Những người mẹ điên: Bao la lòng mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huệ bị tâm thần do di chứng chất độc màu da cam từ cha. Sau này, do bị xâm hại, Huệ có bầu rồi sinh con. Vậy là ngoài chăm Huệ, mẹ Hoa lại nhận thêm phần trách nhiệm chăm con của Huệ.

Bà Hoa chăm chút thương yêu đứa con gái bị điên từng tí một. Ảnh: LAM NGỌC
Bà Hoa chăm chút thương yêu đứa con gái bị điên từng tí một. Ảnh: LAM NGỌC
Có lần, anh Khánh (quê Phú Quốc, Kiên Giang) kể với tôi về Hòn Thơm ở quê mình. Anh bảo nơi đó được nhiều ngư phủ “dừng chân” sau nhiều tháng đánh cá khơi xa. Họ ghé vào đó vì thèm hơi phụ nữ. Việc dừng chân ở đây vài ngày như là cách xả stress và giúp họ kiểm soát bản thân tốt hơn trước khi trở lại cuộc sống thường nhật.
“Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách dừng chân có trách nhiệm như thế”, anh Khánh nói. Vẫn có những ngư phủ sau khi khơi xa đánh cá liền trở về nhà. Vì thèm khát phụ nữ, không kềm nổi dục vọng bản thân mà tìm tới những người đàn bà điên như công cụ để giải khuây.
Nhảy qua dây thép gai để cứu con
Điều đó đã để lại nỗi sợ hãi cho những người đàn bà điên và gánh nặng là những đứa con ra đời. Anh Khánh bảo có lẽ vì là nơi tập trung toàn dân đánh cá mà gần khu vực anh ở có tới vài người tâm thần trở thành mẹ.
Anh dẫn tôi tới nhà bà Trần Thị Hoa, 60 tuổi, người mẹ có đứa con gái là Trần Thị Huệ từng bị một ngư phủ cưỡng hiếp. Thời điểm đó, ba của anh Khánh là trưởng ấp, đã tiếp nhận những vật chứng từ bà Hoa tố cáo người cưỡng bức con mình. Bà Hoa kể: “Nhà nghèo nên tối nào con Huệ cũng qua hàng xóm xem nhờ ti vi. Thường thì 8 - 9 giờ tối là về nhưng hôm đó đợi mãi không thấy con. Trong lúc tôi đang nhấp nhổm thì có thằng bé hàng xóm chạy về hớt hải: Chị Huệ bị kéo vô lùm”.
Nghe đứa bé báo tin, bà Hoa chạy ngay theo đến khu vườn hoang nhà nước đã rào lại. Không có thời gian, bà nhảy qua hàng rào bằng thép gai, chân tay bị cào rướm máu, chạy khắp khu vườn lùng sục. Rồi tim bà như thắt lại khi thấy Huệ trần truồng không mảnh vải che thân đang thu mình ngồi khóc.
Nhanh tay vớ quần áo mặc lại cho con, ôm con vào lòng, bà Hoa hỏi: “Ai lấy mày?”. “Thằng T.”. “T. nhà lá hay T. nhà xây?”. “T. nhà xây”. Rồi bà nhìn quanh chỗ con nằm và tìm được một chiếc áo khoác cùng một đôi dép lào. Mang chiếc áo về nhà, ngay lập tức người con trai của bà Hoa nhận ra chủ nhân của chiếc áo đó: “Đây là áo của thằng T. cùng đi đánh cá nhiều ngày nên con vẫn nhớ”.
Bà Hoa mạnh dạn lên ấp tố cáo. Tuy nhiên, khi được mời lên lấy lời khai, T. phủ nhận: “Nó nói tấm áo và đôi dép ấy là người nào đó ghét nó nên lấy để vu oan”, bà Hoa nhớ lại. Lủi thủi dắt con về, vài tháng sau, bà bàng hoàng khi phát hiện con gái mang bầu: “Nuôi nó từ khi còn nhỏ tới nay đã là một khó khăn. Giờ thêm đứa bé, tôi không biết mình gồng gánh thế nào”. Mang chuyện Huệ có bầu nói với trưởng ấp thì bà Hoa lại nhận được lời khuyên: “Thôi thì có con, sau này già, nó lo mẹ nó cũng đỡ cho bà”.

Do bị tâm thần bẩm sinh nên Huệ không biết chăm con, việc nhà cũng chỉ phụ những phần lặt vặt
Do bị tâm thần bẩm sinh nên Huệ không biết chăm con, việc nhà cũng chỉ phụ những phần lặt vặt
Nghĩ lời ông trưởng ấp nói cũng có lý, bà Hoa ngậm ngùi chăm con cùng cái thai đang từng ngày lớn lên trong cơ thể con gái.
Tìm con giữa Sài Gòn
Sinh con xong, Huệ giao toàn bộ việc chăm sóc, nuôi nấng đứa trẻ cho bà Hoa. Vì sợ đứa cháu mới sinh bú sữa mẹ sẽ bị di truyền nên bà Hoa nuôi hộ. Mỗi ngày bà gạn nước cơm hòa với đường đút cho cháu từng muỗng nhỏ. Đứa bé lớn lên không có sữa mẹ nên èo uột nay ốm mai đau. Số tiền ít ỏi bao năm bà dành dụm từ ngày Huệ sinh con đã lấy ra trang trải cũng tới lúc cạn.
Không thể quấn lấy đứa cháu nhỏ để cả ba người cùng chết đói, bà Hoa dạy Huệ chăm con để đi làm. Tuy nhiên, người mẹ điên không hiểu chuyện, thấy con khóc không biết dỗ mà lại đánh con. Để Huệ tắm cho con thì bà Hoa sợ cháu mình đuối nước, để Huệ cho con ăn thì kiểu gì đứa bé cũng bị sặc. Để Huệ ở nhà chơi với con thì khi về không thể tìm thấy cả hai vì Huệ dẫn con lang thang khắp đầu đường xó chợ. Khi trở về lần nào mặt mũi, quần áo cũng lấm lem, hôi thối.
Không thể giao đứa trẻ cho Huệ, bà Hoa dạy Huệ đi nhặt ve chai, còn bà ở nhà chăm cháu. Ngoài ra, bà mượn thêm vườn tược xung quanh nuôi thêm gà vịt. Từ ngày Huệ đi nhặt ve chai, bà Hoa lại thêm một mối lo khác. Ngoài việc phân nửa số ve chai Huệ nhặt về là rác không thể bán được thì đôi khi chị lại đi lạc khiến mẹ vừa ôm cháu lại phải ra ngóng vào trông. Có hôm, Huệ đi lạc tới gần nửa đêm không về; báo hại bà Hoa phải gửi cháu, hô hào các con đi tìm. Dù thương con bệnh tật vẫn phải đi làm, nhưng không đi làm thì không có cái ăn nên bà Hoa buộc phải chấp nhận.
Rồi một hôm, Huệ đi nhặt ve chai nhưng không về nhà. Từ khi Huệ đi lạc, ngày nào bà Hoa cũng khóc. Cứ chiều tối bà lại bế cháu ra đầu ngõ đợi con. 
Cho tới ngày, một người thân thấy Huệ ở Sài Gòn và bảo cô lên xe chở về nhà nhưng Huệ không nhận ra người quen nên không chịu theo. Nghe tin về con, hỏi thăm kỹ địa chỉ, bà Hoa gửi lại đứa cháu ngoại rồi lên Sài Gòn tìm con.
Lên tới Bến xe Miền Tây, chị bán vé xác nhận trước giờ vẫn thấy Huệ ở trong bến xe này nhưng một tuần nay thì không thấy. Có người nói nhìn thấy Huệ ở chợ Bến Thành. Thế là bà Hoa lại lụi cụi lên xe buýt đi chợ Bến Thành tìm con. “Trong túi vỏn vẹn 10.000 đồng, tôi mua vé xe hai lượt hết 8.000 đồng, tới chợ Bến Thành bị say nắng nên lấy 2.000 đồng còn lại mua ly trà đường uống cho tỉnh táo rồi tiếp tục tìm con”.
Mấy ngày liên tiếp không tìm được, bà Hoa gần như kiệt sức. Trong lúc tuyệt vọng, bà đi lại một lần nữa trên những tuyến đường đã đi cả chục lần và thấy con mình nằm xõa tóc ở bến xe buýt.
Gặp được con, bà Hoa ôm chầm lấy nhưng người đàn bà điên vùng vẫy: “Đi đi”. Mãi một lúc sau Huệ mới nhận ra mẹ. Lúc đó, người qua đường thấy bà ôm một đứa khùng thì bu lại xem. Họ không ngờ, qua gần hai năm lạc mất con mà một người đàn bà quê lại có thể tìm được con ngay giữa đất Sài Gòn đông nghịt người. Chứng kiến cuộc đoàn tụ của mẹ con bà Hoa, người qua đường góp tiền mua vé cho hai mẹ con về quê.
Từ khi tìm được Huệ tới nay, đã hơn 20 năm bà Hoa vẫn giữ con gái như báu vật: “Nó điên thật, nó bị người ta khinh thường, chà đạp thật nhưng nó là con tôi. Nó là cục vàng của tôi. Tôi thương đứa lành một thì thương nó tới một trăm lần”.
(còn tiếp)
Nỗi lo cuối đời
Ngày con gái chị Huệ có bạn trai, bà Hoa bảo cháu phải kể thật hoàn cảnh của mình. Nếu đàng trai không chê thì tiếp tục, còn không thì đành chịu. May thay cả người yêu và gia đình đều rất cảm thông. Bà chỉ dặn: “Giờ ngoại còn sống, ngoại nuôi mẹ bây. Sau này ngoại chết, vợ chồng bây phải nuôi mẹ thay ngoại”. Ngày cưới của cháu gái mà hai bà cháu chỉ nói về mẹ Huệ. Đối với họ, mẹ Huệ vừa là trách nhiệm, là nỗi lo chung và cũng là hạnh phúc mà họ cố gắng bảo vệ, chăm nom từng chút.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.