Những sai lầm khi dạy trẻ mẫu giáo làm quen với chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những chuyến khảo sát, nắm tình hình ở các quận, huyện của Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho thấy nhiều giáo viên mầm non hướng dẫn trẻ làm quen chữ viết chưa đúng.

Việc cho trẻ làm quen chữ viết trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành của Bộ GD-ĐT hoàn toàn khác với việc người lớn dạy trẻ mẫu giáo cách viết chữ cái, ghép vần theo thói quen.

CHƯA ĐÚNG Ở CHỖ NÀO ?

Không phải cô giáo mầm non cầm nguyên cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 và dạy chữ cho trẻ là được. Cũng không phải cô giáo mầm non chăm chăm dạy từng chữ cái trong bảng chữ cái cho trẻ, yêu cầu trẻ phải nhớ được, viết thuộc chữ đó.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết khi cho trẻ làm quen với đọc, viết ở bậc mầm non, các giáo viên (GV) nên dạy các con quy tắc ngồi thẳng lưng cho đúng, ngồi tập trung nghe cô giảng bài, khoảng cách giữa mắt và tập vở là bao nhiêu, cách cầm bút thế nào, di chuyển từ trái sang phải, từ trên xuống dưới… Đó là cái "nền" của việc học ở tiểu học cần phải hướng dẫn cho các con.

Trẻ làm quen chữ viết thông qua các trò chơi, hoạt động ở trường mầm non. Ảnh: THÚY HẰNG

Trẻ làm quen chữ viết thông qua các trò chơi, hoạt động ở trường mầm non. Ảnh: THÚY HẰNG

Bà Điệp nhấn mạnh: "Các cô giáo mầm non có thể hướng dẫn cho con tập tô, tập đồ nét chữ cũng được nhưng phải hướng dẫn đúng".

"Căn cứ theo bộ chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi của Bộ GD-ĐT, các GV phải căn cứ theo bộ chuẩn này để thực hiện. Việc trẻ tiếp thu được mặt chữ hay chưa khi trẻ 5 tuổi cũng không giống nhau. Có trẻ cô giáo nói là nhớ liền, có trẻ thì tới nghỉ hè lớp lá mới tiếp thu được. Điều này hoàn toàn bình thường vì sự tiếp nhận của mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau, có bé vào lớp 1 thì được 72 tháng tuổi, nhưng có bé mới sáu mấy tháng tuổi", bà Điệp trao đổi thêm.

KHÔNG PHẢI DẠY CHỮ, MÀ LÀ LÀM QUEN CHỮ

Bà Lại Thị Nguyên Nhung, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thành Phố (đường Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM), cho biết việc cho trẻ làm quen chữ trong độ tuổi mầm non khác với học chữ ở tiểu học, việc này sẽ thông qua các trò chơi, tập trung vào 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Trẻ mầm non nhìn con chữ sẽ giống như một ký hiệu để các em vẽ lại, có thể gọi là "sao chép" chữ. Điều này hoàn toàn khác với học sinh lớp 1 - các học sinh sẽ được cô giáo dạy từng chữ cái, gồm những nét gì, bắt đầu từ ô ly thứ mấy…

Trong môi trường vui chơi, học tập, chẳng hạn như bằng cách làm quen thẻ tên của bé ở trên các ngăn tủ để đồ, trẻ sẽ làm quen được chữ. Có bé nhìn sẽ biết thẻ nào tên "Trúc" là của mình, không phải vì trẻ đọc được, mà là trẻ đã ghi nhớ hình ảnh chữ "Trúc". Hay khi bé nhìn cô viết trên thiệp từ "Tặng mẹ", bé sẽ dùng bút "sao chép", "vẽ" lại, có thể chữ "mẹ" đứng trước, chữ "tặng" đứng sau. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

Bà Nhung cho biết theo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (cuối năm lớp lá), trẻ nhận dạng được 29 chữ cái trong bảng chữ cái, biết được mối liên hệ giữa chữ viết và lời nói, biết viết chữ viết theo thứ tự từ trái qua phải, bắt chước hành vi viết và sao chép chữ cái. Do đó GV mẫu giáo các lớp 5 - 6 tuổi cần phải xây dựng môi trường chữ viết phong phú xung quanh trẻ; tên các đồ dùng, đồ chơi, sách truyện tranh, băng ghi hình, ghi âm tạp chí… giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu học qua các trò chơi.

Ví dụ cô cho trẻ xem hình ảnh con cá và chữ "con cá", cô nói với trẻ trong đây có chữ "c", chữ "a"; hay cô cho trẻ xem hình ảnh con bò, chữ "con bò" và cho trẻ biết trong đây có chữ "o", chữ "b". Hay có những trò chơi, cô cho trẻ xem từ "thỏ", và xem từ viết ở dưới còn thiếu chữ gì, để trẻ "vẽ" vào đó chữ "o" hoặc chữ "t" còn thiếu. Hoặc trẻ cũng được chơi trò chơi, từ đó học được kỹ năng so sánh, chữ "a" khác với chữ "ă" chỗ nào… Hoặc với bài đồng dao "Gánh gánh gồng gồng/Gánh sông gánh núi gánh củi gánh cành/Ta chạy cho nhanh về xây nhà bếp", cô cho trẻ làm quen với chữ "g".

"GV mầm non khi tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen chữ viết phải tránh dạy như GV lớp 1 dạy trẻ viết chữ. Không phải dạy đơn lẻ từng chữ cái a, b, c, mỗi chữ gồm các nét gì, viết ra sao", bà Nhung nói. Đồng thời theo bà Nhung hiện nay cũng có các bộ học cụ, học liệu để trẻ mầm non làm quen chữ, như các cuốn tập đồ nét chữ, nhưng không đòi hỏi các bé phải gò bó để viết, chỉ dừng lại ở việc đồ nét.

"Quan trọng nhất, GV mầm non cần chú ý đến tư thế ngồi học của trẻ, cách cầm viết cho đúng. Đó chính là nền tảng cho trẻ vào tiểu học. Chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi không phải là đọc thông viết thạo. Việc tập viết chữ nên để các cô giáo tiểu học dạy trẻ một cách bài bản, đúng ngay từ đầu, việc của cô giáo mầm non là cho trẻ làm quen", cô Nhung lưu ý.

Trẻ lớp 1 tại một trường tiểu học tại TP.HCM trong giờ tập viết. Ảnh: THÚY HẰNG

Trẻ lớp 1 tại một trường tiểu học tại TP.HCM trong giờ tập viết. Ảnh: THÚY HẰNG

CÓ NÊN NHỜ CÔ GIÁO MẦM NON DẠY THÊM CHỮ CHO CON ?

Nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 lo lắng khi con chưa thuộc hết bảng chữ cái cũng chưa biết ghép vần, viết chữ. "Thay vì đón con từ trường mầm non về rồi chở đi học thêm chữ ở một cô giáo khác, tôi có nên gửi con thêm một tiếng mỗi ngày ở trường để cô dạy chữ cho con rồi đón về cho tiện?", là ý kiến một phụ huynh đăng trong hội phụ huynh có con sắp vào lớp 1.

Cô Trần Thị Hoài Nghi, GV Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết chương trình đào tạo GV mầm non và tiểu học khác nhau, lứa tuổi các em học mầm non và tiểu học cũng khác nhau. Do đó, chưa kể tới việc trẻ học trước chương trình thì có nhiều hệ lụy khi con vào lớp 1 và không được dạy thêm - học thêm theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, thì việc cô giáo mầm non dạy viết chữ cho trẻ - công việc chuyên môn thuộc về GV tiểu học là không phù hợp.

"Đào tạo GV tiểu học mất tới 4 năm, trong đó các sinh viên sư phạm được đào tạo đầy đủ các phương pháp dạy tiếng Việt, dạy toán từ lớp 1 tới lớp 5. Đặc biệt, từ năm học 2024 - 2025 thì cả 12 lớp trong bậc phổ thông đều được dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. GV tiểu học khi được nhà trường phân công dạy lớp 1 hay 2, 3, 4, 5 thì trước đó đều phải đi tập huấn về chương trình của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Do đó, nếu GV mầm non, không được đào tạo đúng chuyên môn sư phạm tiểu học, không được tập huấn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà chỉ dạy trẻ đọc, viết chữ theo quán tính, thói quen thì là sai phương pháp và không chuẩn kiến thức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau này trẻ chính thức vào lớp 1, cô giáo tiểu học của trẻ lại phải sửa lại mọi thứ từ đầu, điều này vừa mất thời gian, lại ảnh hưởng tâm lý đứa trẻ", cô Nghi trao đổi.

Cần hướng dẫn trẻ đúng ngay từ đầu

Chủ một trường mầm non tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng muốn chuẩn hóa dạy trẻ, thì cần chuẩn hóa chất lượng đào tạo GV đứng lớp. Để hướng dẫn trẻ làm quen chữ viết bậc mầm non đúng thì các GV mầm non cần được học cách dạy đúng ngay từ đầu, để đảm bảo đồng nhất chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục mầm non. Từ đó, chuẩn hóa chất lượng giáo dục trẻ làm quen chữ viết bậc mầm non. Hiện nay TP.HCM luôn có các chương trình đào tạo, các khóa bồi dưỡng thường xuyên, các buổi thao giảng, chia sẻ kinh nghiệm cho các GV, tạo điều kiện để các GV được đào tạo, rèn luyện, nâng cao chuyên môn.

Một GV dạy lớp lá, công tác trong một trường mầm non công lập tại TP.HCM cho biết hiện tại cô cũng đang tham gia lớp bồi dưỡng thường xuyên dành cho các GV mầm non, do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức cho các GV. Lớp được tổ chức trực tuyến. Trong chương trình học có nhiều module kiến thức, trong đó có module kỹ năng dạy trẻ làm quen đọc, viết…, các GV cũng được thực hiện các bài kiểm tra, thực hành…

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

(GLO)- Để tiệm cận với giáo dục quốc tế và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ liên quan.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.
“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

(GLO)- Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cùng gia đình các em học sinh vừa tạo nên ngày hội thấm đẫm phong vị văn hóa các dân tộc. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc giúp học sinh đến gần hơn với di sản.