Ý chí người lính trên hành trình lập nghiệp
Khởi đầu luôn là thử thách, đặc biệt với những nữ cựu chiến binh khi bước vào hành trình gây dựng cơ sở, phát triển kinh tế. Song, nhờ ý chí kiên cường và tinh thần vượt khó, nhiều người trong số họ đã trở thành những tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương.

Sau khi rời quân ngũ, bà Trần Thị Như Hoa (phường Hoài Nhơn Bắc) miệt mài tìm hướng đi mới và bén duyên với nghề nước mắm truyền thống. Kiên trì với nguyên tắc “không sản xuất hàng kém chất lượng”, bà dồn tâm huyết gây dựng thương hiệu nước mắm Như Hoa và từng bước đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.
Hiện nay, nước mắm Như Hoa có mặt tại 20 điểm phân phối tại nhiều tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; đồng thời đã vào được hệ thống siêu thị Co.opmart. Không ít khách hàng tìm đến tận cơ sở, tận nhà để mua số lượng lớn, gửi đi các địa phương khác.

Cơ sở của bà Hoa tạo việc làm cho 15 lao động, phần lớn là phụ nữ nghèo, lớn tuổi với thu nhập ổn định từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ 8 phụ nữ khác tự đứng ra sản xuất, kinh doanh nước mắm.
Bà Lê Thị Nguyệt (SN 1965, cựu chiến binh ở phường An Nhơn) từng nhiều lần thất bại khi khởi nghiệp. Thế nhưng, thay vì nản lòng, bà coi đó là hành trang quý giá để đứng dậy và bước tiếp.

Năm 2008, bà Nguyệt trở về quê, cùng gia đình thành lập Công ty TNHH Tổng hợp Thái An, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm cho 50 lao động. Ngoài ra, bà còn là Giám đốc Hợp tác xã Nông Công Thương An Nhơn, nơi bà cùng các cựu chiến binh khác chung sức duy trì và mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, mang lại sinh kế ổn định cho hơn 20 người dân địa phương.

“Thành công không phải là món quà của may rủi mà là kết quả của quá trình học hỏi không ngừng, sự tính toán kỹ lưỡng và niềm tin vào chính mình” - bà Nguyệt chia sẻ.
Lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính Cụ Hồ
Không chỉ giỏi làm kinh tế, nhiều nữ cựu chiến binh còn tích cực tham gia công tác cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính Cụ Hồ giữa đời thường.
Bà Trần Thị Như Hoa là một trong những tấm gương điển hình. Bên cạnh phát triển kinh tế, bà còn vận động xây dựng 10 căn nhà “nghĩa tình đồng đội”, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, giúp nhiều cựu chiến binh có chỗ ở ổn định. Không những vậy, bà còn kiên trì hỗ trợ đồng đội hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ theo quy định. Với những trường hợp bị trả hồ sơ, bà càng thêm quyết tâm để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Những đồng đội già yếu, ốm đau luôn được bà quan tâm thăm hỏi như người thân trong gia đình.
Ngoài ra, bà Hoa còn dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ. Hằng năm, bà trao tặng khoảng 20 suất học bổng cho học sinh vượt khó tại Trường THPT Nguyễn Trân và Trường THCS Tam Quan Bắc. Với bà, đầu tư cho giáo dục là cách xây dựng quê hương một cách bền vững nhất.

Một tấm gương lặng lẽ khác là bà Nguyễn Thị Tám (SN 1953, ở phường An Nhơn Đông). Từng nhiều lần bị địch bắt giam cầm, bà vẫn giữ vững tinh thần kiên trung và được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trở về sau chiến tranh, bà cần mẫn lao động để ổn định cuộc sống. Khi kinh tế gia đình dần khá hơn, bà bắt đầu dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện.

Hằng tháng, bà đều đặn nấu và phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế An Nhơn. Bà cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân ái do Hội Phụ nữ địa phương tổ chức, như thăm hỏi người ốm đau, tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng trẻ em mồ côi.
“Niềm vui của tôi là được góp một phần nhỏ để sẻ chia với những người còn khó khăn. Ngày trước, tôi từng sống giữa bom đạn nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào tình người. Nay khi cuộc sống đã ổn định, tôi chỉ mong góp chút sức nhỏ để làm vơi đi nhọc nhằn của ai đó” - bà Tám bộc bạch.