Những con đập tử thần - Kỳ 7: Từ người cứu nạn thành tội đồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 5-11-2015, con đập ngăn bùn thải quặng sắt của Công ty Samarco (liên doanh giữa Công ty Vale của Brazil và Tập đoàn BHP Billiton của Anh-Úc) vỡ toang.

Thảm họa vỡ đập Brumadinho ngày 25-1-2019 - Ảnh: TV NBR
Thảm họa vỡ đập Brumadinho ngày 25-1-2019 - Ảnh: TV NBR
60 triệu tấn bùn tràn xuống làng Bento Rodrigues cách thành phố Mariana (Brazil) 35km. Ngoài 19 người thiệt mạng, lũ bùn đỏ quạch đã gây ô nhiễm nghiêm trọng con sông Rio Doce vốn là nguồn cung cấp nước cho dân.
Chỉ trong vài ngày, hàng triệu cá tôm chết vì ngạt thở. Người dân đã đổi tên sông Rio Doce (dòng sông hiền hòa) thành sông "Rio Morto" (dòng sông chết).
Ông ấy luôn nêu cao khẩu hiệu "Không bao giờ để xảy ra vụ Mariana lần nữa" nhưng đó là khẩu hiệu sai.
Công tố viên WILLIAN COELHO
Đập vỡ chỉ trong 10 giây, 270 người thiệt mạng
Gần hai năm sau thảm họa vỡ đập ở Mariana, tháng 5-2017 ông Fabio Schvartsman được bổ nhiệm giữ chức giám đốc điều hành Công ty Vale. Ông được kỳ vọng là vị cứu tinh đủ khả năng vực dậy công ty đa quốc gia khai thác quặng sắt thuộc hàng lớn nhất thế giới này.
Schvartsman tốt nghiệp ngành kỹ thuật sản xuất tại Đại học Bách khoa São Paulo. Dù biết rất ít về mỏ và quặng, ông đã từng đẩy giá trị cổ phần của Công ty Klabin - nhà sản xuất giấy lớn nhất Brazil - tăng hơn 200% bằng những dự án chi phí thấp, hiệu quả lợi nhuận cao.
Trước khi Schvartsman nhậm chức, Công ty Vale từng "lên bờ xuống ruộng" với giám đốc điều hành cũ Murilo Ferreira. Dưới thời Ferreira, cổ phiếu Vale mất giá khoảng 30% bởi lúc đó giá nguyên liệu tuột dốc do nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại và nguồn cung cấp tràn lan.
Dù vậy, Ferreira vẫn có công thúc đẩy thành lập khu liên hợp khai thác mỏ trị giá 14 tỉ USD tại một khu vực có chất lượng quặng cao hơn và chi phí rẻ hơn. Sau thảm họa vỡ đập ở Mariana, cái nghiệp bám lấy Ferreira, cuối cùng Ferreira bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho Schvartsman.
Ngày đầu tiên làm việc tại Vale, Schvartsman đã hô hào câu khẩu hiệu "Mariana, never again" ("Không bao giờ để xảy ra vụ Mariana lần nữa"). Trong thời gian đầu, nhân vật mới Schvartsman đã chơi một trận đấu hoàn hảo. Cổ phiếu Vale tăng vùn vụt lên gấp đôi. Song trớ trêu thay, thảm họa vỡ đập thứ hai đã xảy ra.
Ngày 25-1-2019, đập B1 chứa bùn thải tại mỏ Córrego do Feijão của Vale ở Brumadinho (bang Minas Gerais) bị vỡ. Vết nứt vỡ hình thành gần đỉnh đập, sau đó nhanh chóng phát triển trên toàn bộ cấu trúc dẫn đến vỡ đập chỉ trong 10 giây.
Gần 10 triệu m3 chất thải được xả ra trong chưa đầy 5 phút. Lũ bùn nhanh chóng tràn xuống hạ lưu nhấn chìm nhiều nhà cửa và giết chết 270 người. Bùn phủ kín gần 300ha rừng, làm chết khoảng 4.000 động vật.
Nông dân mất đất, đến nay vẫn chưa thể trồng trọt. Sông Paraopeba cung cấp nước cho người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cấu trúc đập B1 là hồ chứa chất thải khai thác mỏ được bao quanh bằng cát và bùn chứ không phải xây dựng bằng bêtông hoặc kim loại. Kiểu thiết kế công trình này được gọi là đập đắp cao tầng trên (chất thải nhiều đến đâu, tăng chiều cao đập đến đó). Trong đập chứa bùn đặc nửa cứng gồm nước và các chất thải rắn (chất thải quặng đuôi).
Cấu trúc của loại chất thải này rất dễ bị phá vỡ trong quá trình hóa lỏng khi chất rắn đột ngột trở thành chất lỏng. Chỉ cần một thay đổi nhỏ như tăng hàm lượng nước (do mưa lớn hoặc quản lý kém), chất thải rắn cũng có thể hóa lỏng thành bùn.
Đập nằm trên chất thải hoặc bùn cát thải ra được xem là một trong những mô hình xây dựng đập nguy hiểm nhất. Dù được giám sát cẩn thận trong quá trình thiết kế và xây dựng, đập cũng rất dễ vỡ.
Vụ vỡ đập B1 ở Brumadinho là một trong những tai nạn khai thác mỏ thảm khốc nhất trong lịch sử Brazil. Trong các giám đốc doanh nghiệp Brazil phải ra trước vành móng ngựa những năm gần đây, giám đốc Schvartsman là bị cáo "nổi bật" nhất vì đã bị truy tố tội giết người.
Murilo Ferreira - người tiền nhiệm của ông - vẫn không bị kết án hình sự mặc dù đập bùn thải ở Mariana bị vỡ.

Từ ngày 17-8, các binh sĩ nối lại công tác tìm kiếm thi thể 11 người mất tích - Ảnh: gazetabrasil.com.br
Từ ngày 17-8, các binh sĩ nối lại công tác tìm kiếm thi thể 11 người mất tích - Ảnh: gazetabrasil.com.br
Ngày Fabio Schvartsman trở thành tội đồ
Sau sáu tháng điều tra vụ vỡ đập B1 ở Brumadinho, tháng 7-2019 Ủy ban Điều tra Quốc hội Brazil (CPI) đã công bố kết luận điều tra dày hơn 300 trang. Báo cáo nhận định thảm họa xảy ra không phải là điều bất ngờ.
Theo các chứng cứ và dữ liệu CPI thu thập được, Công ty Vale biết tất cả rủi ro có thể dẫn đến vỡ đập nhưng trên thực tế chẳng làm gì để khắc phục. Vale biết con đập vận hành với mức an toàn thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế nhưng tai ngơ mắt điếc.
Hai tuần trước vụ vỡ đập, giám đốc điều hành Fabio Schvartsman và các giám đốc khác của Vale còn nhận được một email nặc danh báo tin đập đã đến giới hạn nguy hiểm và kêu gọi đầu tư để đạt đủ điều kiện vận hành an toàn.
Trong số các lãnh đạo bị CPI điểm mặt chỉ tên chịu trách nhiệm có hai giám đốc Fabio Schvartsman và Peter Poppinga của Vale (cả hai đã bị cách chức sau vụ vỡ đập) cùng giám đốc kỹ thuật đập Cristina Malheiros.
Về phía Công ty kiểm toán TUV Sud (Đức) có hai kỹ sư Makoto Namba và André Jum Yassuda là những người đã ký văn bản chứng nhận cấu trúc đập ổn định. Ngoài ra còn nhiều người có liên quan khác.
Ngày 14-2-2020, tức hai năm rưỡi sau khi ông Fabio Schvartsman (66 tuổi) về Công ty Vale giữ chức vụ giám đốc, 16 cán bộ nguyên là giám đốc, chuyên viên địa chất, kỹ sư của Vale và TUV SUD đã bị tòa án bang Minas Gerais truy tố về tội giết người và tội gây ô nhiễm môi trường với mức án tù dự kiến từ 12-30 năm.
Vale và TUV SUD còn bị truy tố tội gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan công tố nhận định Schvartsman biết trước vấn đề mất an toàn tại đập bùn thải nhưng vẫn cố tình che giấu. Công tố viên liên bang Willian Coelho nhận xét: "Fabio Schvartsman đã trực tiếp hành động nhằm hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ giá trị thị trường chứ không nhằm tránh rủi ro xảy ra".
Trước đó vào đầu tháng 11-2019, Cơ quan Khai thác mỏ quốc gia Brazil (ANM) đã công bố báo cáo dày 194 trang khẳng định hai tuần trước thảm họa, Vale đã phát hiện áp suất nước cao bất thường trong đập bùn thải nhưng không báo cáo với ANM.
ANM nhấn mạnh nếu nhận được thông báo kịp thời, ANM đã có thể yêu cầu Vale thực hiện các biện pháp khẩn cấp và nhờ đó có thể ngăn chặn thảm họa.
Về mặt dân sự, vào trung tuần tháng 9-2020, tòa án đã phê chuẩn thỏa thuận giữa văn phòng cơ quan công tố với Công ty Vale. Vale đồng ý chi trả 250 triệu real (46,3 triệu USD) tiền phạt hủy hoại môi trường.
Khoản tiền này được chi cho hai mục đích: 150 triệu real (27,8 triệu USD) đã nộp trước cho tòa án sẽ được phân bổ cho bảy công viên quốc gia và 100 triệu real (18,5 triệu USD) còn lại được đầu tư cho các dự án vệ sinh cơ bản và xử lý chất thải rắn tại các khu đô thị trong bang.
Ngoài ra, chính quyền bang Minas Gerais và các công tố viên liên bang đã gửi kiến nghị đề nghị thẩm phán ra lệnh đóng băng tài khoản 26,7 tỉ real (4,9 tỉ USD) của Công ty Vale để bảo đảm bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 28 tỉ real (5,1 tỉ USD).
Khoản tiền này tương ứng với lợi nhuận ròng được chia cho các cổ đông của Vale trong năm 2018 và sẽ được sử dụng để bảo đảm an toàn cho các con đập.
Từ thảm họa vỡ đập ở Brumadinho, Brazil đã quyết định đến năm 2023 sẽ dỡ bỏ toàn bộ các đập được xây dựng theo kiểu thiết kế đập B1 bị vỡ.
Năm 2019, 26 bang ở Mỹ phá tổng cộng 90 con đập. Một xu hướng đang âm thầm phát triển ra thế giới là phá bỏ đập để bảo đảm an toàn và khôi phục sinh thái.
270 người chết oan uổng!
Trong 270 nạn nhân thiệt mạng trong vụ vỡ đập bùn thải ở Brumadinho năm 2019, 259 thi thể đã được tìm thấy và 11 thi thể vẫn còn bị chôn vùi.
Ngày 27-8, lực lượng cứu hỏa bang Minas Gerais bắt đầu nối lại công tác tìm kiếm 11 thi thể còn mất tích. Công việc này đã bị tạm dừng hôm 21-3 do đại dịch COVID-19.
Năm 2019, 26 bang ở Mỹ phá tổng cộng 90 con đập. Một xu hướng đang âm thầm phát triển ra thế giới là phá bỏ đập để bảo đảm an toàn và khôi phục sinh thái.
Kỳ tới: Trả lại tôm cá, rừng xanh
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.