Tỷ phú trên đất cằn
Chúng tôi có chuyến công tác về xã Pờ Tó-căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ một vùng “đất chết” do chiến tranh tàn phá, Pờ Tó hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn mình phát triển với những ngôi nhà cao tầng khang trang, những con đường bê tông phẳng lì. Những cánh đồng khô héo trước đây nay được phủ một màu xanh trù phú của mía, mì, thuốc lá.
Không ai có thể phủ nhận trong số các cây trồng truyền thống của địa phương, mía luôn được coi là cây xóa đói giảm nghèo, giúp bà con nông dân nơi đây có của ăn, của để. Đến nay, Pờ Tó đã trở thành vùng nguyên liệu chính của Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai với diện tích 2.352 ha.

19 năm gắn bó với cây mía, vợ chồng chị Nguyễn Thị Liễu (thôn 3) đang sở hữu 90 ha với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Căn nhà mái Thái khang trang nằm đối diện trụ sở UBND xã Pờ Tó như một minh chứng cho những vụ mía “ngọt” của gia đình chị. Nhìn cơ ngơi hôm nay, ít ai biết rằng vợ chồng chị cũng đi lên từ gian khó.
Cưới nhau và ra ở riêng vào năm 2006, chị được cha mẹ cho 6 sào đất rẫy. Được người thân tư vấn, hướng dẫn, anh chị đã chọn cây mía để khởi nghiệp. Ngày ấy, toàn bộ các công đoạn phải làm thủ công. Để chăm sóc rẫy mía, vợ chồng chị thức dậy từ sáng tinh mơ và trở về nhà khi đã lên đèn. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi nên năng suất mía chỉ đạt khoảng 4 tấn/sào. Với giá bán 650-700 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường, bình quân mỗi sào, gia đình chị chỉ lãi 1,5 triệu đồng.
Vợ chồng chị dồn hết tiền tích lũy để mua thêm đất rẫy. Chị cũng tính đến chuyện canh tác một số cây trồng khác như mì, thuốc lá, lúa nhưng khi bàn bạc cùng chồng, cây mía vẫn là sự lựa chọn cuối cùng.
Chị Liễu chia sẻ: So với các cây trồng khác, mía có thể thích ứng tốt nhất với thời tiết nắng hạn hoặc mưa dài ngày. Quan trọng hơn cả là làm mía không phải lo đầu ra mà được Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai thu mua tận nơi, trả tiền ngay khi mía về tới xưởng sản xuất. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao giai đoạn 2018-2020, giá mía nguyên liệu giảm sâu nhưng gia đình chị vẫn quyết tâm gắn bó. Thay vì phá mía trồng mì, chị quyết định đưa cơ giới vào sản xuất, lấy năng suất bù giá cả nên tránh được thua lỗ.
“Hiện bình quân mỗi ha mía cho năng suất 90-100 tấn, cá biệt có khi đạt 120 tấn. Với giá thu mua mía nguyên liệu ổn định của Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai là 1,1 triệu đồng/tấn 10 chữ đường, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi 40 triệu đồng/ha; đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ cây mía, gia đình xây được căn nhà khang trang và cho con cái học hành đến nơi đến chốn”-chị Liễu phấn khởi nói.

Hơn 20 năm gắn bó với cây mía, ông Nguyễn Công Bằng (thôn 4) cũng đã trải qua 2 lần thăng trầm cùng cây trồng này. Đó là giai đoạn 1999-2000 và 2018-2020. Khi đó, không chỉ giá mía nguyên liệu giảm sâu mà việc nhà máy thu mua ì ạch khiến ông thua lỗ nặng nề. Nhiều ruộng mía phải phá bỏ để kịp sản xuất vụ sau. Dù vậy, ông vẫn thủy chung với cây mía vì nhiều lẽ.
Ông kể: Rời quê hương Hưng Yên vào Pờ Tó lập nghiệp từ năm 1989, cây mía giúp gia đình ông cùng nhiều hộ trong xã thoát khỏi đói nghèo. Nếu chỉ vì khó khăn trước mắt mà bỏ vùng nguyên liệu thì ông cảm thấy có lỗi với nhà máy, có lỗi với gần chục gia đình thường xuyên làm công cho ông.
Ông Bằng chia sẻ: “Dành nửa đời người để dồn điền, đổi thửa, vợ chồng tôi đang sở hữu gần 40 ha đất trồng mía, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Giờ đây, ở tuổi lục tuần, sức khỏe kém đi nhiều rồi nên vợ chồng tôi cũng tính làm thêm vài năm nữa rồi chia đều cho con cái để an hưởng tuổi già”.
“Sống khỏe” cùng cây mía
Theo ông Bằng, trồng mía không phải cứ đem lý thuyết ra áp dụng là thành công mà phải bằng kinh nghiệm, tích lũy kiến thức từ thực tế và qua các lớp tập huấn. Ông Bằng cho rằng, trồng mía quan trọng nhất là cày sâu cuốc bẫm, xử lý đất, chọn được giống tốt và phải xử lý hom mía trước khi trồng để loại bỏ mầm bệnh.
Bên cạnh đó, để có thể “sống khỏe” cùng cây mía thì việc cơ giới hóa đồng bộ là xu thế tất yếu. Với diện tích mía lớn, vợ chồng ông đầu tư mua các loại máy móc phục vụ sản xuất, từ máy cày, máy trồng mía, phun thuốc, xới cỏ, kéo phân đến máy chặt mía. Duy chỉ có công tác thủy lợi khiến ông trăn trở, nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết.

Ông Bằng phân tích: Nếu dùng máy, trong 1 ngày có thể thu hoạch được 10 ha mía nhưng nếu làm thủ công, với diện tích này, thời gian có thể kéo dài đến 1 tuần. Chỉ cần có thêm nguồn nước tưới ổn định thì không chỉ cây mía mà tất cả cây trồng tại địa phương sẽ mang lại năng suất vượt trội, thu nhập của nông dân cũng được cải thiện. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề một sớm, một chiều. Trước mắt, để giải quyết vấn đề nước tưới, ông Bằng tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón và nâng cao năng suất cây trồng.
Với gia đình chị Liễu, mặc dù có diện tích mía lớn nhất xã nhưng anh chị vẫn đang nỗ lực từng ngày để phát triển loại cây trồng này. Cách đây 2 năm, với chủ trương mở rộng vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai, anh Nguyễn Như Liệu (chồng chị Liễu) cùng 10 người dân trong xã tiên phong xuất ngoại trồng mía tại tỉnh Attapeu (Lào). Anh đang thuê 100 ha đất canh tác mía tại đây.
Theo anh Liệu, tuy tập quán canh tác của người dân tại khu vực này còn tương đối lạc hậu, song nhờ diện tích đất đai liền bờ, liền thửa, khí hậu, thổ nhưỡng tương tự như Việt Nam nên khá thuận lợi cho sản xuất.
“Đây là chương trình rất ý nghĩa, chúng tôi vừa có dịp được chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho người dân nước bạn, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa 2 nước, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Hy vọng thời gian tới, Công ty có thêm nhiều chính sách đãi ngộ, liên kết chặt chẽ với người dân trên cơ sở 2 bên cùng có lợi để phát triển bền vững vùng nguyên liệu”-anh Liệu chia sẻ.
Năm 2024, xã Pờ Tó có 350 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, cấp tỉnh 50 hộ, cấp huyện 100 hộ và cấp xã 200 hộ. Ông Nguyễn Viết Chung-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Những tấm gương như gia đình ông Bằng, chị Liễu là những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh, cấp huyện liên tiếp từ năm 2021 đến nay. Không chỉ cần cù, chịu khó, họ là những nông dân tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía
