“Níu chân” bạn ở lại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Tôi nhớ, hồi anh Trần Ngọc Sơn còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì ở Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đang trong giai đoạn khủng hoảng nhân sự. Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai bấy giờ gồm nhà văn Thu Loan và nhà thơ Văn Công Hùng. Tạp chí Văn nghệ vẫn xuất bản đều kỳ hàng tháng. Nhưng có một thời gian, giữa lãnh đạo Hội và Ban Biên tập Tạp chí thống nhất chuyển đổi từ Tạp chí Văn nghệ Gia Lai sang Báo Văn nghệ Gia Lai. Tờ báo văn nghệ của tỉnh xuất bản được 5 kỳ thì dừng và chuyển về tạp chí như cũ.

Thời gian sau đó, tôi nhận được tin anh Văn Công Hùng có ý định xin chuyển công tác về Tạp chí Sông Hương (tỉnh Thừa Thiên-Huế), nơi mà anh gắn bó từ lâu. Nghe đâu, có cả công văn của Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế gửi Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai xin đích danh anh Văn Công Hùng. Với tư cách là bạn bè cùng làm báo, làm văn nghệ ở mảnh đất Bắc Tây Nguyên này, tôi đến gặp anh Trần Ngọc Sơn, bấy giờ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để hỏi ngọn ngành sự việc. Anh Sơn cũng không ngần ngại cho tôi biết là Tạp chí Sông Hương có công văn xin anh Văn Công Hùng về làm việc ở tạp chí này. Và anh Văn Công Hùng cũng có nguyện vọng muốn xin về Huế công tác là đúng. Đó cũng là chuyện bình thường trong công tác cán bộ, việc thuyên chuyển, đi-ở luôn xảy ra đối với bất cứ cơ quan nào cũng vậy. Có điều bất thường ở đây là anh Văn Công Hùng ngay từ đầu đã gắn bó với Gia Lai và Kon Tum, vợ con cũng ổn định ở TP. Pleiku mà nay bất ngờ xin chuyển về Huế. Cá nhân anh Văn Công Hùng có những cống hiến nhất định trong công tác văn hóa-văn nghệ đối với tỉnh nhà, là một trong những người có công thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Anh Trần Ngọc Sơn có ý muốn tôi cùng với nhóm bạn văn nghệ tác động để anh Hùng thay đổi ý định, ở lại an tâm công tác tiếp tục giúp tỉnh phát triển sự nghiệp văn hóa-văn nghệ. Từ đó, tôi và anh Đoàn Minh Phụng, bấy giờ là Tổng Biên tập Báo Gia Lai, cũng là người thân cận với anh Văn Công Hùng thường xuyên gặp gỡ; có lúc vào ngày nghỉ, mấy anh em mời cả anh Trần Ngọc Sơn , ngồi “lai rai” vui vẻ với nhau nhằm mục đích động viên anh Văn Công Hùng từ bỏ ý định về Huế, ở lại Gia Lai công tác cùng anh em cho có bạn có bè. Thấy được tấm lòng chân tình của bạn bè cùng với thiện chí của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, trong đó có anh Trần Ngọc Sơn, anh Văn Công Hùng đã xiêu lòng và sau đó không thấy anh nhắc đến chuyện xin chuyển công tác nữa.

Tôi biết, lúc này, anh Trần Ngọc Sơn với chức năng và nhiệm vụ của mình đã tác động đến Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh củng cố công tác tổ chức, quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong đội ngũ văn nghệ sĩ; tập hợp anh chị em văn nghệ sĩ thành một khối đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh việc sáng tạo, công bố những tác phẩm có chất lượng, phục vụ đông đảo công chúng và bạn đọc.

Sau thời kỳ đó, anh em thấy tinh thần anh Văn Công Hùng có những chuyển biến tích cực, cùng với anh chị em trong Hội chuyên tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Gia Lai và sáng tác, công bố tác phẩm nhiều hơn. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, anh Văn Công Hùng là nhà thơ, hội viên duy nhất ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên trúng cử vào Ban Chấp hành. Điều đó cho thấy việc ổn định công tác, gắn bó với mảnh đất Gia Lai đầy tình nghĩa của anh Văn Công Hùng lúc này là đúng và hợp thời.

Nhắc lại ký ức một thời để thấy rằng, trong công tác cán bộ hay việc “chiêu hiền đãi sĩ”, làm thế nào để họ yên tâm công tác và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ là hết sức quan trọng và cần thiết. Bên cạnh việc quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ cán bộ thì cần tạo mọi điều kiện để họ có khoảng không gian riêng sáng tạo và cống hiến; không nên áp những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc làm thui chột năng lực sáng tạo, giảm sút lòng nhiệt thành của cá nhân, đặc biệt là đối với văn nghệ sĩ thì cần cởi mở, thân tình hơn.

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.