Những xóm nghề tha hương: 'Hiệp hội'… đậu luộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh), từ lâu có một xóm trọ mà ở đó họ là những người từ Phú Yên vào làm nghề luộc và bán đậu phộng dạo. Họ dìu dắt, nương tựa lẫn nhau để mưu sinh.
Sống trong khói lửa
Tôi đến xóm trọ dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) trong những ngày hè oi ả. Từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của những mẻ đậu phộng luộc. Bước vào xóm trọ, trước mắt tôi, một cái nồi cao đến đầu người nghi ngút khói, những mảng lọ nồi bao quanh, dày cộm… Dù đứng khá xa nhưng hơi nóng từ lò than và hơi nước của nồi đậu vẫn phả thẳng vào người.
Anh Phan Thanh Tú (42 tuổi) cười hào sảng: “Nóng vậy nhưng ngày nào tôi cũng đứng cạnh nó suốt 4-5 tiếng đồng hồ đó. Mình phải canh một bên để thêm bớt củi lửa, coi độ chín của đậu vì đậu luộc sống là coi như hư, mà chín bấy cũng mất ngon”.
 
Đội quân xóm đậu chuẩn bị lên đường bán hàng khắp TPHCM
Đội quân xóm đậu chuẩn bị lên đường bán hàng khắp TPHCM
Dù nắng hay mưa, bếp đậu luộc vẫn luôn đỏ lửa. Người đàn ông giọng đặc sệt Phú Yên cho hay, ngày thường anh nấu khoảng 3-4 tạ, ngày cuối tuần thì được 6-7 tạ. Tuy nhiên từ khi có dịch bệnh, nồi đậu cũng vơi bớt mấy phần. “Hiện giờ tôi chỉ nấu tầm 1-2 tạ đậu/ngày, vừa bỏ mối sỉ vừa bán lẻ, tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ nuôi vợ con, đắp đổi qua ngày” - anh Tú bộc bạch.
Chú Quang (62 tuổi) dù chẳng phải người Phú Yên nhưng mỗi ngày cũng đều đến xóm đậu phụ bưng đậu. Sau khi những mẻ đậu nấu xong, chú Quang gom đóng củi lửa còn lại, nướng cả trăm trái bắp cho vợ bán ở khu vực chợ Bàn Cờ (quận 3). “Tôi đã từng gặp rất nhiều người ở các tỉnh thành vào TPHCM mưu sinh, lập cả xóm đồng hương rồi cùng ở, cùng làm với nhau. Tình đồng hương được gặp nhau giữa Sài Gòn trân quý lắm. Họ không chỉ giúp nhau công ăn việc làm mà còn chia ngọt sẻ bùi, dìu nhau bước qua những khó khăn trong cuộc sống” – chú Quang tâm đắc.
Đang trò chuyện, bỗng điện thoại reo báo đậu sống đã về. Anh Tú vội mặc chiếc áo thun, dắt chiếc xe máy sờn cũ, tiếng máy nổ bành bạch chạy vội ra bến xe miền Đông nhận hàng. Nguồn đậu được anh mua từ nhiều tỉnh ở miền Trung, miền Tây tới Tây Nguyên…
Khi anh Tú chở đậu sống vừa về thì nồi đậu luộc cũng đã chín tới. Ăn thử vài hạt, thấy đã vừa ý, anh Tú cầm một chiếc vợt cỡ đại, xúc từng vợt đậu chắc mẩy ra cái rổ nhựa. Đôi tay săn chắc nổi cơ bắp cuồn cuộn theo từng động tác vớt. Bên dưới, những người đàn ông trung niên thay nhau vác lên những rổ đậu sống nặng trĩu vào nhà. Cứ vậy, mỗi ngày dân xóm đậu bưng bê, nấu vớt cả nửa tấn đậu phộng luộc nên hầu như ai cũng sở hữu thân hình rắn chắc, cơ bụng “6 múi” như những thanh niên tập thể hình.
 
Đội quân xóm đậu chuẩn bị lên đường bán hàng khắp TPHCM
Đội quân xóm đậu chuẩn bị lên đường bán hàng khắp TPHCM
Để luộc một nồi đậu, tưởng chừng đơn giản nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, anh Tú đã có những bí quyết riêng của mình như để hạt đậu mềm, bùi thì phải để đậu chín bằng hơi, muốn hạt đậu đẹp thì phải lựa đậu chắc và đều hạt, để vỏ đậu không bị đen thì vừa vớt ra khỏi nồi phải để liền ngay trước quạt gió mạnh…
Không giấu nghề, anh cho biết: “Đậu lấy về đầu tiên tôi đưa vào lu xi-măng, mở mô-tơ cho đậu quay trong nước để lớp đất thịt trên đậu rớt ra ngoài, rửa lại 2-3 lần nữa với nước sạch rồi mới bắt đầu nấu. Để đậu chín bằng hơi, hạt đậu bùi, béo tôi chỉ cho nước vào với mức khoảng một gang tay kể từ đáy nồi. Khi đậu chín vớt ra cho ngay vào quạt để đậu khô mà không bị đen…”.
Dìu nhau kiếm cơm
Hơn chục năm trước, theo chân những người cùng quê, anh Tú vào TPHCM bán đậu phộng luộc. Thu nhập chỉ đủ sống qua ngày nên anh chuyển qua luộc đậu bỏ mối ở TPHCM. Công việc thuận lợi, anh rủ thêm anh em, bạn bè ở quê cùng vào phụ rồi lập thành nhóm đậu luộc xứ Nẫu.
Hì hục bê từng rổ đậu vừa luộc xong, anh Bùi Thanh Tùng (50 tuổi) kể, đã làm nghề này được 4 năm. “Ở quê làm nông không đủ sống, tôi theo anh Tú vào Nam mưu sinh. Mình bán buôn sống được nên lại tiếp tục dìu những anh em khác cùng “kẻ kiếm cơm, người kiếm cháo”. Được sống cùng những người đồng hương giữa đất thành phố, mình thấy yên tâm nhiều lắm” - người đàn ông có làn da sạm do dãi dầu nắng gió trút tâm can.
Không chỉ phụ bưng bê, anh Tùng còn nhận đậu bán lẻ khắp TPHCM. Mỗi ngày, tầm từ 16 giờ mỗi ngày, anh chở 15kg đậu luộc sau chiếc xe máy cà tàng, len lỏi khắp mọi nẻo đường, quán nhậu bán đến tận nửa đêm. Không chỉ bán đậu, anh Tùng còn kèm thêm nhiều món ăn chơi khác như xoài, trứng cút… “Cũng là một công đi nên mình lấy thêm nhiều món cho đa dạng, khách đỡ ngán. Lúc đầu mới vô đi bán, chưa quen đường sá nên lạc tới tận sáng mới về tới nhà, còn giờ thì… sành lắm, hang cùng ngõ hẻm nơi nào tôi đi một lần là nhớ” - anh Tùng khoe.
 
Anh Phan Thanh Tú mỗi ngày đều luộc, vớt gần nửa tấn đậu bán khắp thành phố
Anh Phan Thanh Tú mỗi ngày đều luộc, vớt gần nửa tấn đậu bán khắp thành phố
Vóc người khá nhỏ nhưng cơ bắp chắc nịch, anh Nguyễn Văn Vũ (42 tuổi) hóm hỉnh bảo tất cả nhờ bưng đậu mà khỏi tốn tiền tập gym, quanh năm suốt tháng không cần một viên thuốc. Anh Vũ để vợ và 2 con nhỏ ở lại quê (Tây Hòa, Phú Yên), một mình theo những người đồng hương gia nhập đội quân bán đậu dạo.
Lót dạ buổi trưa bằng tô mì gói, anh Vũ kiểm tra lại thùng đậu cho chắc chắn rồi lên đường. Không có một lộ trình nào cố định trong cuộc mưu sinh, nhưng anh thường vòng qua khu quận 7, chợ Bình Điền, huyện Bình Chánh, quốc lộ 1, Ngã Tư Ga… bán khi nào hết thúng đậu (chừng 15-20kg) mới về. “Ngày nắng còn đỡ, chứ mưa là cầm chắc ế. Lắm khi ăn đậu trừ cơm là bình thường” - anh Vũ tâm sự.
Trong căn phòng trọ vách tôn nằm dưới chân cầu Bình Lợi với giá thuê 3 triệu đồng/tháng (chưa tính điện, nước), dân xóm đậu ngày ngày lại hì hụi bưng bê, luộc nấu những mẻ đậu thơm lừng, bùi béo đến từng quán nhậu, hàng ăn mời khách.
Suốt cả năm 2021, xóm đậu luộc Phú Yên gần như chẳng làm ăn gì được vì dịch bệnh. Giờ thì đã khác, bếp đậu đã đỏ lửa trở lại gần nửa năm nay nên không khí xôm tụ và thêm rộn ràng, dù lượng đậu luộc đã giảm đi rất nhiều do hàng quán kinh doanh ế ẩm. “Mỗi tháng, tôi đều đặn gửi về cho vợ 7-8 triệu đồng để lo cho các con ăn học, cha mẹ già lớn tuổi. Lắm lúc nhớ vợ con, lễ Tết muốn về quê ít ngày nhưng lại sợ mất mối. Cái nghề này là vậy, khi người ta nghỉ ngơi, vui chơi thì mình lại làm nhiều bởi lúc đó bán hàng đắt hơn” - anh Vũ nói.
Khi thành phố lên đèn, những hàng quán đầy ắp tiếng cười, tiếng cụng ly của những thực khách sau một ngày làm việc. Đâu đó, những con người vẫn đang tiếp tục vì sinh kế. Đó là dáng những người lao động mưu sinh với rổ đậu rao bán trên hè phố, len lỏi đến từng bàn thực khách những mong bán được vài lon đậu... Họ đang chăm chỉ lao động, kiếm sống bằng cái nghề thiện lương.
(Còn nữa)
Theo Uyên Phương (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.