Chuẩn mực đạo đức nào cho nghề giáo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, một thầy giáo tại Nghệ An đã bị đình chỉ công tác sau phát ngôn “Học chi cho lắm rồi cũng đi làm thuê, công nhân”.

Lời nói thiếu tôn trọng này ngay lập tức khiến phụ huynh, học sinh và cộng đồng mạng cảm thấy bức xúc, đồng thời đặt câu hỏi về việc phân định rõ ràng chuẩn mực đạo đức của nhà giáo.

22pvi.jpg
Đạo đức nghề giáo cần được quy định cụ thể hơn cho từng bậc học. Ảnh: Phương Vi

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên từ trước đến nay vẫn thường được nhắc đến trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hướng dẫn triển khai quy tắc ứng xử trong trường học. Thế nhưng, các chuẩn mực này vẫn được quy định một cách chung chung và dường như chỉ mới dừng lại ở việc… nêu khái niệm.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định một “mẫu chung” tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho tất cả giáo viên tiểu học, THCS và THPT gồm: chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương; thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ GD-ĐT về đạo đức nhà giáo.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được xây dựng, lấy ý kiến, đạo đức nhà giáo cũng mới được quy định một cách chung chung là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ giữa nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học và cộng đồng.

Rõ ràng, qua rất nhiều sự việc xảy ra gần đây, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn trong việc định nghĩa và làm rõ những quy định cần có đối với đạo đức nhà giáo. Môi trường giáo dục là nơi để giúp học sinh hình thành nhân cách, giúp các em tiếp thu kiến thức và là nơi khích lệ, tạo động lực để hướng đến tương lai là người có ích cho xã hội.

Giáo viên là những người ảnh hưởng, tác động nhiều nhất đến quá trình này. Thế nhưng, thầy giáo ở Nghệ An lại thản nhiên “dội gáo nước lạnh” vào học sinh ngay trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, khiến các em bị hoang mang. Không dừng lại ở đó, thầy còn mỉa mai đồng nghiệp là “yêu nghề thế” khi người này ký cấp giấy thi cho học sinh. Thầy cũng bỉ bôi, chê bai phụ huynh không có ô tô…

lay3pv-6101.jpg
Giáo viên bậc mầm non, tiểu học thì cần phải có sự kiên nhẫn, bao dung và yêu thương học trò. Ảnh: Phương Vi

Hay như sự việc gần đây, một hiệu trưởng ở huyện Phú Thiện đã gửi nhầm ảnh “nóng” vào nhóm Zalo của trường. Lời giải thích về vụ việc của thầy càng khiến mọi người lắc đầu ngao ngán. Cũng tại huyện này, một thầy giáo tiểu học mới bị tạm giữ vì hành vi dâm ô nhiều học sinh nữ tại trường. Những vụ việc trên vô tình khiến cho hình ảnh của giáo viên bị xấu đi trong mắt dư luận, mất đi sự tôn nghiêm và gương mẫu của nghề giáo. Niềm tin của phụ huynh, học sinh đối với nhà giáo và ngành GD-ĐT lại bị giảm sút nghiêm trọng.

Vậy, đạo đức nhà giáo cần phải cụ thể đến đâu để mỗi quy định sẽ là “chiếc gương” cho giáo viên soi vào, tự răn, uốn nắn, điều chỉnh từ tư tưởng đến cử chỉ, lời nói? Cũng giống như tâm lý lứa tuổi, chuẩn mực đạo đức của nhà giáo cũng cần được phân chia rõ ràng theo từng giai đoạn, từng bậc học.

Ngoài những chuẩn mực cơ bản về đạo đức khi tương tác với người học và đồng nghiệp, vai trò, trách nhiệm trong xây dựng môi trường học tập thì với từng bậc học, đạo đức nghề nghiệp cần được cụ thể, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh mà mình trực tiếp giảng dạy, tiếp xúc. Ví như với học sinh mầm non, tiểu học, rất cần giáo viên có sự bao dung, kiên nhẫn, yêu thương con trẻ; với học sinh bậc THPT đang vào độ tuổi nhạy cảm, giáo viên cần tận tụy, trách nhiệm trong truyền đạt kiến thức, mực thước trong hành vi, lời nói, có khả năng nêu gương, động viên, khích lệ, tạo động lực để các em tiến tới…

Và hẳn nhiên, ngành GD-ĐT cũng nên có quy định về những điều giáo viên không được làm và những mức xử lý cụ thể, thích đáng đối với từng hành vi không chuẩn mực. Bởi lẽ, nghề giáo là một nghề đặc biệt nhất trong tất cả các nghề nên việc yêu cầu chuẩn mực đạo đức của nhà giáo cao hơn, cụ thể hơn so với những nghề khác cũng là điều dễ hiểu và nên làm.

Có thể bạn quan tâm

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

(GLO)- Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, chỉ còn vài ngày nữa, đất nước ta chính thức bước vào cuộc chuyển mình vĩ đại nhất kể từ ngày thống nhất non sông. Sự thay đổi về mô hình chính quyền địa phương lần này sẽ đem lại diện mạo hành chính mới, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Vì một nền thương mại sạch

Vì một nền thương mại sạch

Lực lượng chức năng triệt phá các đường dây buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả với quy mô lớn; hàng loạt vụ vứt bỏ hàng hóa nghi hàng gian, hàng giả; nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội sa lưới luật pháp vì trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng…

Học kỹ, thi thật!

Học kỹ, thi thật!

Việc chuyển giao toàn bộ quy trình sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, cụ thể là giao cho lực lượng CSGT đảm nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông tại VN.

Nhìn mình đi

Nhìn mình đi

"Nếu như nói một ngày nào đó trong trường học không còn bạo lực, thì tôi có thể nói được, đó là ngày mà người lớn không còn đánh nhau nữa. Ngày đó, trẻ con sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương thuần túy mà thôi".

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

null