Về phố biển 'đu trend' cuốn mực tươi rau muống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bánh tráng mỏng, con mực tươi căng, vài cọng rau muống, cuộn lại. Món ăn dân dã của người dân xứ biển miền Trung bỗng một ngày thành cơn sốt trên mạng xã hội đến tận bàn ăn. Từng nhà, từng du khách đến Đà Nẵng đua nhau ăn mực cuốn rau muống khiến những phiên chợ, tàu thuyền bán mực đã tay.

Từ TikTok đến bàn ăn

Anh Nguyễn Tuấn (39 tuổi, quận Liên Chiểu), chủ một nhà hàng kể hơn một tháng nay, món ăn bán chạy nhất trong quán là mực cuốn rau muống bánh tráng, cứ mười người vào quán thì hết bảy, tám người gọi món này.

Trước đây quán chỉ có mực hấp ăn kèm với rau thơm, xoài xanh, dưa leo, nhưng giờ khách không gọi nữa.

“Nếu gọi mực, họ sẽ hỏi có mực cuốn rau muống theo trend không? Vì tươi ngon mà giá mỗi phần chỉ hơn trăm ngàn nên rất dễ ăn. Mỗi ngày quán nhập cả chục kg mực phục vụ thực khách”, anh nói.

Mực cuốn rau muống, món ăn gây bão.
Mực cuốn rau muống, món ăn gây bão.

Dọc dãy quán ăn, nhà hàng hải sản ven biển Đà Nẵng, đặc biệt khu vực biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hầu như quán nào cũng có món ăn gây sốt này. Nhiều chủ quán bất ngờ vì món không lạ, cũng chẳng cầu kỳ nhưng làm mưa làm gió, không ít hôm phải xin lỗi khách vì thiếu ngược thiếu xuôi.

Mực cuốn bánh tráng rau muống, tên món ra sao thì nguyên liệu y vậy. Chỉ cần ra chợ lựa một mớ mực thật tươi, da mực còn lấp lánh. Mực trứng, mực cơm hay mực ống đều được, nhưng đừng quá to, chọn loại to dài bằng ngón tay là vừa đẹp. Thêm rau muống cạn, xấp bánh tráng mè đen, ít gừng, ớt, tỏi làm nước chấm. Mực đem về chỉ cần rửa sơ qua để ráo.

Dân biển mách nước mực tươi óng chẳng cần làm túi, cứ để vậy ăn mới ngọt và đúng nghĩa mực. Nước luộc mực thả vào ít sả, gừng, đầu hành cho thơm, lúc sôi bùng lên thật mạnh thì cho mực vào, chớ đụng đũa sẽ làm trầy da. Đợi nước sôi lại đợt nữa, chín mực là vớt ra ngay. Cũng có người không luộc mà đem hấp để giữ nguyên độ ngọt của mực. Chỉ thế thôi là xong phần nấu nướng.

Mực để cuốn rau muống phải chọn loại thật tươi, da còn nhấp nháy.
Mực để cuốn rau muống phải chọn loại thật tươi, da còn nhấp nháy.

Nấu dễ, mà ăn cũng chẳng cần chỉ bày. Bánh tráng đem nhúng nước cho mềm rồi bỏ rau muống, mực vào cuộn lại, chấm nước mắm gừng là ăn thôi. Món này sẽ tuyệt hơn khi chấm với nước mắm truyền thống do bà con vùng biển làm. Mùi mắm nồng đậm, độ mặn cao, ăn vào tê đầu lưỡi rất đã.

“Tôi nghe món này đã lâu, ở nhà làm thử nhưng không ngon vì chỉ có mực đông lạnh. Lần này xuống phố biển ăn, nhìn đĩa mực tươi căng tròn, vừa đã mắt vừa ngon miệng, đúng mỹ vị nhân gian”, anh Kim Tài (27 tuổi, Đắk Lắk) hài hước.

Không chỉ quán xá, nhà nhà ở Đà Nẵng đua nhau ăn mực tươi rau muống. Chị Thu Ngọc (quận Hải Châu) cùng chồng buổi sớm mai tắm biển xong đã chạy dọc tuyến đường Hoàng Sa tìm cho bằng được mực nháy để…đu trend.

Chị nhớ hồi nhỏ, mẹ cũng từng cho chị ăn món này nhưng không ấn tượng lắm, chẳng hiểu sao nay lại nổi lên, gây bão. Chị đoán có lẽ thời buổi thực phẩm có quá nhiều lo ngại, lừa dối khiến những món ăn tươi ngon, mắt thấy tay chọn lên ngôi.

“Chỉ cần khoảng 200.000 đồng là cả nhà có bữa mực cuốn. Bây giờ ăn lại thấy ngon lạ thường, cảm nhận được vị thơm ngọt của mực, giòn tươi của rau muống. Nhà tôi có tuần ăn tới ba, bốn bữa. Cả xóm mỗi lần tụ tập cũng không thiếu món này”, chị cười.

Những mẻ mực tươi ngon được bán ngay trên bờ biển Mân Thái, quận Sơn Trà.
Những mẻ mực tươi ngon được bán ngay trên bờ biển Mân Thái, quận Sơn Trà.

Còn trên Facebook, Tik Tok… chỉ cần gõ cụm từ: mực nháy cuốn rau muống, hàng loạt video hiện ra bắt mắt. Dân mạng quay cả quá trình đi chợ, chọn mua, chế biến rồi thưởng thức.

Nhìn những con mực dưới nắng sớm chớp nháy liên tục hệt quả cầu disco, khi luộc xong múp rụp, ai mà cưỡng cho nổi cơn thèm. Nhiều chiến thần review còn mách thêm vài cách để ăn món này cuốn hơn như kèm với cơm dừa, xoài non, lá lốt, chấm muối ớt xanh…

Nâng tầm sản vật địa phương

Ở Đà Nẵng, có một khu chợ hải sản mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng nên đến một lần. Đó là chợ cá Mân Thái ở ven biển quận Sơn Trà, họp từ 3h sáng. Những ghe, thuyền, thúng của ngư dân đánh bắt gần bờ sẽ quy tụ về đây, bán ngay trên biển. Vì tàu đi một đêm rồi về nên hải sản ở chợ này cực kỳ tươi ngon, có thể ví von vừa vớt dưới biển lên là cho vào nồi.

Từ ngày món mực cuốn rau muống lên ngôi, phiên chợ từ mờ sáng lại càng đông khách. Những mẻ mực vừa soạn ra cái mẹt tre chưa kịp mời đã có người chốt. Mực ở phiên chợ này không cần chọn lựa quá nhiều, vì hàng nào cũng toàn mực nháy, cầm con mực cứng ngắc, dính cả tay.

Bà con ngư dân kể chưa năm nào bán mực đã tay như năm nay, giá lại còn cao nữa. Loại mực người dân chuộng mua về cuốn có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Những hôm biển động khan mực thì loại nhỏ hơn cũng được mua sạch. Nhưng không phải hôm nào cũng có mực để bán lẻ vì các hàng quán đã đặt trước cho tàu.

“Tàu nhà tôi đi bao nhiêu về họ lấy hết bấy nhiêu, không cần lựa mực to nhỏ, miễn có thôi. Mỗi tháng tàu chỉ nghỉ ngày rằm và mồng một, còn từ ra Tết đến nay đi đều đều, mực được giá phải tranh thủ kiếm thêm”, ông Võ Hùng (quận Sơn Trà) chia sẻ.

“Để có con mực tươi óng ánh trên tay, ngư dân phải lên thuyền xuyên đêm, vật lộn với sóng gió, nguy hiểm giữa biển cả. Thành thử khi món mực tươi cuốn rau muống được ưa chuộng, giá mực tăng lên xứng đáng với công sức bỏ ra, ngư dân cũng thấy ấm lòng”. Anh Trần Kha (quận Sơn Trà)

Nhà chị Thúy Hạnh (31 tuổi, quận Sơn Trà) cũng có tàu đi biển nhưng chỉ bán hải sản online. Tàu nhà chị đi gần bờ, mỗi chuyến chỉ được một vài chục ký mực, có hôm tàu chưa nhổ neo khách đã đặt trước đến cháy hàng. Chị phấn khởi kể. Nhiều bữa chụp ảnh mẻ mực óng ánh đăng lên trang cá nhân, chưa kịp báo giá là khách đã vào xí phần.

Bán hàng nhiều năm, chị Hạnh kinh nghiệm, mực càng tươi khách càng chịu chi mạnh, xu hướng của người dân bây giờ là ăn ngon, chất lượng chứ không cần số lượng nên dẫu có đắt tí cũng không sao.

“Bán được mực vừa mừng vừa vui vì món ăn dân dã vùng biển nay được nhiều người ưa chuộng. Thay vì ăn những loại hải sản đắt tiền, nhập từ các nước về, người dân và du khách đã tìm đến sản vật địa phương. Đó là động lực để ngư dân bám biển, có thêm thu nhập ổn định cuộc sống”, chị trải lòng.

Là người sinh ra và lớn lên ở vùng biển, ông Huỳnh Văn Mười (58 tuổi, phường Mân Thái) thuộc nằm lòng những món ăn của người dân bên chân sóng. Ông không giấu được niềm vui khi món mực cuốn rau muống lại lên hương đến bất ngờ.

Mỗi sớm ra chợ, nhìn người dân, du khách chen chúc mua những mớ mực tươi ngon, ông mừng thầm rằng phải vậy, đến xứ biển nào phải ăn sản vật của biển đó. Cá mực tươi sống, không cấp đông, rõ nguồn gốc, còn gì bằng nữa! Mà đâu chỉ là thưởng thức món ăn, du khách còn biết thêm văn hoá, đặc trưng bản địa.

“Đó chính là thỏi nam châm thu hút khách du lịch. Càng đông du khách thì kinh tế của bà con ngày càng tốt hơn, vì thế nên phải gìn giữ, quảng bá những món ngon, sản vật địa phương hơn nữa”, ông Mười nhìn nhận.

Theo THANH HIỀN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hàng ngày, bà Phạm Thị Tâm vẫn gắn bó với gánh tàu hũ. Ảnh: L.G

Gánh tàu hũ xuyên thế kỷ ở phố núi

(GLO)- Trong ký ức của nhiều thế hệ người dân phố núi, gánh tàu hũ của bà Phạm Thị Tâm (SN 1952, tổ 2, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, thường được gọi là bà Năm tàu hũ) gắn liền với tuổi thơ cơ cực. 

40 năm qua, bà Huỳnh Thị Tỉnh (tổ 2, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) vẫn sử dụng lò tráng mì Quảng thủ công giúp sợi mì dai, thơm ngon. Ảnh: V.C

Giữ hương vị mì Quảng truyền thống trên quê hương thứ 2

(GLO)- Với 40 năm gắn bó với nghề làm mì Quảng, gia đình bà Huỳnh Thị Tỉnh (tổ 2, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn sử dụng lò tráng mì thủ công. Với bà, đây là cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống từ ông bà để lại, đảm bảo sợi mì dai, thơm ngon và lưu được hương thơm lúa mới.

Chị Nay H'Tó (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) khởi nghiệp với thịt heo gác bếp và rượu cần. Ảnh: Vũ Chi

Về làng thưởng thức thịt heo gác bếp

(GLO)-Nói đến văn hóa ẩm thực của đồng bào Jrai tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) không thể không nhắc đến thịt heo gác bếp. Với hương vị thơm ngon, béo ngậy, thịt heo gác bếp đã thành một đặc sản mà bất kỳ ai khi xuống buôn làng ngày Tết đều muốn một lần thưởng thức và cảm nhận.

Độc đáo món anam tơpung của người Jrai

Độc đáo món anam tơpung của người Jrai

(GLO)-Mỗi khi gia đình có hiếu hỉ, người Jrai thường nấu nhiều món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong số đó, không thể không nhắc đến món anam tơpung, một món canh bột độc đáo và hấp dẫn.

Bay xa hương rượu cần Ia Yeng

Bay xa hương rượu cần Ia Yeng

(GLO)- Nhờ duy trì cách làm men rượu từ những loại rễ cây, bà con Jrai ở xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã làm ra mẻ rượu cần thơm ngon. Từ đó, góp phần gìn giữ loại men rượu cần độc đáo, tạo cơ hội cho hương rượu cần Ia Yeng bay xa và đem về nguồn thu nhập ổn định cho mỗi gia đình.

Bà Lê Thị Cẩm (tổ 1, phường Phù Đổng) chuẩn bị mứt gừng giao cho khách. Ảnh: Đ.L

Lưu giữ hương vị mứt truyền thống

(GLO)- Giáp Tết Nguyên đán, những người làm mứt truyền thống tại Trung tâm Thương mại Pleiku đang tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân. Bao năm qua, họ vẫn gắn bó với nghề, lưu giữ hương vị mứt truyền thống, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Chàng trai xứ Mường mang bát phở “hương vị ngàn năm” về phố núi Pleiku

Chàng trai xứ Mường mang bát phở “hương vị ngàn năm” về phố núi Pleiku

(GLO)- Mỗi sáng cuối tuần, quán Ẩm thực Dông Ưng 2 (số 154 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Đống Đa, TP. Pleiku) lại trở thành điểm hẹn quen thuộc của thực khách gần xa. Chỉ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, quán bán ra gần 1.000 bát phở gà mang “hương vị ngàn năm”, thỏa lòng người Phố núi.

Chợ chiều Phú Túc

Chợ chiều Phú Túc

(GLO)-

Có ai đó đã từng nói, muốn tìm hiểu về một vùng đất, hãy đến phiên chợ của nơi ấy. Và chợ chiều thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là nơi như thế khi hội tụ những nét đặc sắc rất riêng của miền quê vùng chảo lửa mà hiếm nơi nào có được.