(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau của nó vẫn bao phủ cuộc đời những đứa trẻ lưu lạc trong những ngày loạn lạc năm nào. Trong số họ, có người hàng chục năm đằng đẵng đi tìm cội nguồn của mình, nhưng cũng có người ngậm ngùi chấp nhận…
Đó là những ngày đầu Đông trước năm 1975 tại một nhà hộ sinh ở khu vực gần cầu sông Bờ, thị xã Ayun Pa. Người vợ của một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa theo chồng từ Bình Định lên Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa). Vừa đến nơi thì trở dạ, sinh hạ một bé gái kháu khỉnh, sau đó mấy ngày thì người chồng buộc phải di chuyển gấp nên đành bảo vợ để đứa con ở lại, rồi lên đường. Nhưng người mẹ ấy không nỡ lòng nào bỏ con. Đến ngày thứ 5, một người lính mang bảng tên “Trung úy Đính” bỗng vào giường nơi hai mẹ con nằm nói: “Tôi phải đưa chị đi, không người ta sẽ bắn tôi”, rồi bế xốc người mẹ ra chiếc xe Jeep đang đợi sẵn.
Trưởng thôn Rơ Ô Sông và người mẹ nuôi Rơ Ô Tốt của mình. Ảnh: L.V.N |
Đứa bé năm ấy bây giờ đã là người phụ nữ đứng tuổi tên Nguyễn Thị Yến (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa). Tất cả những ký ức về cha mẹ mình, bà Yến chỉ được nghe kể lại từ người ở phòng hộ sinh. Sau khi bị cha mẹ đẻ bỏ rơi, đứa bé được một gia đình cưu mang trong một tháng trước khi bán cho cha mẹ nuôi của bà Yến sau này là vợ chồng ông Nguyễn Ngọc và bà Văn Thị Liễu.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà Liễu mới gọi đứa con nuôi lại trao chiếc hộp có khắc chữ “Đại tá Nguyễn Văn Chức”, bên trong có một tấm ảnh của người mẹ đẻ và nói ra sự thật động trời. “Khi ấy mẹ nuôi tôi mới kể, khi tôi học lớp 2, mẹ đẻ tôi có quay về tìm. Nhưng vì sợ mất tôi nên mẹ nuôi mang gửi tôi vào làng người Jrai mấy ngày rồi nói với mẹ đẻ là có nhận nuôi đứa bé ấy nhưng do yếu quá nó đã chết rồi”-bà Yến nghẹn ngào kể. Và, đến tận bây giờ, dù đã nỗ lực bằng mọi cách đi tìm lại cha mẹ đẻ của mình nhưng bà Yến vẫn không có gì hơn ngoài tấm ảnh đen trắng đã mờ.
Đến buôn Bíh B, xã Ia Tul, huyện Ia Pa, chúng tôi đã gặp được Rơ Ô Sông-cậu bé đã bị lạc cha mẹ trong cuộc chạy loạn lịch sử tháng 3-1975. Năm ấy, trong đoàn người ly loạn và tàn quân ngụy tháo chạy từ Pleiku xuôi theo đường 7 về Phú Yên, Rơ Ô Sông mới chỉ là cậu bé 5 tuổi được bố mẹ cõng trên vai. Chạy đến chân một ngọn núi thì em bị bố mẹ bỏ lại, nằm đói lả bên một hồ nước. Khi đó, người phụ nữ Jrai ở buôn Bíh B tên là Rơ Ô Tốt đi lấy nước thì nghe tiếng trẻ khóc mỗi lúc một gần. Bà bỗng giật bắn người khi thấy bên đụn đất cạnh mép hồ, có một đứa trẻ đầu tóc, mặt mũi bám đầy đất, không một mảnh vải che thân đang khóc những tiếng yếu ớt. Bà quăng cả gùi, lao tới ôm đứa bé rồi mớm nước, lấy áo lau mặt mũi cho đứa bé, rồi bế chạy về làng.
Bà Rơ Ô Tốt tâm sự: “Thằng Sông lúc ấy đã yếu lắm, kiến đã chui vào hai lỗ tai, da của nó tím tái. Từ ngày nhặt nó về nuôi, nó không quen với cách ăn uống của người Jrai nên đau ốm suốt, hay bị vàng da, rụng tóc nên có lúc gầy rọp đi chỉ còn bộ xương. Tôi phải bỏ hết công việc, cõng nó đi chạy chữa khắp nơi, tìm lá rừng để cứu sống nó và thương nó như chính giọt máu của mình”. Đến một ngày, đang trong bữa rượu, có người nói với Sông rằng: “Mày mang dòng máu người Kinh. Mày không phải người Jrai đâu” khiến Sông ngỡ ngàng chạy về nhà hỏi mẹ. Khi bà Tốt kể chuyện nhặt con bên hồ nước, Sông bỗng cảm thấy hụt hẫng, trống trải bởi đã bị cha mẹ đẻ của mình bỏ rơi. Giờ đây anh không biết đích xác gốc gác mình ở nơi nao.
Cậu bé còi cọc năm nào giờ đã là Trưởng thôn của buôn Bíh B với một gia đình êm ấm. Nhưng trong sâu thẳm ánh mắt của người đàn ông ấy vẫn chất chứa một khoảng trống mênh mang mà có lẽ không gì có thể khỏa lấp được…
Lê Văn Ngọc