lan đã làm nghề này. Sau đó mẹ bà tiếp tục giữ lửa với nghề bánh tráng và bà là người nối tiếp truyền thống gia đình.
“Tôi không nhớ rõ là từ năm nào nhưng khi ông bà tôi từ Bình Định lên lập nghiệp ở vùng Phú Bổn này khi trước giải phóng đã mang theo nghề làm bánh tráng. Ngày ngày, chúng tôi quây quần bên gian bếp lửa rồi phụ ông bà, cha mẹ làm bánh. Cứ thế chúng tôi lớn lên bên khói bếp, với những chiếc bánh nóng hổi rồi đem phơi giữa cái nắng như đổ lửa. Hồi đó xung quanh đây có khoảng hơn chục hộ, nhà nào cũng làm bánh tráng, nên mỗi buổi chiều phơi bánh trắng cả một vùng”-bà Lan bồi hồi.
Bà Lan ngồi nướng từng cái bánh tráng vàng ươm bên bếp lửa hồng. Ảnh: Bích Ngọc |
Theo bà Lan, trong mỗi chiếc bánh tráng được làm hoàn toàn bằng thủ công nơi đây, người thợ làm nghề gửi gắm toàn bộ bí quyết được truyền thừa từ đời trước. Những công thức đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ như việc nêm nếm đủ gia vị, kết hợp giữa dừa, hành, ớt, mè… cùng lượng bột gạo, nước phù hợp đã tạo nên hương vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Điều đặc biệt là 100% nguyên liệu đều được lấy từ chính vùng đất Ayun Pa, mang lại cho chiếc bánh tráng một hương vị nguyên bản.
Bà Lê Thị Ngọc Yến (55 tuổi)-một lão niên trong nghề thổ lộ: Một trong những thứ mang đến thương hiệu cho bánh tráng Hảo Đức chính là nhờ nguyên liệu của vùng thung lũng ngã ba sông này. Từ gạo, dừa, mè đều do người nông dân địa phương làm ra. Bởi vậy, bánh tráng Hảo Đức đã trở thành món quà quê dân dã mang đậm phong vị gây thương nhớ cho những người thưởng thức.
Bà Yến hồ hởi: “Bánh tráng ở Hảo Đức được cung cấp không chỉ ở vùng lân cận như Phú Thiện, Krông Pa, Chư Sê… mà còn đi khắp nơi trong tỉnh. Ngay cả ở tỉnh Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh chúng tôi cũng có bạn hàng. Có rất nhiều người trước kia ở vùng Phú Bổn này ăn bánh tráng của Hảo Đức rồi khi chuyển đi nơi khác thì nhớ mãi hương vị này nên thường xuyên đặt hàng chúng tôi gửi đi khắp cả nước. Nhiều người thậm chí còn đóng gói gửi sang các nước Mỹ, Úc, Đức… để làm quà quê”.
Bà Yến cẩn thận phơi từng tấm liếp bánh tráng của mình. Ảnh: Bích Ngọc |
Anh Nguyễn Mạnh Hà (phường Ia Kring, TP. Pleiku) thổ lộ: “Có một lần đến thị xã Ayun Pa được nếm thử bánh tráng của xóm Hảo Đức tôi nhớ mãi nên lân la hỏi đặt mua cho xe đò gửi lên. Lâu lâu có bạn bè ở nơi khác tới chơi, tôi lại biếu làm quà, vừa bánh tráng nhúng vừa bánh tráng nướng ai cũng tấm tắc khen ngon. Thậm chí ăn bánh tráng Hảo Đức rồi thì ăn bánh tráng nơi khác lại không thấy được vị thơm ngon nữa”.
Nỗi niềm bên bếp lửa hồng
Đã từng có một thời huy hoàng, song hiện tại, nhiều bếp than của các hộ dân làm bánh tráng ở Hảo Đức đã không còn đỏ lửa. Từ con số hơn 10 hộ làm bánh tráng thì hiện tại con số này còn chưa đạt đến phân nửa. Theo bà Lan, sự mai một này phần lớn đến từ việc giá trị kinh tế mà nghề làm bánh tráng mang lại không cao như thuở trước. Làm việc cực nhọc, vất vả nhưng thu nhập không đáng kể khiến nhiều người đã bỏ bếp lửa, bỏ những liếp bánh tráng để đi tìm công việc khác.
Bà Lan chia sẻ: Từ khoảng 20 giờ mỗi ngày, bà đã đã bắt đầu pha bột rồi tráng bánh. Bà cùng một người chị trong gia đình miệt mài suốt đêm để đổ hàng trăm chiếc bánh tráng dừa ướp gia vị. Mỗi đêm, lò bánh gia đình bà Lan sản xuất khoảng 500 chiếc. Một phần sẽ được chuyển đi các mối hàng ở những địa phương khác, số bánh còn lại sẽ được bà tự nướng bên bếp than rồi bỏ cho các hàng quán tại thị xã Ayun Pa và các huyện lân cận.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (42 tuổi) người em kề của bà Lan, hai chị em thường xuyên thay phiên nhau tráng bánh. Ảnh: Bích Ngọc |
“Tôi phải làm xuyên đêm vì để sáng ra có bánh để phơi cho kịp nắng. Đến trưa khi bánh khô thì mang đi nướng để chiều giao cho khách. Bánh mới phơi xong nướng ăn là ngon nhất nên chúng tôi phải chấp nhận vất vả. Khi nướng cũng phải cẩn thận lật liên tục để bánh chín vàng đều, không được để cháy đen vì như thế hàng quán họ không nhận coi như bỏ.
Nghĩ thì cũng cực thật đấy nhưng nó là cái nghề gắn bó với mình từ khi mới lọt lòng, nhờ nó mà nuôi nấng con cái, giờ không làm lại thấy nhớ. Bởi vậy mà lũ trẻ tụi nó đâu có theo nghề được. Sau này, khi chúng tôi yếu đi không còn làm được nữa chắc cũng sẽ phải đóng cửa lò bánh mà thôi…”-bà Lan trải lòng.
Nói rồi, bà nhìn chồng bánh tráng đang phơi trước sân nhà với ánh mắt hoang hoải. Trên gương mặt lấm lem vệt than củi của bà Lan không giấu được nỗi âu lo khi làng nghề có nguy cơ thất truyền. Bà luôn trăn trở với câu hỏi liệu rằng sẽ có ai tiếp tục công việc này khi bản thân không còn sức lực để làm nữa. Với bà, có lẽ làm bánh tráng không chỉ là một nghề, mà còn là tâm huyết, là di sản của ông bà để lại…
Còn với bà Yến, người phụ nữ có vóc dáng gầy guộc cũng thừa nhận đã yêu cái nghề này mà không thể rời xa bếp lửa. Từ tờ mờ sáng khi mặt trời còn chưa ló rạng, bà đã lọ mọ dậy để tráng bánh. Mỗi ngày, lò của bà tráng khoảng 300 chiếc bánh các loại và đều được nhập đi hết trong ngày, không còn bánh tồn kho. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên bà phải làm không ngơi tay ngày này qua tháng khác.
Bà Yến bộc bạch: “Cái nghề này là phải ngồi cả ngày bên bếp lửa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khó nhọc vô cùng. Nói để làm giàu từ nghề thì không có, nhưng ít nhất cũng cho mình có nguồn thu nhập đều đặn để trang trải cuộc sống. Chồng con tôi làm kinh tế cũng tương đối ổn định nên cứ nói tôi không làm bánh tráng nữa để có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng hôm nào mà không được ngồi tráng bánh, tôi lại bứt rứt khó chịu. Ở xóm này không biết bao người đã phải bỏ nghề rồi, hiện tại chỉ còn 3-4 nhà bám trụ thôi”.
Clip: Quy trình làm bánh tráng của làng nghề Hảo Đức. Thực hiện: Bích Ngọc |
Cũng theo bà Yến, bà sẵn sàng dạy miễn phí cho ai có nhu cầu mong muốn được truyền nghề. Song trong hàng chục năm qua, bà chỉ mới có một học trò duy nhất. “Làm bánh tráng phải có tâm huyết, có đam mê chứ mong vào nó để làm giàu thì khó lắm nên rất kén người. Nghề này muốn thạo việc cũng nhanh chỉ khoảng 1 tháng, nhưng để làm ra những chiếc bánh thơm ngon nhất thì cần có bí quyết riêng và sự trải nghiệm. Tôi cũng mong có ai đó đến xin học để tôi truyền lại những kinh nghiệm của bản thân và giữ được nét đẹp của làng nghề bánh tráng Hảo Đức”-bà Yến thổ lộ.
Bà Ksor H’Khuyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa: “Hảo Đức trước kia là một làng nghề bánh tráng nổi tiếng, và có rất nhiều lò bánh tại đây. Nhưng giờ vì giá trị kinh tế không còn cao, nên còn ít hộ làm. Chúng tôi sẽ nỗ lực quảng bá về sản phẩm bánh tráng độc đáo, thơm ngon của Hảo Đức đến với thực khách tứ phương, từ đó mong rằng sản phẩm sẽ mang lại giá trị cao hơn và người dân sẽ gìn giữ được làng nghề ủng hộ người dân nơi đây quay trở lại với nghề truyền thống”.