Những nhịp chèo chênh vênh nơi hải cảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) mỗi ngày có hàng trăm chiếc tàu công suất lớn thay nhau cập cảng bốc dỡ cá, lấy nhu yếu phẩm vươn khơi bám biển. Nơi đây, nhiều năm qua vẫn tồn tại những con đò tròng trành, nhỏ bé với gánh nặng mưu sinh. Họ hầu hết là phụ nữ, trót gắn bó với chiếc xuồng, chiếc ghe, với nắng mưa, gió bão khắc nghiệt để kiếm chút tiền công ít ỏi nuôi gia đình.
Trong nắng gió hải cảng
Chẳng ai ở cảng cá Thọ Quang còn nhớ những chiếc đò ngang xuất hiện lúc nào. Chỉ biết, bao nhiêu năm qua, giữa sóng, gió, những con đò bé nhỏ ấy vẫn lặng lẽ đưa người lên tàu, vào bờ. Mấy chục con đò tập trung lại với nhau tạo nên một “xóm đò”, một bến đò nhỏ giữa cảng cá tấp nập, sầm uất. Những người phụ nữ chèo đò nơi này vất vả giữa ngược xuôi con sóng.
Ngồi trò chuyện, Dì Chín - người ở làng cá Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: “Ở đây, dân chèo đò có một phần trước đưa đò qua hai bờ sông Hàn nhưng từ khi những cây cầu nối đôi bờ sông hoàn thành thì chẳng còn ai đi đò nữa, nhiều người chèo đò như tôi lại lần mò đến bến cá Thọ Quang để chèo đò mưu sinh”.

Bà Chín chèo đò đưa khách vào bờ.
Bà Chín chèo đò đưa khách vào bờ.
Những người chèo đò tại đây làm việc khá nguyên tắc và nghiêm túc trong việc phân chia công việc để ai cũng có việc, ai cũng có thu nhập và để không tranh giành lẫn nhau. Giống như xếp hàng mua vé vậy, đò của ai đến trước tại bến thì sẽ được đón khách trước. Cứ theo thứ tự lượt về bến mà xoay vòng. Một lượt chèo, người lái đò được trả 5.000 đồng/người. Việc phân chia rạch ròi như vậy để khỏi mất lòng nhau. 
Không chỉ phân chia theo vị trí, còn phân chia theo đặc điểm công việc như người chở cá vụn, người chở cá lớn, người chở mực, người chuyên đưa người. Có người chuyên chở cá cho tàu Đà Nẵng, cũng có người chỉ chở cá cho tàu Quảng Ngãi, Bình Định,... Vì thế, ai cũng có mối lái quen thuộc của mình nên việc tranh giành khách ở đây xưa nay không hề tồn tại. Nhưng, một điều ít người biết được, đó là sự đùm bọc, tình cảm của những người chèo đò khắng khít hơn bao giờ hết.
“Có 3-4 chiếc đậu một chỗ để dễ dàng hỗ trợ nhau. Những chuyến đò khi ấy là chuyến đò nghĩa tình. Ở đây ai cũng khổ, chị em hiểu nhau, thương nhau còn không hết nữa là, tranh giành nhau làm chi” - chị Loan, một người chèo đò có thâm niên hơn 10 năm nói. Trung bình mỗi người chèo đò kiếm được từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày. Những ngày mở biển, số người ra vào nhiều, người chèo đò kiếm được khoản thu nhập cao hơn đôi chút. Nhưng, những ngày biển động, hay mùa mưa bão thì không có thu nhập do tàu cá không ra khơi được.

 Những chuyến đò chở nước, nhu yếu phẩm lên tàu chuẩn bị ra khơi.
Những chuyến đò chở nước, nhu yếu phẩm lên tàu chuẩn bị ra khơi.
Những lúc thời tiết bình thường là thế nhưng khi bão lớn, ghe thuyền đều phải chạy vào để tránh bão, sức đàn bà cũng phải chèo đò chạy đi, vì nếu không, chìm đò, sẽ mất cần câu cơm. Chưa kể, những lúc chiếc đò hư chỗ nọ chỗ kia, phận đàn bà cũng phải nhảy xuống nước gỡ ra, đò hư hỏng gì cũng phải biết sửa. Chị Loan cho biết: “Có những bữa đang chèo chưa được nửa đoạn đường thì trời mưa tầm tã, sóng gió ù ù, người lạnh buốt, tê cóng nhưng cũng phải cố gắng mà chèo. Chưa hết, những lúc trời mưa gió, đò lại dở chứng hư hỏng, chị em chúng tôi cũng phải đội mưa để sửa chữa. Vì hoàn cảnh, vì công việc nên nhiều lúc 1-2 giờ sáng mới về đến nhà”.
Chao chát đời đò
Hơn 20 năm đưa đò, bà Nguyễn Thị Thịnh (SN 1968) đặc tả công việc của mình bằng một chữ “khổ”. Tựa tay lên mái chèo, bà tâm sự: “Nhà có 4 đứa con. Mấy mươi năm qua, mỗi ngày đi chèo đò về, đứa thì xin mẹ tiền mua bút, thước, đứa lại xin tiền học. Rồi thì bữa cơm hằng ngày, thuốc thang khi chồng và con đau ốm, tiền lễ nghĩa, rồi dựng vợ gả chồng cho con đều nhờ cái đò này mà ra. Vậy nên, nhiều lúc, chị em tôi tặc lưỡi: Khổ thì kệ, xấu cũng kệ, miễn sao lo cho gia đình được no cái bụng, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Bà Loan trên chiếc đò cũ kỹ của mình.
Bà Loan trên chiếc đò cũ kỹ của mình.
Ở hải cảng Thọ Quang này, có 40 người hành nghề chèo đò, mà trong đó đa phần là phụ nữ. Một số người có nhà cửa, sinh sống tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà nhưng cũng có nhiều phụ nữ lặn lội từ Quảng Nam ra đây mua đò để mưu sinh. Có đến một nửa là phụ nữ đơn thân, nhiều người chồng mất tích do đi biển hoặc phụ bạc bỏ đi, họ nuốt nỗi đau vào lòng rồi ngày ngày bươn chải với con đò nhỏ để nuôi con mà không một lời than trách. 
Nhìn những chiếc đò nhỏ mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược, ai biết được mỗi nhịp chèo của những người phụ nữ nghèo ấy chất chứa bao nỗi niềm vui buồn đến khó tả. Trong số họ có những người gắn chặt đời mình với nghiệp chèo đò, đến khi tuổi xế chiều, họ vẫn không có một mái nhà đúng nghĩa để an cư. Một số chị có chồng nhưng cũng như không, có người đến với nghề vì cuộc sống mưu sinh nhưng cũng có người “nối nghiệp”. Phận chèo đò như những người phụ nữ ấy tâm sự, chỉ gói gọn trong cụm từ “gian truân”.

Gồng mình giữa biển để mưu sinh
Gồng mình giữa biển để mưu sinh
Mỗi ngày, họ đưa đò vượt gần một cây số để về với cảng Thọ Quang bằng chính sức lực của đôi tay trên những chiếc đò nhỏ. Rồi lái đò tiếp tục hành trình đưa khách ra, vào bờ, đưa nguyên liệu, nhu yếu phẩm, đá lạnh hay chở cá vào bến trên những chiếc tàu cá vào cảng. Đến tối mịt, những “thân cò” này lại dốc hết sức cho những nhịp chèo cuối ngày, trở về nhà khi đã sức cùng lực kiệt cho một ngày lênh đênh mưu sinh. 
Không chỉ hoạt động ban ngày, đêm đến, bến đò vẫn không thiếu tay chèo. Nhưng, số người làm việc tại buổi đêm có phần ít ỏi hơn. Có người không về nhà trọ, họ chọn ngủ tại đò để sáng sớm có thể bắt đầu công việc. Bao nhiêu năm qua, giấc ngủ của họ tròng trành trên sóng nước như thế. Có người lái đò ít tuổi nghề nhất ở cảng cá là 10 năm. Người dày dạn gió sương hơn đã lên đến 30 năm.

Một người phụ nữ ngồi đếm số tiền ít ỏi của mình sau mỗi chuyến đò.
Một người phụ nữ ngồi đếm số tiền ít ỏi của mình sau mỗi chuyến đò.
Nắng gió trên biển luyện con người trở nên cứng cáp nhưng cũng lấy đi nhan sắc và tuổi xuân. Nhìn làn da cháy đen vì nắng, bàn tay, bàn chân thô ráp bởi cầm chèo, ghì đò của những “thân cò” nơi đây, tôi không khỏi ái ngại. Thật khó giữ gìn được vẻ đẹp bởi đôi bàn tay phải thường xuyên ngấm nước biển, nước cá và bùn đất. Rồi đôi bàn chân của những “thân cò” này phải bỏ dép vì bươn trên bến cảng ngập bùn
Mùa mưa, biển động, tàu ít ra vào bến, người ra vào bờ cũng vắng nên thu nhập của họ cũng giảm hẳn. Những tháng mùa mưa khó khăn nhưng những người phụ nữ hành nghề chèo đò nơi đây vẫn “chia sẻ” với nhau như chị em ruột. Như chị Huỳnh Thị Mai, chồng bị nạn trong cơn bão khi đi đánh bắt xa bờ. Lúc ấy chị mới hạ sinh đứa con út được 10 ngày. Nhiều năm trời gồng gánh một nách 4 đứa con với biết bao nghiệt ngã nhưng rồi những đứa con đều ngoan và học giỏi, chị như được tiếp thêm động lực ngày ngày chèo đò. 

Cảng cá Thọ Quang luôn có những người phụ nữ tất bật với công việc chèo đò mưu sinh mỗi ngày.
Cảng cá Thọ Quang luôn có những người phụ nữ tất bật với công việc chèo đò mưu sinh mỗi ngày.
Bữa cơm trên sóng nước của những người phụ nữ chèo đò.
Bữa cơm trên sóng nước của những người phụ nữ chèo đò.
Bây giờ, 3 đứa đã tốt nghiệp đại học và lập gia đình, đứa út hiện đang là học sinh cuối cấp của một trường chuyên có tiếng tại Đà Nẵng. Niềm vui lại càng nhân lên khi mới đây chị xây được mái nhà đúc kiên cố để ở, như thế so ra cũng đỡ khổ hơn bao chị em chèo đò khác. “Khổ mấy tôi cũng chịu được, miễn cho con học hành đến nơi đến chốn. Nhìn con cái lớn lên, học hành đàng hoàng, sau này có công ăn việc làm ổn định, tôi thấy không uổng phí những tháng ngày cực nhọc chèo đò. Biết đâu sau này còn cái nên người, mình lại sướng thì sao”, chị Huỳnh Thị Mai cho biết.
Ở cảng cá này, được nghe, được cảm nhận về những chuyến đò thấm đẫm mồ hôi của những “thân cò” lặn lội này. Chiều trên hải cảng, giữa sóng nước rì rào vẫn có những chiếc đò tròng trành với bóng người. Những thân hình nhỏ bé vẫn gồng mình chao nghiêng theo con nước như chính cái số phận của họ vậy. Làn da sạm nắng, lam lũ, vất vả nhưng nụ cười của họ lại rạng ngời, hào sảng như chính miệt biển này vậy.
Tiêu Dao (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.