Giáo viên mầm non nên được nghỉ hưu sớm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tháng 4 vừa qua, khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác đúng vị trí việc làm được nghỉ hưu khi có độ tuổi thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định.

Bộ GD-ĐT lý giải, theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, giáo viên mầm non, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ. Do đó, Bộ GD-ĐT nhận thấy việc quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định là phù hợp.

Giáo viên mầm non nên được nghỉ hưu sớm? ảnh 1

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) dạy trẻ rửa tay đúng cách để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà

Trước thông tin trên, đông đảo giáo viên mầm non trên cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng đã bày tỏ sự đồng tình và mong muốn ý kiến trên sớm được bổ sung vào dự thảo Luật để Quốc hội xem xét thông qua. Cô Nguyễn Thị Nhung-giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trải lòng: “Tôi sinh năm 1968, theo quy định thì đến tháng 7-2024 sẽ được nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi bước sang độ tuổi 50, sức khỏe của bản thân dần suy giảm, cơ thể không còn dẻo dai như trước; khả năng sáng tạo, sự năng động cần có của một giáo viên mầm non cũng hạn chế. Trong khi đó, học sinh mầm non, nhất là ở độ tuổi nhà trẻ lại cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ rất nhiều từ cô giáo. Những việc vốn quen thuộc này giờ đây với tôi lại trở nên khó khăn và thiếu tự tin, thậm chí chẳng còn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của trẻ”.

Cũng theo cô Nhung, trẻ nhỏ rất hiếu động, giáo viên quá lớn tuổi sẽ không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi. “Chẳng hạn, khi trẻ chạy nhảy, vui đùa nếu không may trượt ngã, chúng tôi ở độ tuổi này dù quan sát thấy cũng khó có thể phản xạ nhanh như các cô giáo trẻ. Vậy nên, thay đổi độ tuổi để giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm là điều cần thiết và cũng là mong muốn của đa số giáo viên mầm non như tôi”-cô Nhung bày tỏ.

Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Ánh Ngọc-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cũng cho rằng, khác với các bậc học còn lại, giáo viên mầm non phải dạy trẻ múa hát, tự xây dựng mô hình, đồ dùng dạy học… nên sẽ không phù hợp ở độ tuổi quá lớn. Chưa kể, nếu giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn còn phải lặn lội sớm khuya, đường sá xa xôi để huy động trẻ ra lớp; mọi điều kiện sinh hoạt cũng thiếu thốn nên sức khỏe dễ giảm sút hơn. Do đó, việc xem xét cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định là phù hợp với đặc thù công việc.

Mới đây, khi trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến nội dung này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều căn cứ và khẳng định rằng, nghề giáo viên mầm non chưa đủ các yếu tố điều kiện lao động để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vậy nên, đội ngũ lao động này không thuộc diện được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Ngoài ra, do nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù nên khi không còn đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn của nghề này (không phải là hết tuổi lao động, đủ điều kiện tuổi hưởng chế độ hưu trí) thì giáo viên có thể được hỗ trợ đào tạo chuyển sang nghề khác, nếu có nhu cầu làm việc.

Tại văn bản trả lời này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung theo nguyện vọng của cử tri. Đến nay, khi Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đội ngũ giáo viên mầm non lại một lần nữa có cơ sở để mong chờ. Nhiều nhà giáo cho rằng, việc sớm quyết định cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định không chỉ động viên họ thêm yêu nghề mà còn thể hiện tính nhân văn đối với đội ngũ lao động đặc thù này. Đây cũng là cơ hội để những giáo viên trẻ có điều kiện làm việc, được cống hiến nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm

Giải quyết “gốc rễ” bạo lực học đường

Giải quyết “gốc rễ” bạo lực học đường

Sự việc nam sinh đang học lớp 10, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11, TPHCM) bị một học sinh cùng trường đánh đến mức nhập viện với chẩn đoán nứt xương trán, nhiều chỗ trên người bầm dập, phù nề, hai mắt thâm đen một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng.
Ngộ nhận về đầu tư cho giáo dục ĐH

Ngộ nhận về đầu tư cho giáo dục ĐH

Thực trạng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học thấp không phải đến bây giờ mới được nói đến. Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội thảo "Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế" do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 17.8.2018 đã đề cập vấn đề này.
Những ngày đến trường sau giải phóng

Những ngày đến trường sau giải phóng

(GLO)- Những ngày tháng 3-1975 đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lứa học sinh trung học Pleiku chúng tôi. Trước ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17-3-1975), chúng tôi là học sinh năm cuối PTTH đệ nhị cấp (lớp 12) thuộc Trường Trung học Pleiku (bấy giờ tọa lạc tại địa điểm Trường THCS Nguyễn Du ngày nay) đang bước vào thời kỳ ôn tập để chuẩn bị thi tú tài toàn phần (tương đương với tốt nghiệp THPT).
Chống bạo lực học đường: Dạy học sinh cách tha thứ để biết yêu thương

Chống bạo lực học đường: Dạy học sinh cách tha thứ để biết yêu thương

Trong quá trình dạy kỹ năng sống hay sinh hoạt đầu tuần, thầy cô thường xuyên nhắc nhở, dạy học sinh sống đẹp, sống tử tế, cách tha thứ để biết yêu thương thông qua những câu chuyện giáo dục có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Đây cũng là cách để giáo dục phòng chống bạo lực học đường.
Nữ sinh lớp 10 của Gia Lai đạt học sinh giỏi quốc gia

Nữ sinh lớp 10 của Gia Lai đạt học sinh giỏi quốc gia

(GLO)- Với 13/20 điểm, em Lương Kiều Xuân-Lớp 10C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) vừa đạt giải ba môn Ngữ văn tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Đáng chú ý, Xuân là học sinh lớp 10 duy nhất góp mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh và mang về vinh quang.

Thư viện trường học: Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học Kbang

Thư viện trường học: Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học Kbang

(GLO)- Những năm qua, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Kbang chú trọng xây dựng thư viện thân thiện, thư viện góc lớp nhằm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Đây là cách giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, tăng cường giao tiếp tiếng Việt và học tập tốt hơn.
Chuyện dạy học ở Ia Kha

Chuyện dạy học ở Ia Kha

(GLO)- Năm học 1981-1982, tôi được chuyển từ xã B14 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai ngày nay) về Trường Phổ thông cơ sở thị trấn huyện Chư Păh (nay là thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Khác với hệ thống giáo dục bây giờ, ngày ấy, nhà trường kiêm luôn cả 3 cấp học: mầm non, cấp I và cấp II. Toàn trường có gần 20 cán bộ, giáo viên.