Những 'phó nhòm' bám biển: Hơn 10 năm dầm biển chụp hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để thoát cảnh bế tắc trong việc mưu sinh, một thợ ảnh đã nghĩ cách hành nghề khác biệt, là hằng ngày dầm mình trong nước biển để “săn” những bức ảnh mới lạ cho du khách.

Khi nói về “phó nhòm” Trần Công Lý (69 tuổi), một số thợ ảnh hành nghề ở Bãi Sau (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) gần như có chung nhận xét: Ông già đó hơn 10 năm nay lội nước biển chụp hình. Ổng là thợ ảnh độc nhất vô nhị xứ này!

Chạm mặt “phó nhòm” đặc biệt

Không như các đồng nghiệp ở Bãi Sau đi đi lại lại mời khách trên bãi biển, một “phó nhòm” phăm phăm lội nước hành nghề tại khu vực quen thuộc của ông. Những nơi nước cao tới ngực hoặc tới cổ, ông đưa hai tay lên đầu giữ chặt chiếc máy ảnh và túi đựng đồ nghề. Quần áo, đầu tóc của ông ướt sũng. Khuôn mặt ông cũng đẫm nước và cả những giọt mồ hôi lao động.

“Chụp hình hông?”, ông thân thiện mời một nhóm du khách đang vui đùa với sóng biển. Tranh thủ dịp hè vừa qua, tôi cũng đưa con đi tắm biển. Thấy ông kiên nhẫn lội tới lội lui, tôi kêu: “Chú ơi, chú chụp cho tụi con vài kiểu ảnh làm kỷ niệm”.


 

 Phó nhòm U.70 Trần Công Lý hằng ngày lội biển chụp hình
Phó nhòm U.70 Trần Công Lý hằng ngày lội biển chụp hình.


Người thợ ảnh vui vẻ hướng dẫn chúng tôi đứng ở vị trí có “view” đẹp. Nhưng, ông chưa vội chụp hình mà bảo chúng tôi ráng đợi chút xíu. Kiên nhẫn canh khoảnh khắc chúng tôi thích thú khi cơn sóng ngoài xa ập đến tung bọt trắng xóa quanh người, ông nhanh tay bấm máy. Sau mỗi kiểu ảnh, ông chủ động cho chúng tôi xem lại. Nếu chúng tôi chưa ưng ý, ông sẵn sàng tạo kiểu khác.

Xong, ông lấy ra cuốn sổ nhỏ bọc trong bao ni lông, ghi địa chỉ khách sạn lưu trú và điện thoại của chúng tôi để giao hình. Ông giới thiệu tên là Trần Công Lý và dặn chúng tôi kết bạn qua Zalo để gửi những file ảnh đã chụp.

Ấn tượng về người thợ ảnh này, tôi tò mò hỏi thăm những “phó nhòm” khác về ông Lý.

Ông Nguyễn Văn Nỉ (63 tuổi, 29 năm chụp ảnh ở Bãi Sau) khẳng định: “Ông Lý không làm trên bờ như tụi tui, ổng canh khách đông là lội ra ngoài biển làm “độc quyền”. Vào mùa biển êm, tui có thể lội nước tới lưng quần để chụp hình. Nhưng khách kêu mình mới lội, chứ tự nhiên mình không lội đâu vì sợ bị ướt máy ảnh và cũng cực thân, chỉ có ổng mới lội ngâm ở ngoải hoài à”.

Ông Ba (55 tuổi, có thâm niên 31 năm chụp ảnh dạo) xuýt xoa: “Chụp hình dạo như tụi tui thường chụp trên bờ thôi, còn ông Lý hơn 10 năm nay bền bỉ lội nước biển chụp hình. Ổng là thợ ảnh có một không hai ở xứ này và có lẽ cũng là duy nhất ở nước VN mình. Tui trong nghề mà thấy rất nể ổng!”.

Bên cạnh đó, một vài thợ ảnh cho rằng có lẽ ông Lý... bị khùng mới chọn cách làm nghề “hành xác” như vậy.


 

Thợ ảnh Trần Công Lý
Thợ ảnh Trần Công Lý


Hàng ngàn ngày nhảy lên nhảy xuống ở biển

Sau nhiều lần chúng tôi thuyết phục, ông Lý mới gác lại nỗi ngại “lên báo” nói về bản thân. Theo ông Lý, do mưu sinh khó khăn nên từ việc đạp xích lô, ông tự học hỏi về nhiếp ảnh để bước vào nghề chụp hình dạo từ năm 37 tuổi (năm 1990). Nhiều năm tiếp đó, ông Lý và các đồng nghiệp kiếm sống thuận lợi nhờ khách hàng đông. Về sau, với sự xuất hiện đại trà của điện thoại di động thông minh cùng trào lưu chụp ảnh “tự sướng” đăng mạng xã hội, nghề chụp ảnh dạo rơi vào ngõ cụt. Thu nhập eo hẹp, ông Lý loay hoay bế tắc, cho đến một ngày...

“Lần đó, khách đề nghị tui lội ra biển chụp hình. Tui cũng mạo hiểm làm theo và chợt nhận ra những tấm ảnh có sóng đánh luôn được khách ưa chuộng”, ông Lý hồ hởi. Thấy cách chụp ảnh này hiệu quả, ông Lý quyết định chuyển hướng xuống nước hành nghề. Theo riết thành quen, tính đến nay ông đã có hơn 10 năm lội biển chụp hình.

Tôi tò mò về việc làm sao ông Lý bảo quản máy ảnh trước sự “tấn công” của những cơn sóng biển? Ông Lý kể: “Hồi đó, tui còn dùng máy ảnh phim. Mỗi lần lội ra biển, tui cầm cái máy giơ trên đầu, vậy mà cũng bị nước mặn văng vô làm hư máy hoài. Tui về tự tháo ra sửa, nhưng giỏi lắm sửa 4 - 5 lần là nó không xài được nữa, phải mua máy khác”.

Vài năm sau, khi chuyển sang sử dụng loại máy ảnh kỹ thuật số, ông Lý nhờ người quen tìm mua cái hộp chống nước với những nút bấm tương thích. Đến nay, ông Lý đã phải dùng cái hộp thứ 2 do cái đầu tiên bị gỉ sét.

Nhận thấy cái hộp không thể che chắn hoàn toàn máy ảnh khỏi nước muối, ông Lý luôn dặn mình phải cẩn thận giữ gìn đồ nghề. Ông chia sẻ: “Hầu như lúc nào tui cũng đưa máy ảnh trên đầu. Trong lúc chờ canh chụp hình sóng đánh, mình đứng nói chuyện với khách nhưng mắt phải quay ra đằng sau ngó chừng con sóng. Chờ cho một cơn sóng đánh qua, mình đứng lẹ lên “bụp” (chụp ảnh - PV) liền. Xong rồi lập tức giơ máy lên đầu và lo nhảy lên khi đợt sóng sau đánh tới. Nói chung, suốt ngày tui đứng ở biển nhảy lên nhảy xuống vậy đó”.

Cuối buổi chiều, hết giờ khách tắm biển, ông Lý lên bờ với bộ quần áo sũng nước. Gió thổi lồng lộng. Tôi băn khoăn: “Chắc chú lạnh lắm ạ?”. Kéo chiếc áo sơ mi bên ngoài lộ ra áo thun đen bó sát người, ông Lý bộc bạch: “Hồi trước tui chưa có cái áo này, trời ơi, chiều lội lên lạnh lắm, về cứ bị cảm hoài à”. Người thợ ảnh này cho hay có lần ông bị “trúng nước”, phải nằm nhà suốt hai tuần. Đến khi đi làm lại, ông không dám đặt chân xuống biển, nên từ đó, ông quyết lùng mua cái áo chống lạnh.

 

Ông Lý thích thú tạo kiểu ảnh cho khách. Ảnh: Như Lịch
Ông Lý thích thú tạo kiểu ảnh cho khách. Ảnh: Như Lịch


Ngày nào khuỵu xuống mới thôi...

Vợ chồng ông Lý hiện cư ngụ tại P.Thắng Tam (TP.Vũng Tàu). Trong phòng trọ, ông Lý lưu giữ nhiều máy ảnh đã qua sử dụng. Ông tận dụng một số đồ nghề cũ được đồng nghiệp cho, để tự mày mò sửa máy ảnh của mình.

Theo ông Lý, mùa hè là mùa bản thân ông và các “phó nhòm” trông đợi nhất trong năm. Khi đó, học sinh được cha mẹ đưa đi du lịch cũng như đi tắm biển rất đông. Vào những ngày cao điểm, bà Nguyễn Thị Nhị (vợ ông Lý, làm nghề giúp việc nhà) phụ giúp chồng đi rửa hình và giao hình, để ông có thêm thời gian túc trực ngoài biển kiếm khách.

Chứng kiến chồng mình làm nghề vất vả, bà Nhị giãi bày: “Nhiều khi tui kêu ổng đừng lội xa quá, sợ ổng bị sụp ao nguy hiểm. Có bữa thấy ổng lội hoài mà không có hình, tui giục ổng về. Nhưng ổng cũng ráng “cào”, cứ lội đầu này đầu kia mời khách”.

Mấy năm nay, ông Lý mắc bệnh tim và viêm xoang mãn tính. Ông từng bị đột quỵ, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Xuất viện, ông kiên nhẫn tập vật lý trị liệu rồi tiếp tục ra biển lội nước chụp hình. Tuy nhiên, do bệnh tật và gần một năm trước bị thất nghiệp bởi ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Khi được hỏi thăm về thời điểm dự định giải nghệ, người thợ ảnh gần 70 tuổi này thổ lộ: “Thực tình bây giờ tui không có đường nào để xoay chuyển cuộc sống, để làm nghề gì khác. Cho nên, ngày nào khuỵu xuống thì thôi, chứ còn đứng được thì tui vẫn ra biển mưu sinh”.

 

Nhờ thợ ảnh, mới được chồng ẵm !

Sau khi tạo kiểu chụp ảnh cho một cặp vợ chồng trung niên, ông Lý được người khách nữ cảm ơn rối rít. Bà khoe: “Nhờ bác phó nhòm, lần đầu tiên tui mới được chồng ẵm. Hồi nào đến giờ, ổng không bế vợ”. Thấy đôi vợ chồng du khách cười đùa hạnh phúc, ông Lý cũng vui lây.


Theo Như Lịch (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.