Những lá thư ngỏ giữa mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Nếu sai, hãy sà vào lòng mẹ”! Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã viết như thế trong một lá thư ngỏ gửi tới phụ huynh, tha thiết mong họ “đừng to tiếng, không đòn roi” với trẻ. Suốt hai năm học sinh ở nhà tránh dịch, nhiều lá thư như thế đã được thầy gửi đến phụ huynh, mong họ thấu hiểu, kiên trì, nhẫn nại hơn trong ứng xử với các con.

 Một số trẻ có nguy cơ rối loạn tâm lý sau thời gian dài học online.
Một số trẻ có nguy cơ rối loạn tâm lý sau thời gian dài học online.


1/ “Con lại bị đánh”, “Em cảm thấy trống rỗng quá”, “Cô ơi bao giờ được đến trường”… Liên tiếp những cuộc gọi đến số hotline của phòng tham vấn học đường Trường Marie Curie (Hà Nội). Do việc học online kéo dài, không có bạn bè, không có môi trường giao tiếp, thích ở một mình và có dấu hiệu trầm cảm trong suốt hai năm ở nhà “trốn dịch”. Theo thầy Khang, đã có rất nhiều phụ huynh gọi điện tới trường than thở rằng con họ đang từ đứa trẻ ngoan ngoãn trở nên cáu bẳn, không thích giao tiếp với ai, có nhiều biểu hiện của rối loạn tâm lý. Đó cũng là lý do những lá thư ngỏ được đều đặn gửi đi suốt hai năm qua!

Có một thực tế đau lòng là trẻ nhỏ bị bạo lực nhiều hơn trong thời gian nghỉ học vì dịch. Con ở nhà, bố mẹ thành giáo viên bất đắc dĩ. Những căng thẳng vì dịch bệnh, áp lực công việc, nay lại gánh thêm vai trò giáo viên khiến nhiều cha mẹ không khỏi sử dụng đòn roi với trẻ. Chị Đỗ Thị Trang, thạc sĩ tâm lý học, Trưởng phòng tham vấn học đường Trường Marie Curie cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh, đường dây nóng liên tiếp nhận được cuộc gọi phản ánh, không ít cuộc gọi “kêu cứu” của học sinh. Trẻ bị bạo lực phần nhiều là các em ở lứa tuổi tiểu học. Hậu quả của hành vi bạo lực, theo chị Trang, sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất. Trẻ sẽ tập nhiễm hành vi bạo lực, có xu hướng giải quyết các vấn đề bằng bạo lực.

2/Tổn thương tâm lý do bị bạo lực chỉ là một phần trong rất nhiều những rối loạn tâm lý mà học sinh gặp phải khi phải ở nhà lâu ngày. Theo thống kê từ phòng tham vấn học đường Trường Marie Curie, suốt  hai năm qua, trung bình phòng tiếp nhận 75 ca cần tham vấn tâm lý (tức là 200 lượt/tháng). Số lượng không tăng nhiều so thời gian trước nghỉ dịch bệnh. Nhưng các biểu hiện rối loạn tâm lý của học sinh khi gọi đến thì tăng gấp ba lần so trước đại dịch. Một số biểu hiện rối loạn tâm lý mà các em gặp phải như cảm giác cô đơn trống rỗng, không muốn tiếp xúc, mất động lực học tập, không tập trung, không hòa nhập... Các rối loạn tâm lý này chủ yếu gặp ở các em học sinh cấp 2, cấp 3. Như trường hợp chị Khánh Vân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một thí dụ. Cậu con trai 13 tuổi sau thời gian dài học online chỉ thích ngồi lỳ trong phòng, chơi máy tính, không muốn tiếp xúc với ai, chỉ thích ở một mình “có khi cả ngày cháu không nói câu nào”.

Trong đó, đáng lo ngại nhất là tỷ lệ học sinh đang mất động lực học tập gia tăng. Việc học online kéo dài, không có sự tương tác, ngồi một mình trước màn hình máy tính khiến trẻ giảm hứng thú học tập, dành thời gian cho các hoạt động khác như chơi game, xem các video trên TikTok, trên mạng xã hội. Nhiều học sinh “nghiện game” lúc nào không hay. Không được đến trường, nhiều em sẽ có cảm giác bị cô lập, xa cách, gây căng thẳng, lo âu, từ đó trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí rối loạn hành vi vì khó tập trung chú ý. “Điều này thật sự nguy hiểm đối với các em”, cô Trang nhấn mạnh.

3/Đã hai năm học sinh học tại nhà với vô vàn các khúc mắc, các vấn đề tâm lý phát sinh, nhưng đến nay vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về vấn đề này. Nhiều chuyên gia cho rằng nên có đánh giá tổng thể về sức khỏe tâm lý để phát hiện các vấn đề nguy cơ và bảo vệ sức khỏe tinh thần cho các em khi trở lại trường học. Theo cô Trang, thực hiện sàng lọc có thể qua bộ câu hỏi, mỗi học sinh chỉ mất khoảng 15 phút và hoàn toàn có thể làm online. Thông qua bộ câu hỏi, học sinh được đánh giá nguy cơ rối loạn tâm lý, qua đó có lộ trình can thiệp cụ thể. Quan trọng là để các em nói ra vấn đề của mình và gia đình nhận diện được vấn đề mà con mình đang gặp phải, từ đó mới có lộ trình can thiệp nhất định. “Sức khỏe tâm thần của học sinh nên là một vấn đề ưu tiên khi đưa các em trở lại trường”, cô Trang nhấn mạnh.

Những lá thư ngỏ của một thầy giáo nhiệt tâm đã phần nào xoa dịu căng thẳng tâm lý của phụ huynh và học sinh. Nhưng để vấn đề sức khỏe tâm lý học đường quan tâm đúng mức, như nó vốn dĩ phải được thế, cần một sự tư duy mới từ các nhà quản lý!

 

Nếu trẻ thường xuyên bị đánh mắng, dọa nạt sẽ có thái độ chống đối, dễ cáu gắt hơn, thậm chí có thể bị thay đổi thế giới quan, trở nên tự ti, cô đơn và sợ hãi. Và để chữa lành, chuyên gia tâm lý phải mất ít nhất một năm, với lịch mỗi tuần hai buổi tham vấn cho việc “cài đặt” lại tư duy để đứa trẻ có thể phát triển bình thường.


Theo HẢI VÂN (NDD9T)

Có thể bạn quan tâm